Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề hậu Covid-19

18/10/2021 16:24

Kinhte&Xahoi Dịch bệnh Covid -19 đã có dấu hiệu được kiểm soát và một số tỉnh thành lớn đã mở cửa để hồi phục, phát triển kinh tế. Thời điểm này, bảo hiểm thất nghiệp càng phát huy vai trò hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề hậu Covid-19 và chuẩn bị cho các ngành, nghề mới trong nền kinh tế.

Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tiền bạc

Khoảng 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Đứng trước tác động tiêu cực của dịch bệnh tới thị trường lao động, song song với các biện pháp y tế, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo nhiều hình thức đa dạng và quy mô khác nhau.

Đào tạo nghề điện - điện tử tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bình Thuận_Ảnh: TTXVN

Có thể phân ra thành 3 nhóm chính sách chính: Nhóm chính sách hỗ trợ xã hội; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội và nhóm chính sách thị trường lao động tích cực. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), từ ngày 20/3/2020 đến 14/5/2021, có tổng số 3.333 biện pháp bảo trợ cho người lao động được hoạch định hoặc thực hiện ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 148% kể từ tháng 12/2020. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ thị trường lao động tích cực tăng gần 330%.

Tại Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp được coi là “cứu cánh” đối với người lao động trong giai đoạn khó khăn, mất việc làm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, đó là chưa thực sự gắn bó với thị trường lao động, mới tập trung cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức; nặng về giải quyết hậu quả, nhẹ về giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu việc sa thải...

Tuy nhiên, người lao động dường như quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn là tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ông Trần Tuấn Tú cho biết: Người lao động tìm đến hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc đào tạo nghề miễn phí nhưng đa số lại chọn hình thức nhận hỗ trợ bằng tiền mặt, rất ít người đăng ký học nghề.

Ông Tú thông tin: "Sau hơn 11 năm chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi vào đời sống, cả nước mới có hơn 250.000 người lựa chọn học nghề, bằng 5% tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Tại Hà Nội, tình trạng nêu trên cũng không mấy khả quan. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Tạ Văn Thảo cho biết, những năm qua, Hà Nội đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 440.000 người, nhưng chỉ có hơn 24.000 người lựa chọn học nghề (bằng 5,46% tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp).

Phỏng vấn nhanh một người lao động, anh Bế Đức Thuận (thị trấn Quang Minh, Mê Linh) cho rằng, đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông, nên không có tích lũy về tài chính để có thể học nghề liên tục trong khoảng thời gian dài. Bên cạnh đó, đố với những người có nhu cầu học nghề, thì họ có ít sự lựa chọn, bởi danh mục các nghề được đào tạo chưa phong phú, thậm chí có những nghề không còn phù hợp...

Hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề hậu Covid-19

Đối với vấn đề bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-TT ngày 31/3 về quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Synopex Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc), tại Khu công nghiệp Quang Minh_Ảnh: TTXVN

Theo đó, từ ngày 15/5/2021, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ học nghề theo 2 gói. Gói thứ nhất, dành cho người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, hưởng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo (hiện nay là 3 triệu đồng). Gói thứ hai, dành cho người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng linh hoạt, phù hợp để nhiều người lao động có “phao cứu sinh” khi bị ảnh hưởng về việc làm.

Đặc biệt, tháng 7/2021, Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành đã tạo cơ chế hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, các cơ quan hữu trách phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để vừa duy trì việc làm vừa nâng cao trình độ người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời gian tới. Nguồn kinh phí được lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng.

Với những sự chuẩn bị về chính sách và phương án như trên, người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị khó khăn và mất việc làm do ảnh hưởng của Covid -19 hoàn toàn có thể tìm được cơ hội việc làm mới, bảo đảm cuộc sống. 

 Lưu Thủy - TTTĐ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bao-hiem-that-nghiep-ho-tro-nguoi-lao-dong-chuyen-doi-nghe-hau-covid-19-179108.html