6 "chiêu lừa’ trong mua bán đất nền nhà đầu tư cần lưu ý để tránh tiền mất tật mang

12/05/2020 09:14

Kinhte&Xahoi Đất nền luôn là sản phẩm BĐS được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng giao dịch trên thị trường BĐS, ngay cả thời điểm dịch bệnh nhiều khu vực đất nền vẫn được nhà đầu tư "săn lùng".

Chính vì tâm lý ăn chắc mặc bền của người dân Việt Nam nên đất nền có lẽ là bất động sản được ưa chuộng đầu tư nhất hiện nay, nhất là trong bối cảnh thị trường trầm lắng bởi tác động của dịch bệnh. 

Giá trị đất đai luôn tăng theo thời gian, đặc biệt là những khoản lợi nhuận đột biến mà đất nền đem lại cho nhà đầu tư những năm gần đây nhờ vào sự phát triển mạnh của đô thị hoá, đặc biệt có những nơi giá đất tăng gấp 2 gấp 3 lần chỉ trong vòng vài năm gần đây do tác động bởi quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng giao thông ở các địa phương.

Ảnh minh họa

Trong quý 1 vừa qua, thị trường BĐS trầm lắng giao dịch hơn hẳn so với cùng kỳ các năm trước, nhưng ở một số nơi đất nền dự án vẫn được ưa chuộng của giới đầu tư. Theo Hội môi giới BĐS, có khoảng trên 8.300 sản phẩm đất nền các dự án được mở bán trong quý vừa qua.

Vì sự hấp dẫn của đất nền, đặc biệt ở những nơi có hiện tượng sốt nóng thì tình trạng lừa đảo, vẽ dự án ma, câu khách diễn ra thường xuyên của những nhóm đối tượng xấu, nhằm trục lợi của những người nhẹ dạ cả tin vào những lời "đường mật" của nhóm đối tượng này. Vì thế, khi giao dịch mua bán đất nền nhà đầu tư cần rất thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin và phải đặc biệt lưu ý đến những hiện tượng có dấu hiệu lừa bán đất nền dưới đây, để tránh tiền mất tật mang. Thời nay có rất nhiều những chiêu trò tinh vi khiến ít khách hàng đầu tư bất động sản bị mất trắng hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng.

Một mảnh đất hay ngôi nhà, các đối tượng xấu có thể sẵn sàng lừa đảo để viết giấy bán cho nhiều người. Dưới đây là 6 chiêu trò nhà đầu tư cần lưu ý:

1. Chiếm dụng tiền đặt cọc

Trên thị trường gần đây chúng ta đã không ít gặp những vụ việc vẽ dự án ma trên giấy nhằm lôi kéo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bỏ tiền vào dự án không có thật của kẻ xấu. Điển hình như vụ việc Địa ốc Alibaba, Công ty Hoàng Kim Land nhằm chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng. 

Họ thường cho môi giới gọi điện thoại mời khách đến địa điểm xem nền đất, nhưng thực tế là đất quy hoạch dành cho công trình công cộng, chưa được phê duyệt cho dự án nào. Các dự án được vẽ phân lô, cảnh quan trên giấy khá bắt mắt, có vị trí đắc địa nhưng lại được giới thiệu với giá thấp hơn hẳn giá trị trường khiến nhiều người bị mắc bẫy. 

Các đối tượng này thường cho cò đất tổ chức các sự kiện xem đất tại thực địa, rồi  "bày binh bố trận" cảnh người người chen nhau mua bán, ký hợp đồng và thanh toán tiền ngay trước mặt người đi xem đất nhằm tạo độ "hot" cho dự án.

2. Giả mạo ngân hàng thanh lý nhà đất

Để đưa những người có sự cả tin, ham đất giá rẻ nhiều đối tượng cò đất nghiệp dư còn tung chiêu trò quảng cáo bán đất do ngân hàng thanh lý giá rẻ hơn hẳn thị trường, mạo danh cán bộ ngân hàng này ngân hàng nọ để lấy niềm tin của khách. 

Nhà đầu tư cần thực sự cẩn trọng với những thông tin bán đất với giá thấp bất ngờ so với thị trường, hoặc những lời có cánh của đối tượng xấu. 

Thực tế, đã có những trường hợp khách hàng "tiền mất tật mang" khi mua phải đất nền đã bị các đơn vị môi giới tự ý nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền và chiếm đoạt tài sản.

3. Mạo danh chủ đầu tư uy tín lừa bán đất

Đây là chiêu trò không hiếm trên thị trường, đã có hàng loạt chủ đầu tư lớn, có uy tín phải lên tiếng về tình trạng bị mạo danh thương hiệu, tố cáo nhiều cá nhân, tổ chức lập website mạo danh công ty để thực hiện hành vi lừa đảo khách hàng.

Họ sử dụng trái phép hình ảnh, tài liệu sai lệch về dự án và ghi số điện thoại giả mạo. Thậm chí còn đăng thông tin thay mặt chủ dự án nhận tiện cọc, tiền giữ chỗ và đưa ra giá bán thấp hơn nhiều mà giá chủ đầu tư dự kiến bán để giăng bẫy những người cả tin. 

Chẳng hạn như vụ việc gần đâu của Công ty cổ phần địa ốc Him Lam đã lên tiếng cảnh báo khách hàng tránh bị lừa khi nhiều công ty địa ốc lấy tên công ty đặt tên cho các dự án phân lô bán nền "ma" tại Long An.

