Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Nội: Tạo những vùng quê đáng sống

31/12/2021 19:56

Kinhte&Xahoi 5 xã của huyện Đan Phượng đã được Đoàn thẩm định thành phố Hà Nội đánh giá đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Đây cũng là các xã đầu tiên của thành phố Hà Nội về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả này cho thấy, với quyết tâm cùng giải pháp phù hợp, trong đó có việc khai thác lợi thế của địa phương, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm tạo nên những vùng quê đáng sống không phải cái đích xa vời.

Xã Liên Hà là một trong 5 xã của huyện Đan Phượng đã được Đoàn thẩm định thành phố Hà Nội đánh giá đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021, góp phần tạo nên những vùng quê đáng sống.

Tập trung nâng cao đời sống người dân

Xã Đan Phượng là một trong 5 xã của huyện Đan Phượng (gồm: Đan Phượng, Liên Hà, Song Phượng, Tân Hội, Thọ Xuân) vừa được thành phố Hà Nội đánh giá đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông cho biết, để hoàn thành mục tiêu, năm 2021, xã đã khởi công 5 dự án xây dựng cơ bản về các lĩnh vực giao thông, văn hóa... với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng.

Trong khi đó, xã Song Phượng có trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang trên diện tích hơn 1.500m2 với 15 phòng chức năng theo chuẩn quốc gia, được trang bị đầy đủ dụng cụ y tế hiện đại như máy siêu âm, điện tim, phòng xét nghiệm… Cùng với đó là đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao (gồm 1 bác sĩ, 3 y sĩ và 1 điều dưỡng), bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.

Xã Liên Hà có tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với nghề mộc dân dụng. Nghề truyền thống này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 94% lao động địa phương và gần 4.000 lao động ngoài xã với thu nhập ổn định. Chủ tịch UBND xã Liên Hà Nguyễn Quang Lục thông tin, năm 2021, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 75,5 triệu đồng/người, tăng 21,5 triệu đồng so với năm 2019 và không còn hộ nghèo...

Thông tin về quá trình xây dựng 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: Ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, 5 xã của Đan Phượng đã lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong từng lĩnh vực. Trong đó, xã Đan Phượng đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong 7 lĩnh vực (môi trường, an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch); xã Liên Hà là 5 lĩnh vực (an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất); xã Song Phượng là 4 lĩnh vực (an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế)... Từ việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã đã có những đổi thay rõ nét, trở thành “điểm sáng” của huyện và thành phố; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng).

Nhân rộng cách làm hay của từng địa phương

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đã yêu cầu các xã bám sát Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3745/QĐ-UBND ngày 11-7-2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở những tiêu chí cụ thể, các xã lựa chọn, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong từng lĩnh vực cụ thể; đồng thời bảo đảm các tiêu chí chung như: Thu nhập bình quân đạt 76,5 triệu đồng/người/năm trở lên và không có hộ nghèo; không để nợ xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện các tiêu chí...

Từ thực tiễn triển khai, Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân Lê Xuân Hưng cho biết, địa phương chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên các lĩnh vực, trong đó có y tế, bởi đây là những nội dung cốt lõi để nâng cao đời sống người dân. Nếu thực hiện tốt công tác y tế, người dân có thể tiếp cận và sử dụng nhiều hơn các dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngay từ tuyến cơ sở, góp phần giảm tải cho các tuyến trên. Đến nay, tỷ lệ người dân xã Thọ Xuân được quản lý, theo dõi sức khỏe đạt 92%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,1%...

Còn Tân Hội là xã ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng vẫn gìn giữ, bảo tồn được không gian và các loại hình văn hóa truyền thống như hát Chèo Tàu; đồng thời tạo dựng những thiết chế văn hóa mới như xây dựng 3 sân bóng mini; thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, bóng bàn, dưỡng sinh hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: 5 xã của huyện Đan Phượng đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 trong các lĩnh vực. Cụ thể, xã Đan Phượng đạt 5/7 lĩnh vực so với đăng ký (giảm 2 lĩnh vực là an ninh trật tự, văn hóa); xã Thọ Xuân đạt 2/3 lĩnh vực so với đăng ký (giảm 1 lĩnh vực về văn hóa); xã Liên Hà đạt 3/5 lĩnh vực so với đăng ký (giảm 2 lĩnh vực là an ninh trật tự, văn hóa); xã Song Phượng đạt 3/4 lĩnh vực so với đăng ký (giảm 1 lĩnh vực là an ninh trật tự); xã Tân Hội đạt 3/3 lĩnh vực so với đăng ký. Kết quả đạt được là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của 5 xã trong việc nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hướng đến những vùng quê đáng sống cho mọi người dân.

Việc 5 xã đầu tiên thuộc huyện Đan Phượng về đích nông thôn mới kiểu mẫu là một thành công, dấu mốc đáng ghi nhận, để lại kinh nghiệm cho các xã của thành phố Hà Nội trong tiến trình xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng.

 Nguyễn Mai - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam hiện có 238 bảo vật quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định số 2198/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2021) cho 23 hiện vật, nhóm hiện vật. Như vậy, tính đến đầu năm 2021, sau 9 đợt công nhận, nước ta có 215 bảo vật, nhóm hiện vật được công nhận thì nay tổng số bảo vật quốc gia là 238.

Nguồn: Hà Nội mới http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/1021399/xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-o-ha-noi-tao-nhung-vung-que-dang-song