'Xâm lược văn hóa' rõ ràng đến vậy sao cơ quan văn hóa không có ý kiến gì?

27/11/2019 10:46

Kinhte&Xahoi Dư luận hết sức lo ngại trước việc chiếc áo dài Việt Nam bị nước ngoài trắng trợn “nhận vơ”, thực chất là một vụ “đánh cắp văn hóa”, biến của người thành của mình. Lại càng lo ngại hơn trước một việc “xâm lược văn hóa” rõ ràng đến như vậy mà cơ quan văn hóa nước nhà chẳng có ý kiến gì.

Chiếc áo dài Việt Nam bị "nhận vơ" là thiết kế của Trung Quốc.

“Không cần nói nhiều, áo dài là của Việt Nam”, câu này trở thành phổ biến trên mạng xã hội và chị em ra sức trưng ảnh áo dài của mình lên như một sự khẳng định chủ quyền với chiếc áo dài. Điều đó cho thấy thái độ của dư luận xã hội, niềm tự hào của người Việt đối với chiếc áo được coi là y phục truyền thống, đặc trưng của phụ nữ Việt Nam.


Song, chính những hành động này cũng cho thấy là chúng ta khá chủ quan với suy nghĩ là của mình thì khó có ai có thể đánh cắp được, áo dài như một sự mặc định tất nhiên của phụ nữ Việt Nam, cả thế giới đều công nhận kể cả nguồn gốc, xuất xứ đến cách tân, thay đổi họa tiết,... thì có gì phải bàn cãi, “ăn gian nó giàn ra đấy” thôi!


Tuy nhiên, thứ gì cũng có thể bị đánh cắp và kẻ cắp cũng có thể trở thành chủ nhân “hợp pháp” hoặc sử dụng thứ đánh cắp được như là của mình. Còn người bị đánh cắp chỉ biết ngậm ngùi, thương thân thôi.


Vụ đánh cắp nổi tiếng lịch sử, bài học đau đớn cho sự chủ quan, lơ là thể hiện qua truyền thuyết An Dương Vương để nỏ thần bị ăn cắp dẫn tới mất nước về tay Triệu Đà. Dẫu chỉ là huyền sử nhưng bao giờ cũng là bài học trả giá cho sự chủ quan, tin người và đủ làm cho lời cảnh báo của người cộng sản Phu-xích trở nên bất hủ: “Nhân loại ơi, hãy cảnh giác!”.


Cái bài học lịch sử đó thỉnh thoảng lại trỗi dậy bởi những sự kiện “đánh cắp” tinh thần vẫn thường xảy ra tự cổ chí kim. Một số học giả đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục như Kinh Dịch là của người Việt khởi thủy bằng những nút dây thắt tính thời gian, âm dương còn lưu lại nhưng giờ thì tác phẩm kinh điển đó đâu phải của ta.


Lịch sử đã ghi nhận những trường hợp kiến trúc sư, thần y người Việt giỏi nhất bị “đánh cắp” trắng trợn phải đi phục vụ “Thiên triều” và bỏ xác nơi xứ người. Có rất nhiều dẫn chứng trong quá khứ cũng như đương đại về một sự “nhận vơ” hoặc đánh cắp văn hóa như vậy.




 
Mới đây, nhân chuyện áo dài bị đánh cắp xuất xứ thì không ít người lên tiếng về hành vi “thôn tính” chiếc đàn bầu dân dã, biểu trưng của âm nhạc Việt, hình tượng của dải đất “dài như chiếc đàn bầu”, nếu không giữ, chiếc đàn bầu lại chung số phận với chiếc áo dài mới đây.


Chúng ta đang sống gần với những người chủ trương cái ngụy thuyết “đi mãi cũng thành đường”. Ngụy thuyết này được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cả trong văn hóa, tinh thần cũng như từng thực thể đời sống, kể cả chủ quyền lãnh thổ hay lãnh hải. Nó cũng giống như luận điểm tuyên truyền của nhà tư tưởng phát xít “không thật, nói mãi thành thật”.


Không hề tồn tại một con đường nhưng cứ giẫm mãi thì cỏ chết, đi mãi thì thành đường và đến lúc đó mọi người mặc nhiên phải công nhận đó là con đường mà chủ quyền thuộc về những người giẫm cỏ tạo nên.


Chúng ta phải giữ, không chỉ những chiếc áo dài duyên dáng phụ nữ Việt Nam mà cả những người mặc nó. Đã bao người phụ nữ trên thế giới này bày tỏ thiện cảm với dân tộc chúng ta bằng cách mặc lên mình chiếc áo dài Việt Nam.


Vì vậy, phải giữ những gì thuộc về của mình, trân trọng như đối với những người thân yêu của mình vậy. Khi để mất rồi thì mới thấy tiếc, mới thấy giá trị vô giá của cái đã mất và tìm cách giữ lại thì đã trở thành quá muộn và vô ích mà thôi!


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/xam-luoc-van-hoa-ro-rang-den-vay-sao-co-quan-van-hoa-khong-co-y-kien-gi-d111973.html