Ai là chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/1/2023?

02/01/2023 10:09

Kinhte&Xahoi Trước đó vào ngày 14/12/2022, Hòa Bình công bố thông tin ông Lê Viết Hải sẽ thôi chức chủ tịch từ ngày 1/1/2023 nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử con trai Lê Viết Hiếu lên làm Tổng giám đốc.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa kỷ niệm 35 năm thành lập với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 7.500 và 350 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ chưa đầy nửa tháng từ nhiệm vị trí Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) sau hơn 30 năm nắm giữ để tạo cơ hội cho con trai, ông Lê Viết Hải đã quay trở lại vị trí này.

Trước đó vào ngày 14/12/2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải ở vị trí Chủ tịch HĐQT để giữ chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập từ 1/1/2023. Đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú - Thành viên HĐQT độc lập làm Chủ tịch HĐQT từ 1/1/2023. Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc vào kỳ Đại hội đồng cổ đông năm 2023 sắp tới.

Ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú.

 Theo thông báo phát ra tối ngày 31/12/2022, Hoà Bình cho biết sẽ hoãn thông qua đơn từ nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị của ông Lê Viết Hải. Đồng thời, công ty chưa bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức chủ tịch thay ông Hải và chưa bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải). Ngoài ra, Hòa Bình cũng hoãn việc thành lập Hội đồng Sáng lập - nơi ông Hải dự kiến làm chủ tịch.

Hội đồng quản trị Hòa Bình cho biết việc hoãn thi hành các nghị quyết đã công bố ngày 14/12/2022 "nhằm củng cố cơ sở pháp lý và thiết lập vững chắc mô hình quản trị mới".

Theo đại diện Hoà Bình, việc hoãn thi hành các nội dung nói trên nhằm củng cố cơ sở pháp lý và thiết lập vững chắc mô hình quản trị mới trong việc thực thi các nội dung này. Đồng thời, doanh nghiệp muốn đảm bảo thông suốt mọi hoạt động trong thời điểm Tết Nguyên Đán 2023 đang cận kề.

Tuy nhiên, sau khi báo chí đồng loạt đưa thông tin về sự việc nói trên, ngay trong buổi sáng ngày 01/01/2023, các thành viên Hội đồng quản trị độc lập Hòa Bình gồm TS Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã có Thông cáo báo chí bác bỏ các động thái do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đơn phương thực hiện nhằm tiếp tục giữ vị trí.

Nguyên văn Thông cáo này như sau :

V/V: Bác bỏ các động thái do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đơn phương thực hiện nhằm tiếp tục giữ vị trí

Quyết định do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đưa ra trong cuộc họp HĐQT bất thường là không hợp lệ vì không có đủ số lượng thành viên HĐQT tham dự để tiến hành tổ chức họp, không đủ số lượng phiếu bầu thông qua Nghị quyết HĐQT theo quy định của Điều lệ Công ty.

Chúng tôi, gồm các thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Bình, kiên quyết bác bỏ toàn bộ các động thái do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đơn phương thực hiện vào ngày 31/12/2022. Các động thái này bao gồm việc công bố Nghị quyết, thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (được ký ngày 12/12/2022) chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; và hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT.

Đồng thời, các quyết định được thông qua tại cuộc họp HĐQT ngày 13/12/2022 vẫn có đầy đủ hiệu lực. Các quyết định được toàn bộ 8/8 thành viên HĐQT nhất trí thông qua trong cuộc họp này gồm quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình thay ông Lê Viết Hải – người trước đó gửi đơn từ nhiệm lên HĐQT.

Với ý định hủy bỏ các quyết định tại cuộc họp HĐQT ngày 13/12/2022, ông Lê Viết Hải đã nhiều lần triệu tập họp HĐQT qua hình thức trực tuyến vào các ngày 29/12/2022 và ngày 31/12/2022 – một việc làm vi phạm Điều lệ Tập đoàn. Trong đó vào ngày 31/12/2022, sau khi cuộc họp vào lúc 9g00 sáng không đủ điều kiện tiến hành, ông Lê Viết Hải tiếp tục triệu tập họp vào lúc 13g30 chiều. Số lượng thành viên HĐQT tham dự lúc này cũng chỉ có 4 thành viên, vẫn chưa thể đủ điều kiện để tiến hành tổ chức (theo quy định tại Điều lệ hiện hành HBC thì phải có 5/8 thành viên HĐQT tham dự).

Chúng tôi đã ngay lập tức thông báo bằng văn bản với ông Lê Viết Hải rằng chúng tôi từ chối việc triệu tập tham gia vì cuộc họp này không đúng với Điều lệ Tập đoàn, theo đó việc thông qua bất kỳ quyết định nào đều là không hợp lệ.

Các thông cáo của ông Lê Viết Hải với báo chí không những không có cơ sở pháp lý mà còn sai sự thật vì ông Hải không thể tiến hành được cuộc họp HĐQT theo quy định, cũng như có đủ đa số phiếu trong HĐQT để có thể hoãn quyết định được đưa ra trong cuộc họp ngày 13/12/2022.