4 Một lô đất nhưng bán cho nhiều người

Hình thức này thường được các đối tượng lừa đảo sử dụng ở những mảnh đất, ngôi nhà đang đợi làm thủ tục chuyển đổi, ra sổ, đợi đền bù… Vì chưa có giấy tờ, không thể mua bán qua công chứng, nên hầu hết các giao dịch được thực hiện bằng giấy tờ viết tay. Với một mảnh đất, các đối tượng lừa đảo sẵn sàng viết giấy bán cho bất kì người nào muốn mua vì ham rẻ hoặc nhẹ dạ, cả tin.

Kết quả là khi bị phát hiện, kẻ lừa đảo ôm tiền lặn mất tăm, còn những người mua ở lại tiếp tục kiện tụng, tranh chấp không ngừng. Không chỉ với bất động sản chưa có giấy tờ, một số trường hợp nhà đất có giấy tờ chủ quyền cũng xảy ra tình trạng lừa đảo này.

5 Lừa đảo bán nhà đất qua vi bằng

Tại nhiều địa phương, một số đối tượng cò mồi, lừa đảo đã rao bán những miếng đất phân lô, xen kẹt, những căn nhà không đủ điều kiện pháp lý (thường là những căn nhà "ba chung": Chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà) để giao dịch với lời quảng cáo hấp dẫn "giao dịch có vi bằng do Thừa phát lại lập".

Không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng do Thừa phát lại lập có thể thay công chứng, chứng thực, coi đó là bằng chứng pháp lý chắc chắn cho việc giao dịch để rồi vớ quả đắng.

Đơn cử, chị Ngô Thị T. mua một căn nhà 4 tầng diện tích 30,5m2 tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Do diện tích nhỏ hơn quy định được tách sổ nên căn nhà của chị phải đứng chung sổ đỏ với 4 căn nhà khác trên cùng 1 thửa đất. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc không thể làm hợp đồng công chứng và sang tên đổi chủ được nên chị T. cùng chủ khu đất chỉ ra Văn phòng thừa phát lại trao tiền, lập vi bằng về việc giao dịch.

Yên tâm vì đã có bản vi bằng của thừa phát lại, nhưng cuối tháng 2/2019, gia đình chị bất ngờ nhận được thông báo là toàn bộ khu nhà bị ngân hàng siết nợ vì chủ đất đem thế chấp ngân hàng và mất khả năng trả nợ.

"Sau này tôi mới biết vi bằng của Thừa phát lại chỉ ghi nhận việc giao dịch giữa gia đình tôi và chủ nhà, nó không có giá trị như hợp đồng công chứng. Khi biết thì cũng đã quá muộn", chị T. chia sẻ.

6 Giả khách mua đánh tráo sổ đỏ

Năm 2018, vì cần tiền nên ông Kiệt quyết định bán căn nhà đang ở. Sau khi ông đăng thông tin bán nhà trên các trang mua bán bất động sản, có một số người đến hỏi mua rồi xin bản sao sổ đỏ với lý do để đem về nghiên cứu. Cũng có người đến xem nhà và xin xem qua bản chính sổ đỏ nhưng rồi không thấy quay lại.

Đến tháng 10/2018, Công an phường 17, quận Bình Thạnh đến thông báo nhà của ông đã bị người khác làm thủ tục đăng bộ và hiện công an đang giải quyết. Lúc này ông mới tá hỏa nhận ra sổ đỏ ông đang giữ lâu nay là giả, còn sổ đỏ thật đã bị kẻ gian đánh tráo.

Thủ đoạn lừa đảo này thường nhằm vào người có nhu cầu bán nhà đất. Cách thức lừa đảo được tiến hành như sau: Nhóm đối tượng sẽ nhắm đến các nhà đất có giá trị cao. Sau khi liên hệ và tiếp cận trong vai trò là người đi xem mua nhà, chúng sẽ mượn bản sao sổ đỏ và chụp hình lại để xác minh thông tin, một lý do vô cùng hợp lý mà bạn không thể nào từ chối.

Bước kế tiếp, nhóm đối tượng này sẽ sử dụng các thông tin, hình chụp các giấy tờ nhà đất đó làm giả một bộ hồ sơ nếu chỉ nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được. Tiếp theo nhóm đối tượng này sẽ đóng giả khách mua mới, tiếp cận chủ nhà lần hai để tìm cách đánh tráo hồ sơ nhà đất thật, giả và "cao chạy xa bay".

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công an Hà Nội đấu tranh quyết liệt với tội phạm, tệ nạn xã hội trong mùa dịch Covid 19

Trong thời điểm cả nước đang tập trung, nỗ lực phòng chống dịch bệnh, Công an Hà Nội cùng với nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch bệnh đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội có liên quan đến dịch bệnh Covid 19. Đợt cao điểm này được triển khai thực hiện từ 15.4 đến 14.6.2020. Sau hơn 20 ngày mở đợt cao điểm, Công an thuộc các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã liên tiếp đấu tranh, khám phá nhiều vụ án về hình sự, kinh tế, ma túy.

Theo VietNamNet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/6-chieu-lua-trong-mua-ban-dat-nen-nha-dau-tu-can-luu-y-de-tranh-tien-mat-tat-mang-d124223.html