Bỏ Sổ hộ khẩu từ 1/7/2021: Có thể thực hiện được?

17/06/2020 09:16

Kinhte&Xahoi Chiều 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Cư trú sửa đổi. Nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm đồng tình với việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, do hiện nay mới cấp được hơn 18 triệu mã số định danh cá nhân nên khó có thể thực hiện Luật được từ 1/7/2021.

Toàn cảnh buổi họp Quốc hội khóa XIV Kỳ họp lần thứ 9

Cần có lộ trình

Dù đồng tình với việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân nhưng nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ra lo ngại liệu Luật có thực hiện được từ 1/7/2021.

ĐB Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho rằng, khi thay đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành; tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Theo ĐB Đức, các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Trong khi đó, theo quy định của Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Tuy nhiên, đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân. Do vậy, phải cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân vào tháng 12/2020.

“Vậy thời gian còn nửa năm nữa liệu có kịp thực hiện, hoàn thành hay không? Nếu không làm được 2 vấn đề trên thì khi bỏ Sổ hộ khẩu sẽ gây ách tắc, xáo trộn trong hoạt động của cơ quan nhà nước và nhân dân. Do đó, việc bỏ Sổ hộ khẩu cần có lộ trình và vẫn công nhận song song hai hình thức khi chưa cấp xong mã số định danh cá nhân”, ĐB đoàn Cao Bằng nói.

Đồng quan điểm, ĐB Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, theo quy định của Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an thống nhất quản lý và cấp cho mỗi công dân Việt Nam. Dự kiến Luật sẽ thực hiện từ 1/7/2021. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện  mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân.

 ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) phát biểu.

Tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân

“Vậy tính khả thi thế nào vì cấp đủ mã số định danh cá nhân thì luật mới có tính khả thi trong cuộc sống”, ĐB nói và cho rằng việc chuyển hình thức quản lý từ Sổ hộ khẩu sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân cần nhiều thời gian hơn nữa. Thêm vào đó, hiện nay, trong các giao dịch dân sự của người dân vẫn dùng thông tin của Sổ hộ khẩu. Do đó, ĐB đề nghị cần có quy định chuyển tiếp để tránh gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện.

Theo phân tích của ĐB Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang), việc bỏ Sổ hộ khẩu sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân sẽ giúp giảm chi phí cho người dân đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, việc bỏ Sổ hộ khẩu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vì đây hiện đang là cái không thể thiếu trong giao dịch của người dân; khi bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực. 

Theo ĐB Lịch, qua rà soát sơ bộ thấy rằng có 27 thủ tục hành chính quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Do đó, cần tính toán để không gây xung đột khi thực hiện các thủ tục hành chính này.

“Chưa kể, nếu được thông qua, Luật sẽ áp dụng từ 1/7/2021 và việc cấp mã số định danh cá nhân phải hoàn thành trong tháng 12/2020. Vì thế, cần có giải pháp thay thế khi không còn Sổ hộ khẩu để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước”, ĐB nói.

ĐB Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - cũng chỉ ra rằng lộ trình đến tháng 12/2020 phải xác định xong toàn bộ mã số định danh cá nhân. Hiện mới cấp được 18 triệu người và còn 80 triệu người chưa được cấp.

ĐB Trần Thị Dung.

Còn ĐB Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) nhận định, sự thay đổi phương thức quản lý dân cư mới, bỏ Sổ hộ khẩu đã tồn tại suốt 70 năm qua thay bằng mã số định danh cá nhân là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu hướng chung của thế giới. “Đây là công việc mất nhiều thời gian, đòi hỏi tính chính xác. Chưa kể cần phải bố trí nguồn lực 3.000 tỷ đồng để cấp mã số định danh cá nhân. Hiện đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách khó khăn nên phải cần thời gian để bố trí để nguồn lực trên. Do đó, dự kiến áp dụng Luật từ 1/7/2021 là khó có thể thực hiện được”, ĐB lo ngại.

Phương thức quản lý mới về dân cư góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư; cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân.

“Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để khai thác thông tin, tiết lộ bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú trái pháp luật”, ĐB kiến nghị.

ĐB Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) đề nghị cần bổ sung việc cấm các cơ quan đơn vị ban hành các văn bản dựa vào giấy tạm trú của người dân vào các hành vi cấm trong Dự thảo Luật. ĐB cũng đề nghị bổ sung việc áp dụng khoa học công nghệ vào trong quản lý cư trú. 

Tuệ Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sức sống, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi trường tồn!

Tư tưởng Hồ Chí Minh không những có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn góp phần tích cực trong các bước tiến của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đây là nhân tố không thể thiếu trong tư duy và hành động của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hó a, hiện đại hóa đất nước giai đoạn tới.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bo-so-ho-khau-tu-1-7-2021-co-the-thuc-hien-duoc-d127286.html