Các làng nghề ở Ninh Bình tất bật chuẩn bị hàng phục vụ Tết

11/01/2025 20:58

Kinhte&Xahoi Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng tăng cao của người dân dịp cuối năm, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết.

Tại TP Ninh Bình, các làng nghề sản xuất, chế tác gỗ cho biết, so với năm trước, lượng đơn hàng năm nay tăng đáng kể, đặc biệt là những sản phẩm phục vụ cho các công trình xây dựng và tâm linh có quy mô lớn. Thời gian qua, các đơn vị liên tục tuyển thêm thợ tay nghề cao để đáp ứng kịp các đơn hàng lớn đặt trước và sau Tết Nguyên đán.

Cơ sở sản xuất, chế tác gỗ tại làng nghề Ninh Phong, TP Ninh Bình.

Làng nghề Ninh Phong có hơn 200 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 700 lao động địa phương. Những năm gần đây, ngoài những công đoạn làm bằng tay, nhiều hộ đã sử dụng máy móc thiết bị hiện đại vào việc sản xuất, nhờ vậy năng suất lao động tăng cao, tiết kiệm thời gian, công sức.

Làng nghề mộc Phúc Lộc ở phường Ninh Phong, TP Ninh Bình nổi tiếng với bề dày lịch sử, cùng tay nghề chạm trổ hoa văn khéo léo của các nghệ nhân. Hiện nơi đây có gần 300 cơ sở, hộ sản xuất nghề mộc, trong đó nhiều xưởng quy mô lớn, trang bị đầy đủ thiết bị máy móc hiện đại, sản xuất sản phẩm cao cấp.

Vào dịp cuối năm, sức mua của người dân tăng cao, mặt hàng mộc mỹ nghệ được nhiều người dân ưa chuộng. Mặt hàng được sản xuất ở làng nghề mộc Phúc Lộc đa số là hàng thông dụng như: giường, tủ, bàn, ghế, sa lông, cửa, chấn song, tay vịn cầu thang bằng gỗ và hàng trang trí nội thất… có chất lượng cao, mẫu mã rất đẹp.

Những ngày cuối năm, không khí tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư) cũng tất bật hơn hẳn. Bất kể ngày đêm, những người thợ đá phải tranh thủ tối đa thời gian để kịp hoàn thành đơn hàng cho khách.

Xã Ninh Vân có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được Nhà nước công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống.

Sản phẩm ở làng đá mỹ nghệ Ninh Vân phong phú, đa dạng như tượng đài, lăng mộ, nhà thờ, tượng Phật, lư hương, cuốn thư, hoành phi... Từ những tảng đá xù xì, người thợ đá Ninh Vân đã chế tác ra những sản phẩm đá mỹ nghệ độc đáo được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Cũng trong không khí lao động nhộn nhịp, tại làng nghề ẩm thực Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, bắt đầu từ tờ mờ sáng, người dân đã nổi lửa, luôn tay luôn chân, tất bật chuẩn bị các nguyên liệu làm bún, bánh. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các gia đình tận dụng thời gian tăng tốc sản xuất, để kịp giao hàng, phục vụ thị trường dịp cuối năm.

Ninh Bình hiện có 77 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Thời gian qua, sự hỗ trợ của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã góp phần quan trọng trong việc khơi dậy sức sống ở các làng nghề. Qua đó tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Càng gần cuối năm, không khí làm việc tại các làng nghề truyền thống càng sôi động. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm truyền thống ở các làng nghề tăng cao, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề. Không khí phấn khởi, khẩn trương trong những ngày này chính là minh chứng cho việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp lâu đời, đã và đang đem lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

kinhtedothi.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://kinhtedothi.vn/cac-lang-nghe-o-ninh-binh-tat-bat-chuan-bi-hang-phuc-vu-tet.html