Bình Dương: Phấn đấu 90% doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng 10

13/10/2021 10:11

Kinhte&Xahoi Sau thời gian thực hiện nới lỏng giãn cách, bước đầu Bình Dương ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới, nhanh chóng đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới, khôi phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra.

Bình Dương thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh để phục hồi sản xuất.

Với phương châm "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn", "An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn" Bình Dương đã triển khai nới lỏng giãn cách từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn. Được biết, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương chuẩn bị hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, tiến tới bình thường, dự kiến đến hết tháng 10/2021 có 90% số doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại.

Tính đến ngày 7/10/2021, trên địa bàn tỉnh có 4.216 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo các phương án sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" và "3 xanh" với 444.496 lao động (2.289 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với 314.354 lao động; 69 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp với 9.109 lao động và 1.858 doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp với 121.033 lao động). 

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc thiếu hụt lao động làm việc trong các doanh nghiệp da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… Nhiều doanh nghiệp có đa số chuyên gia, người lao động hiện sinh sống tại TP HCM. Tỉnh đã có ý kiến góp ý nhưng TP HCM vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chính thức để tạo điều kiện cho các trường hợp này quay lại Bình Dương làm việc.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: "Đối với Bình Dương - một tỉnh rất nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ mắc hơn 10% dân số và đã tiêm vắc xin mũi 1 cho gần 100% người dân và hơn 30% mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, tôi đề xuất bỏ dần các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp xã. Người nhiễm Covid-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành, tuy nhiên y tế địa phương phải theo dõi để chăm sóc. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly diện hẹp. Các ca F0 chuyển biến nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm vắc xin có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị. Khu điều trị Covid-19 nên chia làm 3 mức độ: Hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu Covid-19. Ngay khi các ca F0 đã có xét nghiệm âm tính cần chuyển tầng hậu Covid-19 để chăm sóc điều trị như các bệnh nhân thông thường. Khu điều trị cần rà soát về cung cấp Oxy hoá lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao và nhân lực đầy đủ. Đưa y tế tư nhân vào cuộc.

Bên cạnh đó, tỉnh cần sẵn sàng kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi khi được hướng dẫn. Tăng cường tiêm cho các công nhân, người lao động. Tổ chức lại các khu nhà ở cho công nhân và người lao động nhập cư. Khi phát hiện ca dương tính, chính quyền hỗ trợ cho khu nhà trọ để người nhiễm có thể ở riêng biệt, cách ly".

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao những tín hiệu tích cực của công tác phòng, chống dịch, thể hiện qua việc không phát sinh các ổ dịch mới, các điểm dịch cũ được kiểm soát, việc tiêm phủ vắc xin đạt tỷ lệ cao… Để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, phục hồi sản xuất trong trạng thái bình thường mới, Bí thư chỉ đạo các ngành và các địa phương cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống Trạm y tế lưu động; tổ chức lại công tác điều trị theo đề xuất của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu; cơ cấu lại các khu vực điều trị F0 trên tinh thần tiết kiệm...

Đảm bảo công tác xét nghiệm và trả kết quả nhanh; tiêm phủ vắc xin, ưu tiên cho người lao động của các doanh nghiệp "3 tại chỗ". Quản lý tốt người ra, vào tỉnh tại các chốt giáp ranh với các tỉnh, thành khác. Tuyên truyền, hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. Về an sinh xã hội, cần hỗ trợ đúng đối tượng, giải quyết cho những trường hợp còn sót; thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội tại các khu nhà trọ. 

Di Linh - Duy Trường - Pháp luật Plus




 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-duong-phan-dau-90-doanh-nghiep-se-hoat-dong-tro-lai-vao-cuoi-thang-10-d168516.html