Xã Tự Do (Lạc Sơn – Hòa Bình): Hệ lụy từ việc khai thác vàng trái phép!

18/10/2019 16:56

Kinhte&Xahoi Lấy lí do là đào ao nuôi cá, làm trang trại chăn nuôi nhưng một hộ gia đình ở thôn Khướng (xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) đã nhiều năm khai thác vàng một cách trái phép trên nền diện tích lớn. Hậu quả, tài nguyên khoáng sản bị “ăn cắp” một cách trắng trợn và nguy hại hơn, môi trường cảnh quan xung quanh đã bị xâm hại một cách nặng nề, biến đổi dòng chảy và hoa màu của người dân không thể can tác.

Núp bóng phát triển trang trại

Vừa qua, tòa soạn Pháp luật Plus nhận được đơn của bà con nhân dân xóm Khướng, xã Tự Do, (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Theo đơn, người dân cho biết, bắt đầu từ  tháng 7 năm 2010,  ông Bùi Chí Hưởng, trú tại phố Quang Vinh, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn có lên xã Tự Do (huyện Lạc Sơn) đề xuất với UBND xã Tự Do xin được thuê khu vực hợp lưu ba dòng suối tại khu vực xóm Khướng để phát triển trang trại gồm chăn nuôi gia súc gia cầm (gà lợn, chim bồ câu) và nuôi trồng thủy sản.

Xét thấy đơn đề nghị của ông Bùi Chí Hưởng có thể thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình cũng như kinh tế địa phương nên UBND xã đã đồng ý bằng cách để ông Hưởng tự thỏa thuận với những hộ dân có đất ở khu vực trên.

Vậy nhưng ngay từ khi được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và người dân, ông Hưởng đã không phát triển trang trại và nuôi trồng thủy sản như cam kết mà đã huy động nhận lực và phương tiện đến để tiến hành đào đãi vàng một cách trái phép trên nền diện tích lớn bất chấp ngày đêm.

Nơi ông Bùi Chí Hưởng thuê đê phát triển trang trại, chăn nuôi nhưng thực chất là để đào đãi vàng trái phép.

Một thời gian sau, nắm bắt được việc làm trái phép, đi ngược cam kết ban đầu, UBND xã Tự Do đã lập tổ công tác xác minh và Chủ tịch Bùi Tiến Nhinh (thời điểm đó) đã có văn bản kết luận: “Vị trí đào bới thuộc thửa đất số 96, tờ bản đồ 318 diện tích khoảng 5000m2.

Đây là khu vực hợp lưu của ba con suối (suối cạn), mùa mưa có lưu lượng nước chảy qua cao, dòng chảy xiết, việc khai thác trực tiếp làm ảnh hưởng đến dòng chảy, nguy cơ làm biến đổi dòng, gây sạt lở cao.

Qua xác minh cho thấy mục đích đào ao của ông Hưởng là không có cơ sở, mục đích chính là đào đãi vàng. UBND xã Tự Do đã yêu cầu dừng ngay việc khai thác nhưng ông Bùi Chí Hưởng không chấp hành mà còn mở rộng diện tích lớn, gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng đến tài nguyên đất của xã.”


Cũng theo kết luận, thời gian sau, UBND xã Tự Do cũng đã có văn bản báo cáo gửi lên UBND huyện Lạc Sơn, Phòng TNMT.

Những tưởng, với kết luận rất rõ ràng đó, ông Bùi Chí Hưởng sẽ dừng việc khai thác tài nguyên trái trái phép nhưng ngược lại, ông Hưởng bất chấp lệnh cấm, vẫn huy động nhân lực và phương tiện tiếp tục việc khai thác vàng và ngày một mở rộng diện tích.

Có lẽ đây là câu chuyện kì lạ nhất diễn ra tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình khi việc ngang nhiên khai thác vàng trái phép của ông Bùi Chí Hưởng diễn ra đều đặn và liên tiếp đến… 6 năm sau.

Với những tài liệu mà chúng tôi có được, bắt đầu từ năm 2010, sau khi có kết luận của UNND xã Tự Do về việc khai thác trái phép của ông Bùi Chí Hưởng, hàng chục kết luận, biên bản kiểm tra, báo cáo thực trạng của UBND huyện Lạc Sơn cũng như của UBND xã Tự Do đều khẳng định việc làm sai trái của ông Bùi Chí Hưởng và yêu cầu ông dừng ngay việc đào đãi nhưng tất cả vẫn nằm trên giấy.

6 năm không ít tài nguyên khoáng sản đã bị đánh cắp và nguy hại hơn, sau nhiều năm cày xới bằng máy móc, môi trường sống của người dân, đất hoa màu canh tác, hoàn lưu dòng chảy đã bị xâm hại nặng nề

Bất chấp pháp luật vì lợi nhuận?

