AB Mauri Việt Nam: Phát hiện sự cố hệ thống xử lý nước thải nhờ …“tin đồn”

14/06/2019 11:23

Kinhte&Xahoi Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (AB Mauri) đã đầu tư khoảng 10 triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý nước thải với hệ thống công nghệ lọc RO (công nghệ thẩm thấu ngược theo tiêu chuẩn quốc tế) hiện đại. Mặc dù đầu tư lớn tiền, công nghệ hiện đại, nhưng cuối cùng vẫn phải nhờ đến… tin đồn mới biết bị hư.

Phát hiện sự cố của hệ thống triệu USD nhờ tin đồn

Nhà máy xử lý nước thải nằm cách biệt với bên ngoài bởi tường rào kiên cố. An toàn, khó tiếp cận đến mức để có thể chiêm ngưỡng hệ thống cao cấp này, AB Mauri phải tổ chức buổi lễ tham quan.

Chưa đầy một tuần sau khi AB Mauri tổ chức tham quan nhà máy xử lý nước thải, tối ngày 17.04, hệ thống này gặp vấn đề kỹ thuật. Sau nhiều lỗi vi phạm về vấn đề môi trường, ngày 30.5 Công ty bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động vô thời hạn để khắc phục sự cố, sau 16 ngày thảm họa ô nhiễm môi trường trên sông La Ngà khiến hơn 1.000 tấn cá chết.

Đây là lần thứ 3 đơn vị này bị đình chỉ hoạt động do liên quan đến sự cố môi trường kể từ năm 2009. 

Nhờ người dân La Ngà “đồn”, Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam phát hiện sự cố kỹ thuật của hệ thống xử lý nước thải trị giá khoảng 10 triệu USD 

Để hiểu rõ hơn về sự cố này, PV Hòa nhập đã có buổi làm việc trực tiếp với bà Phạm Mỹ Linh – Giám đốc nhân sự Công ty AB Mauri Việt Nam. 

Kể về tình huống “hy hữu” giúp Ban giám đốc AB Mauri phát hiện sự cố men chết vào ngày 17.04, đại diện AB Mauri cho rằng đó là một “câu chuyện vui”, vì người phát hiện sự cố tại hệ thống triệu USD lại chính là người dân sống gần AB Mauri.

Kể về việc phát hiện sự cố, bà Mỹ Linh, hào hứng: “Ở đây, nó có một câu chuyện rất vui. Khi nó chưa có mùi, thì ở ngoài Công ty dân nói là tối nay nhà máy có sự cố đấy. Khoảng 8 giờ tối, ngày 17.04, tụi tôi có thông tin ở ngoài nói là hôm nay dân sẽ tập trung đó nha. Nhà máy đêm nay có sự cố đó nha. Thế là đêm đấy toàn bộ Ban giám đốc có mặt ở nhà máy.”

Cái vui theo lời bà Mỹ Linh là nhờ dân đồn là bị ô nhiễm. Mặc dù lúc nhận tin đồn chưa có ô nhiễm, nhưng lãnh đạo AB Mauri đã hết sức xem trọng tin đồn. Sau đó khẩn trương tiến hành kiểm tra hệ thống xử lý thải. “…khi kiểm tra thì không phát hiện ra mùi hôi, nhưng lại phát hiện hệ thống xảy ra sự cố thật…”, bà Mỹ Linh nói. 

Ngay sau khi phát hiện sự cố, AB Mauri vội vàng làm thông báo gửi cho cơ quan chức năng, báo cáo gấp sự cố bất ngờ này. 

Sau khi báo cáo gửi đi, trong cùng ngày, mùi hôi xuất hiện, bao phủ toàn bộ khu dân cư xung quanh. “Sáng 18.04, thì mùi hôi bao trùm cả khu dân cư. Chúng tôi có hỏi thì mấy người trong Men Mauri cho biết hệ thốngxử lý nước thải xảy ra sự cố… Sống quanh đây riết chịu hết nổi, nhiều người phải bán nhà dời đi chỗ khác…”, một người dân sống gần AB Mauri, bảo vậy.

Theo giải thích của AB Mauri, sau khi hệ thống xử lý nước thải gặp vấn đề, AB Mauri chủ động ngưng hoạt động hơn 15 ngày để vệ sinh toàn bộ hệ thống xử lý nước thải, khắc phục sự cố do “hệ thống căn bằng COD bị lỗi dẫn đến hàm lượng COD nạp tải cao hơn mức bình thường” gây ra. 

Bà Mỹ Linh cho biết, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy có nhiều bể chứa liên kết với nhau. Nên khi “con men trong bể hiếu khí chết hết đồng nghĩa chết cả hệ thống xử lý nước thải”.

Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là “do nhân viên công ty bị “lố” tay trong quá trình điều chỉnh van chuyền mật rỉ. Điều này làm lượng thức ăn cho men hiếu khí vượt quá 5 lần so với mức quy định. Khiến toàn bộ men trong bể hiếu khí chết, gây ra mùi hôi.” 

