Bảo vệ bản quyền báo chí: Vấn đề cấp bách!

18/06/2021 17:16

Kinhte&Xahoi Hiện nay, việc sao chép, đánh cắp bản quyền trong lĩnh vực báo chí xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn, thậm chí có thể coi là vấn nạn trong thời đại internet... Việc vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đã để lại những hậu quả nghiêm trọng: Cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu bị ảnh hưởng; trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng lợi. Do đó, việc bảo vệ bản quyền báo chí đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu ý kiến tại Diễn đàn bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí.

Nhận diện thực trạng vi phạm bản quyền

 Để dẫn đến tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm còn hạn chế; các chủ thể quyền chưa chủ động áp dụng những biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang web có địa chỉ rõ ràng đến trang web không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản và mạng xã hội. Thực trạng hiện nay, một bài báo hay vừa xuất bản xong thì đã có rất nhiều báo, tạp chí khác “xào” lại, trang tin điện tử lấy lại hoặc xào xáo đi. Thậm chí có trang mạng xã hội cài phần mềm mặc định nên khi tin, bài của báo này vừa xuất bản thì sẽ tự động chuyển sang trang đó. Trong khi độc giả thì chỉ đọc và tin tưởng vào những trang ấy, không cần vào đọc trang chính thống nữa. Điều này dẫn đến những vi phạm và gây thiệt hại rất lớn cho các cơ quan báo chí.

Đơn cử như tại báo Kinh tế & Đô thị, theo thống kê sơ bộ phải đến quá nửa tin bài được đăng trên báo điện tử được/bị trích dẫn trên mạng. Báo Kinh tế & Đô thị với thế mạnh các tin tức về Hà Nội, đô thị, kinh tế, đặc biệt là kênh thông tin đối ngoại Hanoitmes - trang điện tử tiếng Anh duy nhất trong hệ thống báo chí của Thủ đô... đây cũng chính là những lĩnh vực bị vi phạm bản quyền nhiều nhất. Trong các loại hình vi phạm, phổ biến nhất là trích dẫn lại không được sự đồng ý của Báo. Cá biệt có trường hợp chỉ đổi tiêu đề, còn lại nội dung và ảnh trong bài giữ nguyên, nhưng không ghi nguồn. Trong trường hợp này, những trang trích dẫn lại cố tình đặt một tiêu đề rất giật gân nhằm câu view, thậm chí sai bản chất sự việc.

Các cơ quan báo chí phải hành động

Tại Việt Nam đã có hệ thống các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên tình trạng vi phạm bản quyền, đặc biệt là đối với các sản phẩm báo chí điện tử. Để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí, thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, điều quan trọng cần phải làm là các cơ quan báo chí phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền.

Bên cạnh đó, khi có hiện tượng vi phạm bản quyền, các cơ quan báo chí cần hình thành bộ phận lưu vết những vi phạm, đối chiếu thông tin, có kiến nghị bằng văn bản gửi lên cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; cam kết mạnh mẽ không vi phạm vấn đề bản quyền của nhau; liên kết với nhau và liên kết với các DN mạng cung cấp dịch vụ để thực hiện đúng quy định pháp luật về vấn đề bản quyền trên cơ sở chia sẻ quyền lợi, phát huy các thế mạnh. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xem xét, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới về xử lý bản quyền tác phẩm báo chí, tham khảo cách thức truy vết và bảo vệ bản quyền để có thể bảo vệ tốt nhất những sản phẩm trí tuệ của mình.

 Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị luôn có mặt tại những ''điểm nóng'' nhằm mang đến những tin tức nhanh nhất, trung thực và khách quan đến độc giả

Tính riêng từ năm 2017 đến nay, báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được gần 100 công văn xin trích dẫn thông tin. Ngoài các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử của hội, hiệp hội, cơ quan, sở ban ngành... còn có nhiều đề nghị từ phía các công ty truyền thông. Đây là những đơn vị được cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp. Trong trường hợp này, Báo đã giao bộ phận chuyên môn thẩm định tính hợp pháp, nội dung trang tin của đơn vị đề nghị. Với những trang tin “3 không” - Không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép, Báo Kinh tế & Đô thị đều từ chối công văn đề nghị trích dẫn thông tin.