Để có được câu trả lời thỏa đáng cũng như thông tin khách quan, đa chiều, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Tại đây chúng tôi được ông Bùi Ngọc Thiên - Chủ tịch UBND xã Tự Do cho biết: “Suối Khướng có chiều dài 12km chạy qua 3 thôn của xã Tự Do.

Giữa năm 2010 ông Bùi Chí Hưởng có lên đề xuất với xã muốn thuê để phát triển du lịch, trang trại, nuôi trồng thủy sản.
 
Khi phát hiện ông Hưởng khai thác vàng trái phép xã có xuống ghi nhận thì ông ta nói rằng mình đang đào ao thả, làm trang trại.

Nhưng sau đó nhân dân có ý kiến nhiều quá, chúng tôi xác minh thì được biết việc khai thác vàng là có thật.

Ông Hưởng sử dụng 6 đến 7 công nhân có máy xúc, máy bơm hút và các phương tiện để đào đãi vàng.

Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện, huyện cũng đã về xác minh lập biên bản yêu cầu ông Hưởng dừng ngay việc khai thác nhưng thực tế đúng là không hiệu quả. Công việc khai thác của ông Bùi Chí Hưởng vẫn tiếp diễn đến nhiều năm sau.

Hàng chục biên bản yêu cầu dừng ngay việc khai thác trái phép đã được chính quyền ban ra nhưng với mức độ lớn, phương tiện nhiều nên với chức năng quyền hạn của mình chúng tôi cũng chỉ làm được đến như vậy.”



Ông Bùi Ngọc Thiên - Chủ tịch UBND xã Tự Do trao đổi với Phóng viên về sự việc.

Cũng theo phản ánh của người dân, khoảng đến năm 2016 thì công việc khai thác trái phép của ông Bùi Chí Hưởng mới dừng lại nhưng đó là do yếu tố khách quan chứ không phải do chế tài của chính quyền phát huy hiệu lực.

“Nhiều năm liền khai thác có thể các mỏ vàng đã hết, sau đó có đơn vị đến khoanh vùng làm khu xử lí rác thải ngay tại nơi khai thác nên ông Hưởng không thể tiếp tục làm được nữa.” – Ông Bùi Ngọc Lâm, người dân ở xóm Khướng cho biết.

Môi trường bị xâm hại nặng nề

Trở lại xóm Khướng, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình những ngày tháng 9/2019.

Tức là sau 3 năm xảy ra việc khai vàng trái phép chúng tôi không khó để nhận thấy những hệ lụy của việc làm sai trái này để lại.

Nhiều hố sâu đọng nước nằm ngổn ngang giữa suối. Suối Khướng vốn là con suối có dòng nước xanh mát nay trở nên đục ngầu, đâu đó vẫn còn những vệt dầu máy bám kín hai bờ, thời gian trôi đi nhưng nhắc đến câu chuyện khai thác vàng trái phép từng diễn ra người dân vẫn giữ nguyên sự bức xúc bởi những câu hỏi họ đặt ra vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

“Đúng là việc khai thác đã tác động đến cảnh quan và môi trường. Trước dòng suối vốn đẹp nay đã có dấu hiệu sụt lở, nắn dòng, dòng chảy bị mở rộng xâm hại vào đất hoa màu của người dân.

Nguy cơ sẽ sạt lở và ảnh hưởng tới đất canh tác. Trước nghề nuôi và đánh bắt cá của người dân rất phát triển giờ không làm được nữa do dầu luyn thải ra gây ô nhiễm.”
, Ông Bùi Văn Tuấn – cán bộ địa chính xã Tự Do cho biết.

Người dân xã Tự Do bức xúc và đặt ra nhiều câu hỏi. Tại sao việc khai thác của ông Bùi Chí Hưởng diễn ra trong nhiều năm mà chính quyền huyện và xã không có cách nào để xử lí triệt để dù đã đưa ra hàng chục biên bản kết luận việc khai thác vàng trái phép?

Nguồn lợi từ việc khai thác vàng trong thời gian dài như vậy thuộc về ai? Vì sao ông Bùi Chí Hưởng có thể vô hiệu hóa các biên bản kết luận từ phía chính quyền trong nhiều năm?

Hậu quả và thiệt hại từ việc khai thác ảnh hưởng đến môi trường, hoa màu và đất đai canh tác của người dân ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hậu quả của kiểm duyệt phim kiểu 'quờ quạng'

Trả lời về lý do sai sót trong kiểm duyệt phim “Người tuyết bé nhỏ”, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia cho rằng, mỗi năm Hội đồng thẩm định hàng trăm bộ phim, mà "đã làm thì không tránh khỏi sai sót".

Nguồn: Pháp luật Plus