Theo những gì mà đại diện AB Mauri nói, thì đúng là vui thật. Vui thứ nhất là hê thống triệu USD hiện đại nhưng lại không thể phát hiện ra lỗi, mà phải nhờ tin đồn. Vui thứ hai là nguyên nhân gây lỗi hệ thống xử lý nước thải là do công nhân bỏ “lố tay” lúc cho men ăn.

Nghe chuyện này ai cũng vui như nghe một câu chuyện hài, chỉ có người dân sống quanh AB Mauri và những hộ dân nuôi cá trên sông La Ngà là cười trong tiếng nấc nghẹn.

Nghịch lý trong lời giải thích

Cũng trong lần trao đổi này, đại diện AB Mauri, bà Mỹ Linh khẳng định : “khi men vi sinh chết sẽ bị nổi lên mặt nước và phát ra mùi hôi đặc trưng. Phải phát hiện được con men gặp vấn đề ở bể hiếu khí thì mới cô lập được hệ thống RO.”

Trong mật rỉ có chứa hàm lượng COD được doanh nghiệp sử dụng làm thức ăn nuôi cấy men vi sinh hiếu khí trong hệ thống xử lý nước thải công nghiệp. Con men này sẽ chết khi hàm lượng COD vượt ngưỡng. Đồng nghĩa với quá trình tách bùn chết và nước ở bể hiếu khí bị vô hiệu hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước thải qua hệ thống lọc RO và nước thải ra sông La Ngà.

Đường ống xả thải của AB Mauri được khai quật. Cuối tháng 5, Công ty bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động vô thời hạn để tiếp tục khắc phục hậu quả vì các vi phạm về Luật môi trường

Để lý giải về cho việc kịp thời cô lập hệ thống RO, bà Mỹ Linh cho biết, phía lãnh đạo công ty đã kịp phát hiện men vi sinh hiếu khí trong bể chết. Đồng thời, AB Mauri “dập” mùi hôi, trước khi sự việc này làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. 

“Tụi tôi đi xuống kiểm tra… nhờ có kỹ sư môi trường nên bằng mắt thường đã xác định được men ở bể bị chết. Khi đó vẫn chưa có mùi hôi, khoảng tầm 2 tiếng sau mới bắt đầu phát sinh mùi, nhưng tụi tôi cũng đã xử lý xong mùi.” Bà Linh khẳng định.

Nói là vậy, nhưng người dân xung quanh AB Mauri không thể chịu nổi, phải tính đến chuyện bán nhà, đâm đơn kiện...

Sự diễn giải bất nhất trong lời của vị đại diện AB Mauri cho thấy thực tế không đẹp như họ nói. Cái rõ nhất là nước thải ra môi trường rõ ràng ảnh hưởng nặng đến đời sống người dân xung quanh đó. 

Sự quanh co trong diễn giải, lúc thì cho rằng phát hiện khi men chưa chết, lúc thì men chết nhưng chưa có mùi. Lúc thì thừa nhận men ở bể hiếu khí chết làm ảnh hưởng cả hệ thống nên phải cô lập các bể xử lý, lúc thì khẳng định hệ thống RO có khả năng xử lý nước thải khi gặp sự cố…

Sự việc trở nên vui hơn khi bà Mỹ Linh cho biết hệ thống RO hoàn toàn có khả năng xử lý và thải ra môi trường nước đạt chuẩn cột A (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT) khi các vấn đề kỹ thuật xảy ra nhưng không được cô lập. 

Vậy, hệ thống xử lý thải của AB Mauri đã bị sự cố gì, trong khi trước đó AB Mauri thừa nhận toàn bộ hệ thống xử lý thải đã bị tê liệt (?!)

Trong văn bản số 29/CV-ABMV gửi cho UBND xã La Ngà, AB Mauri thông báo dừng toàn bộ hoạt động sản xuất để bảo trì, bảo dưỡng hệ thống xử lý thải. Thay vì phối hợp với đơn vị xử lý nước thải chuyên ngành thì AB Mauri lại “nhờ” Công ty Phân bón Đại Nam hút gần 3000m3 nước thải chứa mật rỉ, váng bùn và xác men vi sinh hiếu khí. Trong khi nguyên liệu sản xuất phân bón là bùn lắng. 

Phần nước thải ở bể chứa hàm lượng COD cao và ở các bể còn lại chưa qua xử lý thi được AB Mauri xử lý thế nào? Chỉ có AB Mauri mới biết câu trả lời chính xác.

Theo Hoà Nhập

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hậu Lộc – Thanh Hóa: Đê chắn sóng trăm tỷ xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 2 năm sử dụng

Tuyến đê chắn sóng ven biển quanh các xã Minh Lộc, Đa Lộc, Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) có chiều dài gần 5km. Được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Trung ương với tổng vốn đầu tư sau quyết toán là hơn 140 tỷ đồng, đang có dấu hiệu hư hỏng nặng, đặc biệt là hơn 1km đoạn qua địa bàn xã Đa Lộc.