Các dự án điện gió được giải nguy

15/10/2021 11:13

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh nhiều dự án điện gió chậm tiến độ, không kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng giá FIT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có động thái giải nguy.

Ngày 14/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (EVNNLDC) và Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) về việc công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và vận hành các dự án nhà máy điện gió.

Ảnh minh họa

Theo đó, EVN yêu cầu EVNEPTC thực hiện công nhận COD các dự án nhà máy điện gió theo đúng các điều kiện tại hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký.

Đối với các dự án chưa có “văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng,” EVN ủy quyền cho EVN EPTC thực hiện đàm phán hợp đồng sửa đổi bổ sung theo quy định; trong đó bổ sung cam kết của bên bán điện.

Cụ thể, bên bán điện cam kết tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình (bao gồm cả việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Trường hợp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có ý kiến về việc bên bán điện chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, bên mua điện có quyền từ chối công nhận hoặc hủy bỏ công nhận COD, ngừng mua điện và yêu cầu bên bán điện hoàn trả toàn bộ tiền điện mà bên mua điện đã thanh toán cho bên bán điện tính từ ngày COD, bao gồm cả tiền lãi (nếu có).

Đồng thời, bên bán điện cam kết thực hiện theo ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và hoàn trả cho bên mua điện toàn bộ tiền điện mà bên mua điện đã thanh toán, tính từ ngày COD, bao gồm cả tiền lãi (nếu có).

Bên cạnh đó, bên bán điện cam kết tuân thủ, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nếu xảy ra trường hợp nêu trên.

Đối với các hợp đồng sửa đổi bổ sung chỉ bổ sung cam kết của bên bán điện như đã nêu trên, EVN giao EVNEPTC đàm phán, ký kết và thực hiện.

Với EVNNLDC, EVN yêu cầu đơn vị chỉ đưa dự án nhà máy điện gió vào vận hành sau khi đã được công nhận COD và có “văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”.

Văn bản này thay thế văn bản số 5375/EVN-TTĐ ngày 1/9/2021 của EVN về bổ sung hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại nhà máy điện gió.

Trước đó, tại văn bản số 5375/EVN-TTĐ gửi chủ đầu tư các dự án điện gió, EVN đã đề nghị bổ sung trong hồ sơ công nhận Ngày vận hành thương mại "văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng".

 Tính đến cuối tháng 9/2021 đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD), với tổng công suất đăng ký thử nghiệm là 5655,5MW.

Trong khi đó, tính đến ngày 30/9/2021 mới chỉ có 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 272,4MW được công nhận COD.

Trong đó, gồm Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn 2 công suất 42,2MW; Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận (46,2MW); Điện gió 7A (33,4MW); Nhà máy điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 2 (50MW); Nhà máy điện gió Ea Nam (12,6MW) và Nhà máy BIM với công suất 88MW.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cac-du-an-dien-gio-duoc-giai-nguy-180368.html