Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tình trạng công chức, viên chức thôi việc đồng loạt cần được nhìn nhận nghiêm túc

27/10/2022 19:00

Kinhte&Xahoi Sáng 27/10, tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc tiếp tục làm nóng nghị trường. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo số liệu tổng hợp từ UBND 63 tỉnh, thành và các Bộ, ngành Trung ương, từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 có 39.552 công chức, viên chức thôi việc, chiếm 1,94% tổng biên chế công chức viên chức.

Trong đó số công chức thôi việc là 4.029, chiếm 10%, viên chức là 35.532 người, chiếm 90%. Số thôi việc ở Trung ương là 18%, địa phương 82%.

Theo vùng: Đông Nam Bộ có 37,36%; Đồng bằng Sông Cửu Long là 22,88%; Đồng bằng Sông Hồng chiếm 14,41%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung chiếm 10,92%.

TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương có số nghỉ việc nhiều nhất. Số nghỉ việc ở đơn vị sự nghiệp giáo dục là 41,53%, sự nghiệp y tế 30,84%.

Trong khi đó, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng mới là 143.961 người, trong đó có 18.867 công chức, 124.104 viên chức. Số viên chức giáo dục được tuyển là 74.495, còn y tế 38.147.

“Số liệu trên cho thấy số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế công chức, viên chức là không lớn nhưng lại tập trung vào 2 lĩnh vực giáo dục và y tế. Điều này là thách thức cho sự nghiệp công trực tiếp chăm lo nhân tố con người, vì sự tiến bộ, công bằng”, bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Hơn nữa, số thôi việc đa số từ 40 tuổi trở xuống, trên 50% có trình độ đại học trở lên và tập trung ở thành phố lớn phát triển nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân phát triển, dịch vụ công ngoài nhà nước phát triển, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng dẫn số liệu nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải tình trạng này trong hơn 2 năm đối diện với dịch bệnh.

Về nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu.

“Việc dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực tư là khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta, tạo động lực thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng ở thị trường lao động khu vực công và tư”, bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bên cạnh đó, quá tình cơ cấu nền kinh tế, các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ công, nhất là y tế, giáo dục; Tạo cơ hội, điều kiện ra - vào thường xuyên theo cung cầu lao động và yêu cầu xu thế tự chủ xã hội hoá sự nghiệp công. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tỷ lệ lao động ra khu vực tư ở lĩnh vực giáo dục không cao.
 
Ngoài ra, hơn 2 năm đại dịch tác động sâu rộng mọi mặt, ảnh hưởng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và người lao động, làm thay đổi lớn loại hình công việc, phương thức làm việc và nhận thức việc làm, cuộc sống. Khu vực tư có chính sách hấp dẫn thu hút lao động, trong đó có công chức, viên chức.

“Việc chuyển dịch trên có yếu tố tích cực, thúc đẩy khu vực công cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, hướng tới cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, số thôi việc đồng loạt trong 2 năm qua là điều cần ghi nhận nghiêm túc và là vấn đề đáng quan ngại”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Nữ Bộ trưởng cũng chỉ ra các nguyên nhân khác như: Tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với vị trí công việc cùng tình độ ở khu vực tư; Áp lực công việc ngày càng cao, nhất là với viên chức y tế; Giáo dục đổi mới phương thức làm việc, sách giáo khoa phổ thông trong khi các điều kiện thực hiện còn khó khăn.

Môi trường làm việc một số nơi chưa tạo động lực, cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực, sở trường. Quản trị khu vực công chưa có thay đổi lớn, cơ bản theo thói quen, lề lối cũ, trong khi khu vực tư khích lệ người làm việc, ghi nhận kịp thời giá trị đóng góp của người lao động.

Nhiều cơ quan đơn vị chưa quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để công chức, viên chức làm việc trách nhiệm, tích cực; Một số công chức, viên chức tự chuyển biến, tự chuyển hoá, vi phạm về pháp luật, đạo đức làm ảnh hưởng danh dự và uy tín khu vực công....

Về giải pháp, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh điều đầu tiên phải cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, trước mắt tại kỳ họp này Quốc hội sẽ điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng 20,8% đã tạo tín hiệu vui và thực hiện từ 1/7/2023 là hợp lý.

Cùng với đó tiếp tục có hệ thống thể chế để cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; Rà soát, đổi mới tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bố trí cán bộ công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả hơn nữa; Sớm xây dựng chính sách thu hút và trọng dụng tài năng; Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, uy tín, gương mẫu tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức; Xây dựng môi trường văn hoá công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, có điều kiện thể hiện tài năng, phát huy sự năng động, sáng tạo của công chức, viên chức...

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tinh-trang-cong-chuc-vien-chuc-thoi-viec-dong-loat-can-duoc-nhin-nhan-nghiem-tuc-209090.html