Xây dựng, bảo vệ Tổ quốc với tinh thần chiến thắng 30-4

30/04/2024 07:11

Kinhte&Xahoi Cách đây 49 năm, ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ lâu dài, gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX; viết tiếp trang sử hào hùng và chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta; để lại nhiều bài học quý giá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào quân giải phóng, ngày 30-4-1975. Ảnh: TTXVN

Đỉnh cao của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Trước những diễn biến mới của tình hình, nhận thấy ưu thế lực lượng nghiêng hẳn về phía ta, ngày 7-1-1975, Bộ Chính trị họp “Bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước” hạ quyết tâm lịch sử: Giải phóng miền Nam.

Bộ Chính trị nhận thấy quân Mỹ khó có khả năng quay lại tham chiến tại miền Nam và nhất trí thông qua phương án giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, đồng thời chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu và xác định: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”[1].

Để kiểm chứng nhận định trên, Chiến dịch Đường số 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975) được mở. Qua đòn trinh sát chiến lược này, đế quốc Mỹ phản ứng dè dặt, Bộ Chính trị đã họp bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đặc biệt, sau những thắng lợi liên tiếp của các đòn tiến công chiến lược, ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị nhận định: “Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”[2].

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, nỗ lực cao độ, tập trung lực lượng áp đảo, tạo thành sức mạnh như “triều dâng thác đổ”, tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược quyết định.

Chỉ trong thời gian ngắn, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, các lực lượng tham gia chiến dịch với quân số lớn chưa từng có cùng một khối lượng lớn vật chất hậu cần đã có mặt ở khu vực tập kết, sẵn sàng tổng tiến công nội đô Sài Gòn. Thực tế, Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra và kết thúc thắng lợi vào ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30-4-1975 là đỉnh cao của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Chiến thắng 30-4-1975 là kết tinh sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thần kỳ với sự hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trên tiền tuyến lớn và sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đây là thắng lợi của khát vọng độc lập dân tộc, tự do và thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.

Về vấn đề này, Đại tướng Văn Tiến Dũng khẳng định với các nhà báo và học giả phương Tây rằng: “Một lần nữa tôi muốn nói rõ rằng nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay”[3].

Gần nửa thế kỷ trôi qua, thời gian càng làm nổi bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của Chiến thắng 30-4-1975; đồng thời, giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, sâu sắc và toàn diện hơn, điều mà chính người Mỹ cũng phải thừa nhận: “Tinh thần dân tộc và lòng tự hào luôn bùng cháy, thổi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi ngoại bang. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất - một chí thép - giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, chí thép đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”[4].

Hiện nay, trên mạng xã hội và các trang báo phản động xuất hiện những luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng 30-4-1975. Chúng tập trung xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; hạ thấp ý nghĩa của chiến thắng, cho rằng Chiến thắng 30-4-1975 không thể gọi là một chiến thắng vẻ vang, mà chỉ là một kết quả tất nhiên khi Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại, rút quân, cắt viện trợ, bỏ rơi chính quyền và quân đội Sài Gòn...

Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử đã bác bỏ những luận điệu sai trái đó, vì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thống nhất nước nhà. Thắng lợi vĩ đại 30-4-1975 là kết quả của cả một quá trình đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng 30-4-1975 thuộc về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đúng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[5].

Những bài học quý giá

Tinh thần chiến thắng 30-4 mãi mãi là dấu ấn đậm nét, góp phần xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc. Ảnh: Nguyễn Quang

Trong thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo.

Ở trong nước, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch. Tình hình đó đòi hỏi phải tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là vận dụng hiệu quả bài học kinh nghiệm của Chiến thắng 30-4-1975, tài sản vô giá của dân tộc với những nội dung chủ yếu:

Một là, luôn đặt đại nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia lên trên hết. Mùa Xuân năm 1975, cả nước nhất tề vào trận với khí thế hào hùng, quyết tâm và ý chí dân tộc nghìn năm hội tụ. Ý chí sắt đá và khí thế ngút trời toát ra trong lời đáp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Chủ tịch Hội đồng chi viện miền Nam, khi được hỏi về việc chuẩn bị đạn dược: “Đủ bắn cho nó sợ đến ba đời!”; trong lời dặn tha thiết mà hào sảng của Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn khi tiễn đồng chí Lê Đức Thọ vào Bộ Tư lệnh tiền phương: “Phải thắng mới được về!”; và trong bản “Quân lệnh” lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Trong bối cảnh mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, hào khí dân tộc rất cần được khơi dậy và phát huy để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng, cộng trí, cộng lực xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hai là, sự sáng tạo và mưu lược trong chỉ đạo chiến lược. Chiến thắng 30-4-1975 là minh chứng tiêu biểu nhất của tài nghệ lãnh đạo của Đảng. Theo đó, cả nước đã cùng ra trận, tập trung toàn bộ các nguồn lực cho ngày toàn thắng. Vận dụng kinh nghiệm này đặt ra yêu cầu rất cao về tính sáng tạo, mưu lược đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng trong giai đoạn mới. Đương nhiên, sự sáng tạo và mưu lược đó không có sẵn trong sách vở, cũng không chỉ dựa vào sự già dặn của tích lũy kinh nghiệm và thông minh, tài trí cá nhân, mà trước hết phải là kết tinh trí tuệ của sự lãnh đạo tập thể, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng, của Quân ủy Trung ương, các cơ quan nhà nước, nhưng cũng cần phải phát huy trí tuệ, tham mưu của đội ngũ chuyên gia, các bộ chỉ huy các cấp và của toàn thể nhân dân.

Ba là, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Chiến thắng 30-4-1975 vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay, hơn lúc nào hết “tinh thần đại đoàn kết” phải được thể hiện rõ trong Đảng, trong nhân dân và phải thấu suốt từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài. Bên cạnh đó, mọi hành động, hành vi xuyên tạc, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải bị lên án và xử lý nghiêm khắc.

Bốn là, tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”. Trong Chiến thắng 30-4-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền tảng chính trị - tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân đã trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng. Vận dụng kinh nghiệm này, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, đặc biệt coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, biên giới, biển, đảo. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đồng thời, mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ cơ hội từ hội nhập để xử lý hiệu quả những vấn đề quan trọng như an ninh biên giới, biển, đảo, an ninh an toàn không gian mạng…, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm”, “từ xa”.

***

Thời gian không ngừng trôi, lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn được viết tiếp trên hành trình dài vô tận, trong đó Chiến thắng 30-4-1975 sẽ mãi là dấu ấn đậm nét và để lại nhiều bài học vô giá. Nhiệm vụ của chúng ta là phải chắt lọc, vận dụng sáng tạo những bài học vô giá này, góp phần xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới!

----------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.9.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.95.

[3] Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Cơ Thạch: Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr..48.

[4] James G.Zumwalt, “Chân trần, chí thép”, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr.8.

[5] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976). Dẫn theo Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37 (1976), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.471.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự 

Theo Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, ngày 27-4, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát huy vai trò, giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới”.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/xay-dung-bao-ve-to-quoc-voi-tinh-than-chien-thang-30-4-665002.html