Áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông, có thể mạnh lên thành bão số 14

20/12/2020 09:19

Kinhte&Xahoi Sáng sớm nay (20/12), áp thấp nhiệt đới đã vào Biển Đông. Cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong những giờ tiếp theo, cơn áp thấp này có khả năng mạnh lên thành bão.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: NCHMF).

Cụ thể, hồi 1h ngày 20/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 117,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa) khoảng 380km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, ngay ở phía Nam đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày 21/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,0 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa) khoảng 200km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 8,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày 22/12, vị trí tâm bão ở khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 140km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km.

Gió mạnh và sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Đông khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 5,0-7,0m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 6-10 độ vĩ Bắc nối với áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông. Trong cơn giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

 Nguyễn Dương - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quần thể tâm linh Fansipan – Chốn tĩnh tâm giữa mây ngàn

Cứ mỗi dịp lễ tạ cuối năm, đông đảo Phật tử và du khách lại tìm đến Sa Pa để được cầu an, chiêm bái đảnh lễ trước quần thể tâm linh kỳ vỹ ngự trên đỉnh thiêng Fansipan, nơi được mệnh danh là mạch nguồn linh khí của dân tộc.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/ap-thap-nhiet-doi-vao-bien-dong-co-the-manh-len-thanh-bao-so-14-20201220073855373.htm#dt_source=Home&dt_campaign=TTSK&dt_medium=1