Hiện nay, báo Kinh tế & Đô thị đã thành lập Tổ bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có nhiệm vụ thường xuyên thực hiện công tác giám sát, kịp thời ngăn chặn và bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí đăng trên các ấn phẩm của Báo. Đồng thời đề xuất các phương án hợp tác giữa báo Kinh tế & Đô thị với các đối tác trong lĩnh vực bản quyền báo chí.

Bảo vệ bản quyền - cần có tổ chức chuyên nghiệp

Có thể nói, hiện nay nhà báo, cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý báo chí chưa phát huy hết quyền của mình trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Chúng ta chưa đặt việc bảo vệ tài sản của mình là một nhiệm vụ quan trọng. Bản thân các báo có tài sản bị đánh cắp nhưng lãnh đạo lại xuề xòa cho qua, còn người đi ăn cắp lại thấy lấy dễ quá mà mình lấy một lần rồi không thấy ai nói thì ta cứ lấy thôi.

Về phần cơ quan quản lý cũng có những việc chưa làm được, một là có rất ít cơ quan báo chí trình báo, hai là chế tài xử phạt chưa rõ ràng. Chính vì vậy mà tình trạng vi phạm về bản quyền của báo chí ngày một trầm trọng nếu như chúng ta không giải quyết được những vấn đề kể trên. Đã đến lúc, các cơ quan báo chí phải tự cứu lấy mình để tài sản của mình không bị ăn cắp hoặc bị xâm hại.

Báo Tuổi Trẻ đã thành lập liên minh với 5 cơ quan báo chí để cùng ngăn chặn việc tác phẩm của báo mình bị ăn cắp. Nhiều đơn vị cũng thành lập được Tổ bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí nếu ra đời cần có một cách quản trị và xử lý khác biệt, chuyên nghiệp hơn. Tổ chức này sẽ được các cơ quan báo chí ủy quyền đứng ra đại diện cho họ để thực hiện công việc này. Trung tâm sẽ có tư cách pháp nhân, có sự đóng góp kinh phí từ các cơ quan báo chí để duy trì hoạt động, thậm chí các cơ quan báo chí còn có thể ủy quyền cho họ khai thác các dịch vụ hợp tác trong vấn đề tin tức.

Ví dụ, khi xảy ra vấn đề vi phạm bản quyền thì trung tâm này sẽ đứng ra tư vấn cho hai bên gặp nhau, đưa ra các phương án hòa giải, dàn xếp và tiến tới có thể hợp tác, mua bán thông tin của nhau. Trong tương lai cần phải có một đơn vị chuyên nghiệp như vậy tham gia, không thể để các cơ quan báo chí phải tự giải quyết. Đặc biệt, đối với những vi phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, vi phạm công nghệ đa phương tiện một cách phức tạp thì một tổ chức, một trung tâm chuyên nghiệp đứng ra để giải quyết sẽ thỏa đáng, minh bạch và công bằng. Thậm chí câu chuyện đó cũng đặt ra những hướng phát triển nguồn thu chính đáng cho các cơ quan báo chí có những sản phẩm tốt, có thể đạt được những thỏa thuận hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Liên quan đến vấn đề bản quyền báo chí, mới đây, Australia, Canada đã đưa ra dự luật báo chí mới, buộc các công ty công nghệ lớn phải trả tiền nội dung cho báo chí. Việc này đã khiến Facebook quyết định chặn tin tức ở Australia, tuy nhiên một thỏa thuận nhượng quyền đã được ký kết. Tiếp theo, đến lượt các nước châu Âu là Thụy Điển và Đan Mạch cũng chuẩn bị đưa ra luật mới cho phép các hãng tin đòi tiền khi nội dung báo chí của họ được chia sẻ trên các mạng xã hội… Dù chưa thể khẳng định cuộc chiến bản quyền này sẽ tiến diễn như thế nào, nhưng một điều thấy rõ, trong tương lai ngành báo chí thế giới sẽ có những hướng đi mới, dù đối thoại hay đối đầu, thì với bối cảnh công nghệ số hiện nay, giữa báo chí, các tập đoàn công nghệ và nhà mạng phải có mối quan hệ hợp tác, đôi bên cùng có lợi.

 Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bao-ve-ban-quyen-bao-chi-van-de-cap-bach-424006.html