Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Phát triển du lịch là mấu chốt để Ba Vì phát triển

16/11/2021 15:17

Kinhte&Xahoi Phát triển du lịch là mấu chốt của huyện Ba Vì để kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân.

Sáng 16/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì về tình hình, kết quả công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Quang cảnh buổi làm việc

Thu ngân sách đạt 109% kế hoạch

 Theo báo cáo của huyện Ba Vì, năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng toàn huyện đã tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Cụ thể, tổng giá trị sản xuất năm 2021 ước đạt 26.080 tỷ đồng (bằng 79% kế hoạch). Tổng diện tích gieo trồng 3 vụ là 22.536ha (đạt 101% kế hoạch). Thu ngân sách của huyện đạt 302,718 tỷ đồng (đạt 109% kế hoạch TP giao), trong đó nguồn thu từ đất đạt 75 tỷ đồng (bằng 139% dự toán TP giao). Tổng chi ngân sách đạt 3.488 tỷ đồng và đảm bảo chi đầu tư phát triển, hoạt động thường xuyên cũng như phòng chống dịch Covid-19.

Trong năm 2021, huyện có 16 doanh nghiệp và 125 hộ kinh doanh đăng ký mới. Trên địa bàn hiện nay có tổng số 1.017 doanh nghiệp.

Trong năm, huyện đã chỉ đạo tổ chức thành công chương trình khai trương du lịch Ba Vì; Tổng đón được 725.000 lượt khách; Doanh thu ước đạt 110,5 tỷ đồng.

Đối với công tác xây dựng Nông thôn mới (NTM), huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh khâu đột phá về công tác xây dựng NTM và chú trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án năm 2021. Đến nay, 9/9 xã còn lại của huyện đã đủ điều kiện và hoàn thiện hồ sơ trình TP công nhận xã đạt chuẩn NTM; 30/30 xã đạt chuẩn NTM; 1 xã NTM nâng cao đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo tổ công tác của TP thẩm định và dự kiến hoàn thành xây dựng NTM nâng cao trong năm 2021. Huyện cũng chỉ đạo thực hiện đánh giá, phân hạng 54 sản phẩm OCOP năm 2021 đạt 3 sao trở lên và nâng tổng số sản phẩm toàn huyện lên 101 sản phẩm.

Đối với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 24/7 đến nay, huyện ghi nhận 11 trường hợp F0 (trong đó có 4 ca ngoài cộng đồng) và 168 F1; Đã tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định 342.333 liều. Trong đó, mũi 1 là 179.339 liều (đạt 98,27%) và mũi 2 là 162.994 liều (đạt 89,31%).

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của TP, từ ngày 8/11, huyện đã triển khai thí điểm cho học sinh khối lớp 9 trên địa bàn trở lại trường học. Theo đó, từ 8 – 11/11, có 30/35 trường, 109 lớp với 3.870/3.949 học sinh đi học (đạt 98%). Từ ngày 12 – 13/11, có 27 trường học trực tiếp (giảm 3 trường do có F0, F1). Đến ngày 15/11, có 34/35 trường với 3.888/3.949 học sinh đi học (bằng 98,47%).

Tại buổi làm việc, để thích ứng với công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, huyện Ba Vì kiến nghị TP cho phép huyện tổ chức cho tất cả các trường học trên địa bàn (trừ khối mầm non) được học trực tiếp tại trường học.

Huyện cũng kiến nghị thành phố sớm chỉ đạo triển khai dự án khắc phục sự cố sạt lở đê kè trên địa bàn huyện, nhất là tại điểm sạt lở mới ảnh hưởng đến chân đê tại xã Thái Hòa, Cổ Đô, Sơn Đà, Chu Minh, Đông Quang.

Đặc biệt, để kết nối giao thông của huyện với địa phương khác và tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, huyện đề nghị TP quan tâm tạo điều kiện cho phát triển một số tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện: Đường mòn Hồ Chí Minh đi qua huyện Ba Vì. Đường nối Quốc lộ 32 với đường Quốc lộ 32- Yên Kỳ- Hồ Suối Hai (đường dẫn vào Cầu Văn Lang kéo dài). Đường nối Quốc lộ 32 - Yên Kỳ- Hồ Suối Hai (giai đoạn 2). Đường hai bên sông Tích. Đường 40 km tuyến đê sông Hồng, Sông Đà…

Tập trung phát triển du lịch, nông nghiệp sinh thái

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

 Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá: Ba Vì có nhiều tiềm năng nổi trội, đặc biệt là du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, tâm linh... Ngoài ra, huyện cũng có tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh. Đây là những tiềm năng, lợi thế để định hướng phát triển cho huyện sau này.

Tuy vậy, theo Bí thư Thành ủy, trong những năm qua, sự cố gắng của huyện cùng với hỗ trợ của TP chưa đến nơi nên huyện chưa bật lên được. “Đây là điểm cần phải rút kinh nghiệm để huyện phải cố gắng, TP cũng phải cố gắng giúp huyện phát triển bật lên” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Cơ bản thống nhất với những đánh giá về hạn chế, tồn tại và phương hướng phát triển của huyện trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, huyện Ba Vì cần tiếp tục quan tâm, đổi mới công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Trong đó cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đề cao trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.

Huyện cần tăng cường xây dựng Đảng từ huyện đến cơ sở, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Làm tốt công tác tư tưởng, định hướng dư luận, nắm tình hình Nhân dân; Chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp theo Chỉ thị 15 và Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, nhất là các vụ việc liên quan đến quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong Vườn quốc gia Ba Vì.

Về phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, TP cần tập trung cao độ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cho Ba Vì, nhất là đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các di tích lịch sử, văn hóa... để tạo sức bật cho huyện phát triển. Muốn vậy, ngay từ đầu huyện phải quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch thật chặt chẽ.

“Với lợi thế về phát triển du lịch, bên cạnh việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, huyện cần đặc biệt quan tâm gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Trong đó, phát triển du lịch vẫn là mấu chốt của huyện để kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân. Cùng với đó, huyện cũng phải tập trung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, dịch vụ” - Bí thư Thành ủy phân tích.

Bí thư Thành ủy tin tưởng, với sự thống nhất, quyết tâm cao từ huyện đến TP tập trung phát triển cho huyện và Ba Vì sẽ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển “bật lên” trong thời gian tới.

Tú Linh; Ảnh: Viết Thành - TTTĐ

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phat-trien-du-lich-la-mau-chot-de-ba-vi-phat-trien-183105.html