Bộ Công Thương: Giá phân bón sẽ tiếp tục leo cao từ nay đến hết năm 2021

17/06/2021 22:57

Kinhte&Xahoi Nhận định về giá phân bón trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Lưu Hoàng Ngọc cho biết: “Giá phân bón năm 2021 sẽ tương tự giá phân bón năm 2008, sẽ tiếp tục đi lên”.

Giá phân bón trong thời gian tới là một trong những vấn đề được nhiều phóng viên, nhà báo quan tâm, đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công Thương tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/6.

 Quang cảnh buổi họp báo.

Lý giải về giá phân bón tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2021, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng thông tin: Từ năm 2017, Bộ Công Thương đã áp thuế tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu.

Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT - đơn vị đầu mối phụ trách mặt hàng phân bón theo dõi sát sao, phân tích nguyên nhân về mặt hàng phân bón trong thời gian vừa qua và nhận thấy rằng, giá phân bón tăng chủ yếu do các yếu tố giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng (chiếm chi phí lớn nhất của giá phân bón thành phẩm) và giá cước phí vận chuyển.

Cụ thể, đối với nguyên liệu sản xuất phân DAP là lưu huỳnh và amoniac giá tăng rất cao, giá về tới các nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần; giá cước phí vận chuyển tăng từ 3 - 5 lần (do dịch Covid-19, container rỗng bị thiếu trầm trọng đẩy giá cước vận tải biển tăng mạnh). Đây là nguyên nhân chính khiến giá các mặt hàng phân bón tăng mạnh không riêng gì phân DAP mà các loại phân Ure, Kali cũng tăng mạnh.

Ông Lê Triệu Dũng cho biết thêm: “Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT phối hợp đánh giá tình hình cung - cầu phân bón trong nước. Qua khảo sát thực tế cho thấy, nguồn cung phân bón, đặc biệt là mặt hàng phân bón DAP vẫn cung ứng đủ cho nhu cầu sản xuất trong nước. Cụ thể, thời gian qua, nhập khẩu phân DAP, MAP tăng 50%, sản xuất trong nước các loại phân bón này tăng khoảng 30%. So với các năm năm trước, nguồn cung hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất trong nước”.

“Đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP, khi chúng ta có mặt hàng sản xuất trong nước đối trọng với lượng phân bón nhập khẩu thì mức tăng giá của 2 loại phân bón này đã được kìm hãm đáng kể” - ông Lê Triệu Dũng khẳng định.

Hiện, giá phân bón DAP sản xuất trong nước đang dao động ở mức 18,5 - 19,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá phân bón DAP nhập khẩu dao động trong khoảng 14 - 15 triệu đồng/tấn. Vì vậy, việc có nguồn phân bón sản xuất trong nước để đối trọng với lượng phân bón nhập khẩu cũng là giải pháp, yếu tố kìm hãm mức tăng giá của mặt hàng DAP, MAP nói riêng và các mặt hàng phân bón nói chung.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan để đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ kiến nghị với Chính phủ các giải pháp hiệu quả nhằm ổn định cung cầu mặt hàng phân bón.

 Giá phân bón tăng cao được Bộ Công Thương lý giải do giá nguyên liệu và cước phí vận chuyển tăng.

Nhận định về giá phân bón trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Lưu Hoàng Ngọc cho biết: “Giá phân bón năm 2021 sẽ tương tự giá phân bón năm 2008, sẽ tiếp tục đi lên”.

Yếu tố chính đẩy giá phân bón tăng là do giá container tăng cao, trong khi vận chuyển các loại phân bón nhập khẩu như DAP, MAP, Urea chủ yếu vận chuyển bằng container.

Đơn cử như các loại phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị đánh thuế xuất khẩu tăng cao đến hơn 30%. Do Trung Quốc thực hiện chính sách mỗi khi nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước tăng thì Trung Quốc sẽ tăng thuế xuất khẩu đối với các nước nhập khẩu.

“Theo nhận định của chúng tôi, giá phân bón sẽ tiếp tục leo cao từ giờ đến cuối năm 2021” - ông Lưu Hoàng Ngọc cho hay.

 Ánh Ngọc - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bo-cong-thuong-gia-phan-bon-se-tiep-tuc-leo-cao-tu-nay-den-het-nam-2021-423982.html