Các ngân hàng tăng lãi suất để huy động vốn

17/02/2022 11:35

Kinhte&Xahoi Nền kinh tế đang từng bước phục hồi, cũng là lúc hệ thống ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao phục vụ sản xuất, kinh doanh. Để tiếp tục thu hút mạnh nguồn vốn, nhiều ngân hàng không ngần ngại tăng lãi suất huy động.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh: Nhật Nam

Rục rịch tăng từ tháng 1, nhưng đặc biệt kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh việc tăng lãi suất huy động. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khách hàng nhận được lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm Prime Savings trên Ngân hàng số VPBank Neo. Còn tùy theo kỳ hạn và sản phẩm tiết kiệm khác, lãi suất huy động tại VPBank tăng 0,5-0,7%/năm so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng được niêm yết lãi suất 6,2%/năm, còn gửi 6 tháng là 5,5%/năm.

Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), lãi suất gửi, tiết kiệm online cao hơn 0,8%/năm so với gửi tại quầy. Theo bảng lãi suất mà MSB đang niêm yết, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 5,6% cho kỳ hạn 12 tháng; còn 5-5,3%/năm cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Hay như với Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất tiền gửi cũng tăng 0,2-0,5%/năm, lên mức cao nhất 5,8%/năm với kỳ hạn 36 tháng; tiếp đến là mức 5,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng không đứng ngoài cuộc đua huy động vốn. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), khách hàng gửi tiết kiệm online được cộng thêm 0,3-0,4%/năm so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2-0,4/năm, tùy theo kỳ hạn gửi. Theo đó, lãi suất cao nhất 6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 12-36 tháng; kỳ hạn 9 tháng là 4,4%/năm.

Nhiều ngân hàng khác lại triển khai các chương trình tặng quà, hoặc ưu đãi cho khách hàng gửi tiền. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tặng khách 100.000 đồng khi gửi tiết kiệm tại quầy.

Về xu hướng lãi suất của năm 2022, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Chí Quang cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều hành ổn định lãi suất dựa trên diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Đối với lãi suất huy động sẽ tiếp tục ổn định. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành bảo đảm hài hòa quyền lợi của người gửi tiền và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng nhằm đáp ứng kế hoạch khai thác vốn cũng như cơ cấu nguồn vốn giữa các kỳ hạn cho phù hợp. Ngoài ra, ngân hàng cũng cần có thêm nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau đợt dịch Covid-19. Bởi, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 28-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy định về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình hồi phục kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua; cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng… Dư nợ tín dụng của gói hỗ trợ lãi suất này tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng dự kiến 14% so với năm 2021, tương ứng lượng vốn đưa ra thị trường khoảng 1,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11,86 triệu tỷ đồng. Do đó, ngân hàng cần đẩy mạnh huy động nguồn vốn cho vay. “Nguồn vốn tín dụng năm 2022 sẽ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Lãi suất điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Đào Minh Tú khẳng định.

 Hà Linh - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sắc xuân tràn ngập phố phường Thủ đô

Hà Nội ngày cuối năm mang lại cho chúng ta thật nhiều cảm xúc. Mong cho ai cũng tìm thấy sắc xuân trong lòng mình tại nơi đây. Và sau tất cả những khó khăn, chúng ta sẽ lại hy vọng về một năm mới mang lại nhiều điều bình an và may mắn đến với mọi nhà.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tai-chinh/1024922/cac-ngan-hang-tang-lai-suat-de-huy-dong-von