Ba đời tổng giám đốc bị khởi tố, Gang Thép Thái Nguyên giờ ra sao?

17/12/2020 07:44

Kinhte&Xahoi Đến nay, TISCO đang "mắc kẹt" gần 5.600 tỷ đồng ở dự án mở rộng giai đoạn 2, bị đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục. Trong khi đó, hàng loạt lãnh đạo qua các thời kỳ đã bị khởi tố.

Hiện trường Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Quân Đỗ 

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Liên quan đến dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 "đắp chiếu" nhiều năm nay, tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp này đã vướng vào vòng lao lý.

Mới đây, trong số 14 người bị khởi tố bị can có ông Hoàng Ngọc Diệp - nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, ông Trần Trọng Mừng - nguyên Tổng giám đốc và ông Trần Văn Khâm - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO. Tính ra, có đến 3 đời giám đốc ở TISCO đã bị khởi tố do những sai phạm tại dự án mở rộng giai đoạn 2.

Nêu kết luận ngoại trừ tại báo cáo tài chính bán niên của TISCO vừa qua, đơn vị kiểm toán là AASC cho biết, dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành.

Tổng chi phí đầu tư dự án tính đến 30/6 là 5.503,76 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay đã vốn hóa là 2.296,27 tỷ đồng. Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án.

Do vậy, kiểm toán viên không thể xác định được những tổn thất có thể có liên quan đến dự án nêu trên cũng như ảnh hưởng của vấn đề này đến các chỉ tiêu được trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của TISCO.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của TISCO thể hiện, tổng giá trị chi phí xây dựng dở dang của TISCO tại công trình cải tạo giai đoạn 2 tại ngày 30/9 đã lên tới 5.580,54 tỷ đồng, chiếm 99,94% tổng giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TISCO vào thời điểm nói trên.

(Ảnh chụp BCTC quý 3 và 9 tháng của TISCO)

Theo báo cáo tài chính của TISCO, trong 9 tháng năm 2020, doanh thu thuần của công ty đạt 7.009,4 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận gộp giảm hơn 18% so cùng kỳ.

Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng nên lãi thuần của TISCO 9 tháng chỉ đạt 18,4 tỷ đồng, bằng 37% so với cùng kỳ.

Nhờ có sự cải thiện của lợi nhuận khác (đạt 6 tỷ đồng), do đó, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của TISCO trong kỳ vẫn đạt 24,4 tỷ đồng. Con số này giảm tới gần 52% so với 9 tháng 2019. Lãi sau thuế ở mức xấp xỉ 16 tỷ đồng, bằng chưa tới 40% cùng kỳ. Lãi ròng (lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ) đạt 14,6 tỷ đồng, bằng 36% cùng kỳ.

Tại thời điểm 30/9/2020, TISCO có 9.306 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 198 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 1.922,6 tỷ đồng, giảm 313,6 tỷ đồng.

Nợ phải trả của TISCO tại thời điểm nói trên cũng giảm xuống còn 7.385,3 tỷ đồng, tuy nhiên, nợ ngắn hạn lên tới 5.001 tỷ đồng, cao hơn giá trị tài sản ngắn hạn tới hơn 3.008 tỷ đồng.

Vấn đề này đã được kiểm toán viên của hãng AASC nhấn mạnh tại báo cáo bán niên của TISCO. Theo đó, đơn vị kiểm toán cho biết, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến Dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán. Những sự kiện này phần nào cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Lãnh đạo lên kế hoạch tăng lương nhân viên trong năm 2021

Mới đây, TISCO đã công bố thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2020. Theo khẳng định của lãnh đạo doanh nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn ổn định và có hiệu quả.

Nhìn lại 2020, TISCO đánh giá đây là một năm có nhiều khó khăn đối với ngành thép. Nền kinh tế trong nước và thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Một năm thiên tai bất thường, bão lũ xảy ra nhiều, cùng với đó là giá cả nguyên nhiên liệu diễn biến phức tạp khó lường, thị trường thép cạnh tranh ngày càng gay gắt, khoảng cách giữa giá bán thép thành phẩm và giá phôi bị thu hẹp…

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên nhìn từ trên cao. Ảnh: Quân Đỗ

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết, vẫn duy trì sản xuất được ổn định, ước đạt các mục tiêu kế hoạch 2020, sản xuất có hiệu quả; đảm bảo việc làm, thu nhập, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Cụ thể, trong năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của TISCO ước đạt 9.126 tỷ đồng; thép cán sản xuất đạt 802.652 tấn, bằng 102% kế hoạch năm và bằng 110% so với năm 2019.

Phôi thép sản xuất ước đạt 288.342 tấn, bằng 117% kế hoạch năm và bằng 99,5% so với năm 2019; tiêu thụ thép cán các loại ước 804.693 tấn, bằng 102% kế hoạch năm và bằng 101,6% so với năm 2019.

Tổng doanh thu cả năm 2020 dự kiến là 13.105 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước khoảng 32,8 tỷ đồng; nộp ngân sách 426,4 tỷ đồng. Với số lượng lao động bình quân cả năm là 3.940 người, TISCO trả lương bình quân 8,8 triệu đồng/người/tháng.

TISCO xây dựng chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.110 tỷ đồng; thép cán sản xuất 815.000 tấn; phôi thép sản xuất; tổng doanh thu 12.989 tỷ đồng; lợi nhuận 38,9 tỷ đồng; nộp ngân sách: 267,7 tỷ đồng.

TISCO cũng dự kiến trong năm tới, lao động bình quân sẽ là 3.894 người và mức lương được nâng lên 9,2 triệu đồng/người/tháng.

Mai Chi - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quần thể tâm linh Fansipan – Chốn tĩnh tâm giữa mây ngàn

Cứ mỗi dịp lễ tạ cuối năm, đông đảo Phật tử và du khách lại tìm đến Sa Pa để được cầu an, chiêm bái đảnh lễ trước quần thể tâm linh kỳ vỹ ngự trên đỉnh thiêng Fansipan, nơi được mệnh danh là mạch nguồn linh khí của dân tộc.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ba-doi-tong-giam-doc-bi-khoi-to-gang-thep-thai-nguyen-gio-ra-sao-20201216213309508.htm#dt_source=Home&dt_campaign=Cover&dt_medium=1