Chúng tôi đã thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Việt Nam (SSC) và các cơ quan tư pháp liên quan về tất cả các động thái vi phạm quy chế, quy định của ông Lê Viết Hải trong những ngày vừa qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những hành động thích hợp để đảm bảo các quyết định của HĐQT trong cuộc họp ngày 13/12/2022 được tuân thủ thực hiện đầy đủ và đúng pháp luật.

Vì lợi ích chung tối cao của Tập đoàn do chính ông Lê Viết Hải sáng lập, chúng tôi đề nghị ông Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu Nguyễn Công Phú. Do sự điều hành yếu kém của ông Lê Viết Hải trong nhiều năm, tập đoàn giờ đang đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính. Việc HĐQT thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu Tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất – khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai.

Vì vậy, ông Nguyễn Công Phú là Chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Hòa Bình kể từ hôm nay, 01/01/2023
".

"Tôi và Hải cùng với HĐQT đối thoại rất chân thành, chính trực. Cái điều sau không có gì là không thể nói rõ. Hòa Bình là công trạng của dòng họ Lê Viết, thực sự 35 năm trước cụ thân sinh cùng với Hải đã sáng lập ra một văn phòng xây dựng có hơn 10 kỹ sư, kiến trúc sư. Rồi theo năm tháng công ty gia đình này trở thành Tập đoàn Hòa Bình niêm yết trên sàn.

Và chính chúng tôi chứ không phải cá nhân Hải đưa ra ý tưởng thành lập một Hội đồng sáng lập của công ty. Nó có chức năng như một hội phi lợi nhuận. Có rất nhiều hội như thế này tại các tập đoàn đa quốc gia như Hyundai, Sony, Rockefeller… Tôi đề nghị Lê Viết Hải giữ chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Chúng tôi mong muốn một người có 35 năm kinh nghiệm như Hải tham gia góp ý vào những câu chuyện cực kỳ chiến lược và quan trọng với tính tham mưu. Không có chuyện Hội đồng sáng lập này có quyền phủ quyết vì có luật tổ chức doanh nghiệp đặc biệt là công ty đại chúng.

Dĩ nhiên nếu có lúc Hải nói với tôi "cái này có vẻ không ổn anh", tôi thấy xác đáng thì tôi sẽ nói rất trung thực "để anh bàn lại với HĐQT". Thế thôi! Tất cả các thành viên HĐQT đều nhất trí là cầu thị khi bàn luận cùng với Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Nhưng phải nhớ là hệ thống quyền lực/ trách nhiệm rất rõ theo luật định: Hội đồng cổ đông => Hội đồng quản trị => Ban Tổng giám đốc. Hội đồng sáng lập không nằm trong triết lý và logic về tổ chức quyền lực nói trên"
- Tiến sỹ Nguyễn Công Phú chia sẻ thông tin sau khi Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Doanh nhân, Tiến sỹ Nguyễn Công Phú

Sinh năm 1951, nguyên quán Quảng Trị.

Năm 1993, ông Phú trúng tuyển học bổng của Chính phủ Pháp để tiếp tục lấy bằng tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm - Đại học Khoa học Paris - Trường Cầu đường Paris và trong suốt quá trình công tác đến năm 2021 đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao trong Tập đoàn Apave tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau hơn 20 năm học tập, làm việc tại Pháp và 50 quốc gia trên thế giới, năm 1995, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã đưa Apave - Pháp, một tập đoàn có 150 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giám định đến Việt Nam. 

Năm 1996, Apave Việt Nam & Đông Nam Á ra đời (nay là Apave châu Á - Thái Bình Dương), dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Nguyễn Công Phú, công ty đã trở thành thương hiệu uy tín trong lĩnh vực giám định kỹ thuật, đào tạo và tư vấn.

Từ năm 2015, trên tất cả công trường, dự án Apave làm tư vấn đều có yêu cầu chất lượng, an toàn, xanh sạch đặt ở vị trí trung tâm, cùng các bản cam kết và thuyết phục để nhà thầu, chủ đầu tư phải đảm bảo những yêu cầu trên.

Với chiến lược phát huy trí tuệ Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đưa gần 70 kỹ sư sang Tripoli giữ vai trò tư vấn giám sát tại nhà ga sân bay quốc tế Tripoli của Libia trong 2 năm. Hàng trăm kỹ sư của Apave đang hoạt động trên khắp các nước.

Hầu hết những cán bộ kỹ thuật của Apave do ông Phú đào tạo đều có trình độ chuyên môn quốc tế. Hàng chục cán bộ của công ty đã đi làm chuyên gia giám định ở khắp các nước trên thế giới. Nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy những công việc mà cán bộ của công ty thực hiện: giám sát các chuyên gia nước ngoài, trong đó có cả các kỹ sư Pháp, Mỹ..., với mức lương lên đến 10.000 USD/tháng.

Ngày 20/7/2021, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú trở thành thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Ngày 14/12/2022, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã công bố 2 Nghị quyết thông qua việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải, đồng thời Tiến sĩ Nguyễn Công Phú được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.


 Bảo Hà - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/ai-la-chu-tich-tap-doan-xay-dung-hoa-binh-tu-ngay-1-1-2023-d188636.html