Xóa “điểm đen” về trật tự đô thị tại quận Hai Bà Trưng: Cần kiên trì, quyết liệt hơn...

30/06/2023 13:52

Kinhte&Xahoi Nhằm bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị trên 51 tuyến phố đi qua địa bàn, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an quận Hai Bà Trưng nhiều lần tổ chức ra quân và đã xử phạt hành chính gần 7,5 tỷ đồng đối với 5.870 trường hợp vi phạm.

Thế nhưng, tình trạng hàng rong, người buôn bán tái lấn chiếm hè đường vẫn còn. Vì vậy, rất cần lực lượng chức năng thực hiện các giải pháp cụ thể, kiên trì và quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn triệt để vi phạm.

Vỉa hè phố Nguyễn Hiền (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh.

Tràn lan vi phạm

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, “điểm đen” về vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng thường diễn ra tại sân chơi các khu chung cư và một số tuyến giao thông có mật độ cơ quan công sở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cao.

Đơn cử như các phố Võ Thị Sáu, Trần Khát Chân đoạn qua phường Phố Huế, Thanh Nhàn; phố Lò Đúc, phố Trần Đại Nghĩa đoạn qua phường Đồng Tâm và Đống Mác. Cùng với đó là những phố tập trung nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống, giải trí, như: Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Đoàn Trần Nghiệp, Lê Đại Hành… Vào giờ cao điểm, xe thồ, hàng rong lại đổ về chiếm dụng lòng đường (nhất là khu vực xung quanh có nhiều nhà cao tầng, công sở, trường học) để dừng, đỗ phương tiện, bày bán hàng hóa.

Đáng nói nhất là khu vực phía sau Sân vận động Bách Khoa và trên phố Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa). Buổi chiều hằng ngày, hàng chục hộ kinh doanh tại đây lại tràn ra vỉa hè để đặt biển hiệu, ô dù, bàn ghế bày bán đồ ăn uống. Tại khu vực phố Nguyễn Hiền và ngõ 17, phố Lê Thanh Nghị (phường Bách Khoa), để tiện chèo kéo người đi đường tạt vào ăn uống, hằng ngày, một số cơ sở kinh doanh còn tùy tiện căng vải bạt, biến lòng, lề đường thành “điểm” trông giữ phương tiện cho khách hàng.

Bức xúc trước tình trạng lòng, lề đường bị các hộ kinh doanh chiếm dụng, không còn lối cho người đi bộ, chị Nguyễn Thị Mai (sống tại K9 khu tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa) cho biết, tình trạng họp chợ, kinh doanh trái quy định trên địa bàn phường đã kéo dài, vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Người dân đã có ý kiến phản ánh nhiều lần tới chính quyền địa phương nhưng vi phạm vẫn tồn tại, chưa có nhiều chuyển biến.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Nam Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay tốc độ đô thị hóa trên địa bàn đang diễn ra nhanh, trong khi đó cơ sở hạ tầng lại không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, vì mục đích mưu sinh, nhưng lại thiếu mặt bằng để kinh doanh, nên nhiều hộ buôn bán, cơ sở kinh doanh có hành vi lấn chiếm hè đường.

Cũng theo ông Trần Nam Sơn, để nâng cao nhận thức của người dân và giải quyết triệt để những vi phạm về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, Ban Chỉ đạo 197 phường Vĩnh Tuy đã có Kế hoạch số 52/KH-BCĐ về việc tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2023, Ban Chỉ đạo 197 phường thường xuyên đôn đốc lực lượng chức năng cập nhật kiểm tra và xử lý kịp thời nhằm hạn chế tối đa các vi phạm, nhất là đối với những trường hợp cố tình tái diễn. Qua công tác kiểm tra, từ tháng 1-2023 đến nay, lực lượng chức năng phường đã xử phạt hành chính hơn 182 triệu đồng đối với 244 trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, Trung tá Trần Quang Hùng, Phó Trưởng Công an phường Nguyễn Du cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an phường đã xử phạt 426 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 312 triệu đồng.

Trung tá Trần Quang Hùng nhấn mạnh, ngoài việc thực hiện nghiêm Kế hoạch số 01/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, Công an phường Nguyễn Du tiếp tục tham mưu cho chính quyền, Ban Chỉ đạo 197 quận Hai Bà Trưng và phường Nguyễn Du nắm chắc tình hình, đồng bộ triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị; đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát tại những tụ điểm phức tạp, không để hàng rong và các cơ sở kinh doanh tràn ra vỉa hè, lòng đường để kê bàn ghế, đặt ô dù, trông giữ ô tô, xe máy, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị trên địa bàn.

Từ nội dung trên có thể thấy, việc còn tồn tại những “điểm đen” về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa được nâng cao. Trên thực tế, vì lợi nhuận cũng như cuộc sống mưu sinh, nhiều trường hợp còn có biểu hiện “nhờn luật”, cố tình vi phạm, gây khó khăn cho chính quyền và lực lượng chức năng trong công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận thực tế là sự quản lý, kiểm soát của chính quyền vẫn chưa chặt chẽ, thường xuyên. Vì vậy, nhằm triệt để giải quyết tình trạng này cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân, đi đôi với tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.

 Nguyên Hà - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ưu đãi người có công với cách mạng.

Những câu chuyện phía sau 'sao Michelin'

Sự kiện Michelin Guide chọn 103 nhà hàng lọt vào danh sách Michelin Guide Selections tại Việt Nam, trong đó có 4 nhà hàng được gắn sao Michelin đã diễn ra hơn nửa tháng. Như mọi sự vinh danh khác, phía sau niềm vui luôn là trách nhiệm, không chỉ là trách nhiệm để giữ “sao”, mà còn là tận dụng cơ hội ra sao để vinh danh ẩm thực Việt?

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/xoa-diem-den-ve-trat-tu-do-thi-tai-quan-hai-ba-trung-can-kien-tri-quyet-liet-hon-633390.html