5 dự án tai tiếng năm 2019

02/01/2020 10:22

Kinhte&Xahoi Cocobay Đà Nẵng, Tân Tây Đô, Ngoại giao đoàn,...là những dự án trong năm 2019 khiến cư dân và khách hàng bức xúc.

Cocobay Đà Nẵng

Tháng 11/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) tuyên bố "vỡ trận" cam kết lợi nhuận condotel với khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng.

Dự án Cocobay Đà Nẵng.

Việc chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng chấm dứt chi trả lợi nhuận 12%/năm như đã cam kết tạo nên một “cú sốc” đối với những nhà đầu tư đã dốc tiền vào loại hình này.

Lý giải việc ngừng trà cam kết này, Công ty Thành Đô cho rằng do những khó khăn về nguồn tiền. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group cũng thừa nhận việc này là vi phạm hợp đồng mua bán.

Trước khi làn sóng condotel phát triển rầm rộ trên thị trường, các chuyên gia từng lên tiếng cảnh báo về những rủi ro mà loại hình bất động sản này mang lại, nhất là khi các thủ tục pháp lý chưa được hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Khu đô thị Tân Tây Đô, Hà Nội

Những tranh chấp tại dự án Tân Tây Đô sau nhiều năm vẫn chưa có kết quả.

Chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô ban đầu là Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Tuấn Quỳnh (đại diện liên danh Cty Tuấn Quỳnh và Cty Thành Nhân), được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ năm 2008.

Khu đô thị Tân Tây Đô.

Nhưng vào năm 2010, khu dự án chung cư hỗn hợp HH và CT1, CT2 rộng 32.000m2 được Công ty Tuấn Quỳnh đem chuyển nhượng cho Công ty CP Đầu tư Hải Phát và Công ty Xuân Phương.

Một loạt các sai phạm tại dự án này được cư dân chỉ rõ và cũng được Sở Xây dựng kết luận là xây dựng không phù hợp với thiết kế cơ sở như: tự ý điều chỉnh sảnh căn hộ, xây ngăn tại hành lang bên phải và phòng trực kỹ thuật tại tầng 1 tòa nhà, trạm xử lý nước thải, bể nước ngầm, trạm biến thế.

Một điều khó hiểu nữa tại dự án này là dù đã đưa cư dân vào ở tại các tòa nhà chung cư của mình vào ở từ nhiều năm nay nhưng trong các văn bản thanh kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội vào cuối năm 2018 và cho đến hiện tại, công trình này vẫn chưa được Bộ Xây dựng nghiệm thu chất lượng theo quy định.

Dự án Ngoại giao đoàn, Hà Nội

Ngoại giao đoàn từng là khu đô thị đáng sống, được coi là điểm nhấn của Hà Nội được nhiều người lựa chọn và đặt mua... Thế nhưng, nhiều năm qua, nơi đây đã xảy ra không ít lùm xùm. Năm 2019, tiếp tục là một năm không bình yên với cư dân khu đô thị này.
 

Khu Ngoại giao đoàn.

Khu đô thị Ngoại giao đoàn do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư, với quy mô 62,8 ha gồm khu biệt thự đơn lập, khu Đại sứ quán, khu chung cư Ngoại giao đoàn và các công trình công cộng. Quy mô dân số toàn khu là 9.700 người.

Dự án chung cư Ngoại giao đoàn gồm 4 khu N01, N02, N03, N04. Toàn khu căn hộ chung cư gồm 23 tòa có chiều cao từ 21 đến 45 tầng. Tòa chung chư đầu tiên được hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng vào Quý 3/2015.

Tuy nhiên, thời gian qua tại đây liên tục nóng lên vấn đề về điều chỉnh quy hoạch, vấn đề sổ đỏ... Thực tế, nhiều hộ dân nhận bàn giao nhà, ở đây từ năm 2015, nhưng đến nay đã gần 4 năm vẫn chưa được bàn giao sổ đỏ.
 
Cực chẳng đã, trong năm 2019, người dân nhiều lần xuống đường căng băng rôn, biểu ngữ vòng quanh khu Ngoại giao đoàn để phản đối chủ đầu tư và đòi quyền lợi.

Theo Kết luận của Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở (sổ đỏ) tại Dự án khu Ngoại giao đoàn thì, dự án này có việc chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng chưa hoàn thiện thủ tục dẫn đến không đủ điều kiện cấp sổ đỏ cho người mua nhà tại dự án; Một số nhà đầu tư thứ cấp không đủ điều kiện triển tiếp tục triển khai dự án.

