Bất thường tại gói thầu Dự án Trang bị hệ thống truy nhập vô tuyến 3G Vinaphone

23/08/2019 11:05

Kinhte&Xahoi Tới 4/5 gói thầu được VNPT tổ chức đấu thầu có hàng loạt những dấu hiệu bất thường trong quá trình lựa chọn nhà thầu mặc dù các gói thầu trên đều được VNPT tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Dự án Trang bị hệ thống truy nhập vô tuyến 3G các tỉnh miền trung Vinaphone giai đoạn 2014-2015 được VNPT phê duyệt với tổng mức đầu tư 291.347.000.000 VNĐ. Căn cứ vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phê duyệt tại văn bản số 46/VNPT-HDTV-VT ngày 4/3/2015, dự án được phân chia làm 5 gói thầu chính.


Quyết định phê duyệt gói thầu “Vận chuyển thiết bị vô tuyến”, Dự án “Trang bị hệ thống truy nhập vô tuyến 3G900 MHz khu vực các tỉnh miền Trung mạng Vinaphone giai đoạn 2014-2015”.

Đơn dự thầu không hợp lệ “vẫn cho qua” 

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được Hội đồng thành viên VNPT, Dự án “Trang bị hệ thống truy nhập vô tuyến 3G900 MHz khu vực các tỉnh miền Trung mạng Vinaphone giai đoạn 2014-2015” bao gồm 5 gói thầu gồm thiết kế kỹ thuật và cung cấp hệ thống vô tuyến 3G 900 MHZ; Uỷ thác nhập khẩu; lưu kho bãi; vận chuyển thiết bị; bảo hiểm công trình. Tổng mức đầu tư của Dự án được VNPT phê duyệt 291.347.000.000 VNĐ.(Quyết định 46/QĐ-VNPT-HDTV-VT ngày 4/3/2015). 

Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi có, hàng loạt những dấu hiệu vi phạm liên quan đến hàng loạt gói thầu thuộc Dự án được VNPT tổ chức đấu thầu. 

Đơn cử, tại Gói thầu “Vận chuyển thiết bị hệ thống vô tuyến”, hình thức lựa chọn nhà thầu: Đấu thầu rộng rãi. Hình thức hợp đồng trọng gói. Chủ đầu tư là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, bên mời thầu Công ty Dịch vụ Viễn thông. 

Theo Biên bản mở thầu được Công ty Dịch vụ Viễn thông mở công khai ngày 18/5/2015 có 2 nhà thầu tham gia đấu thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) gồm Công ty cổ phần TIMESCOM Toàn Cầu và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và thương mại Thuận Thành. 

Tuy nhiên, Đơn dự thầu của cả hai nhà thầu trên không đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng (nội dung pháp lý quan trọng của đơn dự thầu gắn trách nhiệm của nhà thầu với HSDT trong quá trình đánh giá và ký kết hợp đồng trong trường hợp nhà thầu trúng thầu), vi phạm quy định Điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu quy định về tính hợp lệ của HSDT nhưng vẫn được tiếp tục “cho qua” để cho phép HSDT của 2 nhà thầu trên tiếp tục đánh giá ở các bước tiếp theo. 

Điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định, HSDT của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên và thời gian thực hiện gói thầu nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với để xuất kỹ thuật. Đồng thời, tại mẫu đơn dự thầu trong Hồ sơ mời thầu (HSMT) cũng yêu cầu nhà thầu ghi rõ thời gian thực hiện hợp đồng vì đây là nội dung pháp lý quan trọng của đơn dự thầu gắn trách nhiệm của nhà thầu với HSDT trong quá trình đánh giá và ký kết hợp đồng trong trường hợp nhà thầu trúng thầu.  

Tương tự, căn cứ Biên bản mở thầu của Gói thầu “Bảo hiểm công trình”, Đơn dự thầu của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng không đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng. Đáng chú ý, PTI là nhà thầu duy nhất tham gia đấu thầu gói thầu được VNPT tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước này. 

Tương tự, căn cứ Biên bản mở thầu Gói thầu “Lưu kho bãi”, Đơn dự thầu của các nhà thầu tham dự gồm Công ty Cổ phần TIMESCOM Toàn Cầu; Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và thương mại Thuận Thành đều không đề xuất thời thực hiện hợp đồng. 

Đối với Gói thầu “Uỷ thác nhập khẩu”, tại Đơn dự thầu của nhà thầu Công ty CP Viteco, nhà thầu này cũng không để xuất thời gian thực hiện hợp đồng theo quy định. 

Như vậy, tại 4 gói thầu được VNPT tổ chức đấu thầu rộng rãi thuộc Dự án “Trang bị hệ thống truy nhập vô tuyến 3G900 MHz khu vực các tỉnh miền Trung mạng Vinaphone giai đoạn 2014-2015”, hàng loạt HSDT của nhà thầu đều không hợp lệ, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, thế nhưng không hiểu căn cứ quy định nào của pháp luật mà VNPT bỏ qua và không loại những HSDT đã vi phạm để cho phép của các nhà thầu trên tiếp tục tham gia ở các bước tiếp theo trong quá trình tổ chức đấu thầu? 

