Băn khoăn quanh đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe

13/06/2020 07:40

Kinhte&Xahoi Bộ Công an vừa đề xuất 28 nhóm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông mà tài xế sẽ bị áp dụng hình thức trừ điểm giấy phép lái xe.

Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm. (Ảnh minh họa).

28 nhóm hành vi sẽ bị trừ điểm

Theo đó, Bộ Công an đề xuất mọi loại giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có tổng là 12 điểm và số điểm này sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Số điểm bị trừ ngược; đến khi về 0, GPLX sẽ bị coi là không còn hiệu lực. Điều này đồng nghĩa tài xế muốn cấp GPLX phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu, trong thời gian ít nhất sáu tháng kể từ ngày GPLX bị coi là không còn hiệu lực. 

Bên cạnh đó, dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành. Việc trừ điểm cụ thể ra sao sẽ do Chính phủ quy định. Ngoài ra, mọi hành vi gian lận ảnh hưởng đến kết quả trừ điểm trên GPLX sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thông tin thêm về đề xuất này, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, số điểm sẽ không thể hiện trên GPLX mà lưu trong hệ thống dữ liệu. CSGT khi xử lý chỉ cần tra trên máy là biết tài xế còn bao nhiêu điểm. 

Đặc biệt, quy định xử phạt sẽ phải ghi cả số điểm mà tài xế bị trừ, nếu chỉ ghi phạt tiền sẽ được coi là không hợp lệ... Cùng với việc quy định về điểm, Bộ Công an đề xuất 28 nhóm hành vi vi phạm cụ thể sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm GPLX.

Điển hình như hành vi liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Các hành vi khác như sử dụng điện thoại di động, sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính, sử dụng ô (đối với xe mô tô, xe gắn máy) cũng được đề xuất trong Dự thảo.

Ngoài ra còn có các hành vi như đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào, trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn, lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ, dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, những hành vi khác như đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; Không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông, biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông.

Trong bản dự thảo còn quy định điểm trừ với việc xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 10 km/giờ đến 35 km/giờ, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 10 km/giờ đến 20km/giờ; Không có giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng… 

Liệu khả thi?

Trước đề xuất này, đa số các ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ vì cho rằng những quy định mới này nhằm nâng cao ý thức của người khi tham gia tham gia giao thông, giúp họ chủ động trong việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ.

Anh Nguyễn Văn Minh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất đồng tình nếu đề xuất này được thực thi tại Việt Nam. Để lấy được GPLX, đặc biệt là đối với phương tiện xe máy, mỗi người chỉ cần thi sát hạch lý thuyết và thực hành, thậm chí có nhiều trường hợp tiêu cực là không cần học lý thuyết nhưng đều có thể qua được kì thi và lấy được bằng lái xe.

Tình trạng này diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương. Nó mang lại hệ quả là những người này không nắm chắc được Luật Giao thông đường bộ nên sẽ thường xuyên mắc nhiều lỗi khi tham gia giao thông. Việc áp dụng 28 hành vi để trừ điểm vào GPLX sẽ có tác dụng răn đe hơn, giúp người dân biết sợ và chủ động học, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông. Điều này sẽ giảm được những vi phạm hay tai nạn giao thông trên đường”.

Tuy vậy, một số ý kiến vẫn băn khoăn về tính khả thi của đề xuất này. “Muốn áp dụng chế tài với người lái xe, trước tiên hệ thống cơ sở hạ tầng, biển báo, vạch kẻ đường phải chuẩn. Như hiện nay mà áp dụng ngay thì chưa thực sự hợp lý”, anh Trần Hiếu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết.

Còn anh Hoàng Anh (Đống Đa, Hà Nội) nêu thắc mắc: “Hiện tại, nhiều lỗi vi phạm nặng đã có hình thức tước GPLX. Nếu vừa tước vừa trừ điểm thì liệu có chồng chéo? Có tạo tiền đề cho tiêu cực hay không? Vì nếu hết điểm sẽ coi như bị tước bằng lái, điều này sẽ dẫn tới việc tài xế có hành vi tiêu cực để không bị lập biên bản”.

Cùng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết cơ bản đồng tình với đề xuất trên của Bộ Công an. Tuy nhiên, Dự thảo trên vẫn còn một số điểm vẫn chưa phù hợp với thực tế giao thông ở nước ta hiện nay. 

“Trước tiên, tôi cho rằng mục đích của việc xử phạt vi phạm giao thông là để răn đe, uốn nắn những sai sót trong vi phạm là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, đề xuất này cũng phải có những quan điểm đổi mới đó là giáo dục là chính, nhắc nhở là chính chứ không nên đưa những điều quá nặng vào việc xử phạt vì quy định xử phạt ở nước ta hiện nay cũng đã khá nghiêm”.

“Cũng cần phải lưu ý rằng, mật độ phương tiện tham gia giao thông hiện nay đang ở mức cao, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân, do đó xác suất người tham gia giao thông vi phạm là rất cao.

Vì vậy, việc quy định số điểm trên bằng lái xe cũng như số điểm bị trừ cần được tính toán lại sao cho phù hợp. Một vấn đề khác là số điểm không thể hiện trên GPLX mà chỉ ở trên hệ thống dữ liệu sẽ khiến tài xế rất khó nhớ họ còn bao nhiêu điểm, đã bị trừ những điểm gì”, TS. Thủy nêu quan điểm. 

Còn PGS.TS Bùi Công Minh, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị (Trường Đại học Bách khoa TP HCM) thì cho rằng đề xuất trừ điểm trên GPLX khi vi phạm giao thông của Bộ Công an là khó khả thi. Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản,... đã áp dụng rất hiệu quả việc xử lý này nhưng để áp dụng được tại Việt Nam thì vẫn còn nhiều điểm phải thay đổi. 

Trước tiên là vấn đề minh bạch trong khâu xử phạt vi phạm giao thông, nếu ở một số quốc gia trên thế giới việc xử phạt vi phạm giao thông được thực hiện rất công khai, minh bạch thì ở nước ta hiện nay lại chưa thực hiện được một cách nghiêm túc. Vẫn tồn tại tình trạng người vi phạm giao thông cố tình dùng nhiều cách khác nhau để “xin” khi bị xử phạt. 

Bên cạnh đó, để áp dụng đề xuất trên vào thực tế thì cơ quan chức năng cần có thêm thời gian để đào tạo từ người tham gia giao thông đến từng cán bộ CSGT và có thời gian thí điểm để họ làm quen với nội dung này chứ không thể ngày một, ngày hai có thể áp dụng đề xuất này vào thực tế.

Thực tế, việc trừ điểm trên bằng lái xe không hề mới, từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng “bấm lỗ”.

Theo đó, nếu GPLX bị đánh dấu 2 lần vi phạm, tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi GPLX; nếu bị đánh dấu 3 lần, GPLX hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp mới. Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ do thiếu thẩm mỹ và việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm do không được “liên thông” với biên bản và quyết định xử phạt.

Nguyễn Sinh - Thu Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sức sống, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi trường tồn!

Tư tưởng Hồ Chí Minh không những có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn góp phần tích cực trong các bước tiến của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đây là nhân tố không thể thiếu trong tư duy và hành động của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hó a, hiện đại hóa đất nước giai đoạn tới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ban-khoan-quanh-de-xuat-tru-diem-giay-phep-lai-xe-d126954.html