Chung cư Dolphin Plaza, Hà Nội

Tháng 11 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án Dolphin Plaza (Dolphin), 28 Trần Bình, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội do Công ty Cổ phần TID làm chủ đầu tư.

Qua đó, phát hiện một số sai phạm như: Chủ đầu tư tự ý làm thêm sàn kết cấu thép tại tầng 1 (cốt +3,4 m) và điều chỉnh, chuyển đổi công năng sử dụng tại tầng 4 không phù hợp với nội dung giấp phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được duyệt là vi phạm về trật tự xây dựng.

Về công tác PCCC, dự án đã được Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nghiệm thu theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, chủ đầu tư tự ý điều chỉnh công năng sử dụng mặt bằng một số tầng không phù hợp với hồ sơ thiết kế được duyệt. Chưa được thẩm duyệt bổ sung PCCC theo quy định.

Đặc biệt, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chủ đầu tư tự ý thay đổi vị trí các khu chức năng, chuyển đổi công năng sử dụng thành 9 căn hộ tại tầng 4 – Tháp 3, 4 (khối B). Đối với việc xử lý vi phạm trong việc xây dựng, tự ý thay đổi vị trí các khu chức năng, chuyển đổi công năng sử dụng thành 9 căn hộ tại tầng 4 (tháp 3,4 khối nhà B), chủ đầu tư liên hệ UBND quận Nam Từ Liêm xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Dự án nhà ở của công an huyện Đông Anh, Hà Nội

Tháng 11/2019, nhiều cựu cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại Công an huyện Đông Anh căng băng rôn đòi quyền lợi nhà đất tại thị trấn Đông Anh.

Dự án khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ này có từ năm 2002, kéo dài đến nay chưa hoàn thành việc bàn giao mốc giới do quá trình thực hiện có nhiều sai sót và cơ chế chính sách về đất đai có thay đổi qua các thời kỳ.
Dự án 18 năm vẫn bất động.

Về sai phạm của dự án này, từ năm 2015, Công an TP. Hà Nội có kết luận các nội dung tố cáo Hội đồng phân phối nhà ở công an huyện Đông Anh là tố cáo đúng.

Cụ thể như: Vi phạm quy chế dân chủ, không công khai việc thu, chi tài chính và quy định chấm điểm, phân phối nhà ở cho cán bộ chiến sĩ công an huyện Đông Anh; Vi phạm trong việc ban hành quyết định phân phối nhà, đất cho cán bộ chiến sĩ để cán bộ tự xây nhà trên đất dự án chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật; Không kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án… cần kiểm điểm nghiêm túc.

Đối với tố cáo Công ty An Thịnh vi phạm pháp luật, trốn thuế, có dấu hiệu lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền đóng góp của cán bộ chiến sĩ công an huyện Đông Anh, Công an TP. Hà Nội cho biết: “Hiện, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP đang được giao tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ”.

Đồng thời Công an TP. Hà Nội chỉ đạo Trưởng công an huyện Đông Anh yêu cầu Hội đồng phân phối nhà ở cán bộ chiến sĩ công an huyện Đông Anh thu hồi các quyết định phân phối nhà, đất đã ban hành không đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, giữ nguyên hiện trạng, không để phát sinh thêm trật tự xây dựng và sử dụng nhà trên đất của dự án. Thông báo công khai cho cán bộ chiến sĩ theo danh sách 198 người trong diện được phân phối nhà ở biết việc thu, chi tài chính đối với khoản tiền đã đóng.

Giám đốc Công an TP. Hà Nội chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra - công an thành phố khẩn trương tổ chức điều tra, xác minh, kết luận các dấu hiệu vi phạm đã nêu và trả lời những người có đơn theo quy định.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Từ rác thải nhựa hoá thân thành ROBOT

Để làm được một chú robot hoàn chỉnh cần rất nhiều nguyên vật liệu với những tiêu chuẩn chọn lọc khác nhau. Đặc biệt hơn những nguyên liệu ấy lại là những phế phẩm như: vỏ chiếc xe máy, ô tô cũ, hay những con ốc và vi mạch. Những thứ tưởng chừng như bỏ đi ấy bỏ đi ấy lại được các thành viên trong xưởng sáng chế tận dụng một cách tối đa.

Theo VTC News/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/5-du-an-tai-tieng-nam-2019-d114339.html