Đáng chú ý, như bài trước “VNPT biến hoá Hồ sơ dự thầu Gói “Lưu kho bãi” thế nào?”,  chúng tôi đã đề cập về vấn đề này; đồng thời có sự việc nhà thầu tham dự một đằng, trúng thầu một nẻo tại Gói thầu “Lưu kho bãi” thuộc Dự án “ Nâng cấp và mở rộng hệ thống vô tuyến khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận mạng Vinaphone năm 2015”. 

Không tham dự nhưng vẫn được trúng thầu 

Gói thầu “Vận chuyển thiết bị hệ thống vô tuyến” Công ty cổ phần TIMESCOM Toàn Cầu đứng độc lập (căn cứ vào Biên bản mở thầu), nhưng báo cáo đánh giá HSDT của đơn vị chấm thầu và báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu cùng quyết định phê duyệt kết quả đánh giá gói thầu (số 1469/QĐ-VNP-Đth ngày 29/5/2015), Thông báo trúng thầu, nhà thầu trúng lại là liên danh Công ty cổ phần TIMESCOM Toàn Cầu – Công ty Cổ phần Quang Minh (MQC)– Công ty CP Tiếp vận Thành Vững (TVC). 

Tương tự, đối với Gói thầu “Lưu kho bãi”, tại thời điểm đóng thầu và biên bản mở thầu, nhà thầu Công ty cổ phần TIMESCOM Toàn Cầu tham dự thầu với tư cách nhà thầu độc lập, nhưng đến khi phê duyệt kết quả báo cáo đánh giá và báo cáo đánh giá của tổ thẩm định gửi chủ đầu tư VNPT, đại diện Bên mời thầu  lại có sự bổ sung “bất ngờ” của một nhà thầu khác là nhà thầu Công ty Cổ phần Quang Minh. 

Điều kỳ lạ, trong Báo cáo đánh giá Hồ sơ dự thầu của tổ chấm thầu và tổ thẩm định do VNPT thành lập đối với 02 gói thầu trên lại khẳng định, hồ sơ dự thầu của nhà thầu Công ty cổ phần TIMESCOM Toàn Cầu đã tuân thủ quy định về pháp luật và đề nghị VNPT phê duyệt trúng thầu đối với nhà thầu này. 

Trong khi đó, Nghị định 63/2014/NĐ-CP (Điều 14 khoản 3 điểm b và Điều 15 khoản 1) quy định việc đánh giá HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong HSMT, căn cứ vào HSDT đã nộp. Bất kỳ tài liệu nào nào được nhà thầu gửi đến sau thời điểm đóng thầu để sửa đổi, bổ sung HSDT đều không hợp lệ, trừ tài liệu nhà thầu nhà thầu gửi đến để làm rõ  HSDT theo yêu cầu của bên mời thầu để chứng minh năng lực kinh nghiệm, tư cách hợp lệ của nhà thầu. 

Dựa vào cơ sơ pháp lý nào mà chủ đầu tư lại đồng ý phê duyệt trúng thầu đối với hai nhà thầu Công ty Cổ phần Quang Minh (MQC) và Công ty CP Tiếp vận Thành Vững (TVC) trong khi 02 nhà thầu này không tham gia dự đấu thầu đối với Gói thầu “Vận chuyển thiết bị hệ thống vô tuyến”; cũng như đối với trường hợp Công ty Cổ phần Quang Minh trúng thầu Gói thầu “Lưu kho bãi”. 

Câu hỏi có sự can thiệp nào trong quá trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc 2 dự án có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ do VNPT làm chủ đầu tư vẫn là dấu hỏi lớn mà dư luận rất quan tâm.  

Vì sao với một dự án lớn như Dự án “Trang bị hệ thống truy nhập vô tuyến 3G900 MHz khu vực các tỉnh miền Trung mạng Vinaphone giai đoạn 2014-2015 với nhiều gói thầu lớn được tổ chức đấu thầu rộng rãi lại có nhiều những dấu hiệu làm trái quy định pháp luật. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh những khuất tất trong quá trình tổ chức đấu thầu tại các dự án thuộc tập đoàn VNPT.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Clip - Khiếp sợ cụ ông "tay lái lụa" tạt ngang đầu xe container

Kỹ năng sống | Một chiếc xe container đầu máy kéo theo cả một toa hàng như một toa tàu hỏa, khi tham gia giao thông trên đường hẹp, nhiều phương tiện đi lại phức tạp sẽ tạo ra vô số điểm mù xung quanh xe. Và đó đều tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro về tai nạn giao thông.

Nguồn: KD&PL