272 cột điện gãy trong bão số 5 tại Huế: Chỉ có 30 cột dự ứng lực

22/09/2020 22:00

Kinhte&Xahoi Trong số 272 cột điện bị gãy tại Huế, chỉ có 30 cột dự ứng lực - tỷ lệ 11,02% - chiếm phần rất nhỏ trong tổng số cột bị gãy.

EVNCPC cho biết, sau cơn bão số 5, có 304 cột bị gãy có 34 cột dự ứng lực, chiếm tỷ lệ 11,2% và 270 cột bê tông thường, chiếm tỷ lệ 88,8%.

Bão số 5 đi vào đất liền các tỉnh miền Trung đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Toàn tỉnh có 03 người bị tử vong, 95 người bị thương, 21.283 nhà bị tốc mái, 10 nhà bị sập; 20 trường học bị tốc mái phòng học; gần 400 ha cây ăn quả và rau màu bị hư hại, trên 850 ha cao su bị gãy đổ… trong đó lưới điện trên địa bàn tỉnh cũng bị hư hỏng nặng.

Ngay sau khi bão tan, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã hoàn thành khôi phục cấp điện trong vòng 24 giờ tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Riêng tại Thừa Thiên - Huế, để khắc phục sửa chữa lưới điện, EVNCPC đã huy động ngay 6 đơn vị gồm các Công ty Điện lực: Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung và 06 doanh nghiệp xây lắp điện trên địa bàn, với hơn 500 kỹ sư, công nhân và hơn 100 phương tiện làm việc cả ngày lẫn đêm để sớm cấp điện trở lại phục vụ nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đến hiện tại, sau 3 ngày tích cực khắc phục, lưới điện tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản đã được phục hồi cấp điện. Về thiệt hại lưới điện do bão gây ra, trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có 616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng, trên tổng số 531.135 cột điện.

Trong đó, có 304 cột bị gãy (chiếm tỷ lệ 0,06%), 169 cột bị đổ, 143 cột bị nghiêng. Trong số 304 cột bị gãy có 34 cột dự ứng lực, chiếm tỷ lệ 11,2% và 270 cột bê tông thường, chiếm tỷ lệ 88,8%.

Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 272 cột bị gãy, trong đó có 30 cột dự ứng lực, chiếm tỷ lệ 11,02%. Thống kê trên cho thấy, tỷ lệ cột dự ứng lực chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số cột điện bị gãy.

Từ kiểm tra thực tế các khu vực có cột điện nghiêng, gãy, đổ, EVNCPC nhận thấy đều có nguyên nhân từ cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường (vừa gió bão, vừa cây đổ vào đường dây) quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn… dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột.

Một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy đổ cột.EVNCPC đã tiến hành rà soát toàn bộ công tác thiết kế, thi công, chất lượng vật tư thiết bị đều đảm bảo theo quy định.

Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Qua rà soát, các cột điện được sử dụng trên lưới điện EVNCPC được thiết kế, sản xuất tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.

Hằng năm, trước mùa bão lũ, EVNCPC đều có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên chú trọng kiểm tra, gia cố những vị trí xung yếu; sửa chữa thiết bị, công trình, xử lý ngay các trường hợp không đảm bảo an toàn, đồng thời tổ chức diễn tập các phương án phòng chống lụt bão từ các đơn vị đến cấp Tổng công ty.

Trong thời gian tới, EVNCPC tiếp tục phối hợp với các ban, ngành địa phương tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu cây cối, công trình tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, đặc biệt vận động nhân dân chặt tỉa cây cối trước mùa mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại lưới điện.

Nguyễn Tuấn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tháo gỡ khó khăn, hút nhà đầu tư phát triển nguồn điện theo IPP

Sáng ngày 18/09, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực, Tạp chí Năng lượng Việt nam đã tổ chức Hội thảo khoa học ”Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư phát triển nguồn điện tại Việt Nam – những vấn đề đối với nhà Đầu tư”. Mục tiêu của Hội thảo là để các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện khí, nhiệt điện than, thủy điện…trình bày những vấn đề còn bị mắc kẹt trong phát triển các dự án theo hình thức ‘nguồn phát triển độc lập” và bàn giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện của Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/272-cot-dien-gay-trong-bao-so-5-tai-hue-chi-co-30-cot-du-ung-luc-d135877.html