Cần cơ chế, chính sách thuận lợi cho mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ

08/11/2021 20:49

Kinhte&Xahoi Mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ rất thành công ở nhiều nước trên thế giới và đã tạo ra doanh thu khá lớn, nhiều việc làm cho xã hội, đồng thời lan tỏa tinh thần, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội)

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đề xuất tại phiên thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 vào sáng 8/11.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Chính phủ, Quốc hội dành sự quan tâm đầy đủ, dành nguồn lực thích đáng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đây là nền tảng cốt lõi.

Đặc biệt ở giai đoạn trong và sau dịch Covid-19, Chính phủ cần phải có giải pháp thiết thực về giống, về logistics, về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và về nguồn lực tài chính để hỗ trợ phục hồi ngay khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân dễ bị tổn thương này.

Quốc hội và Chính phủ cần có chương trình hành động, có giải pháp đột phá theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50 của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Để có thể phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn về trí tuệ, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo này, trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu đã kiến nghị với Quốc hội về một số chính sách chung để thúc đẩy sự phát triển đổi mới sáng tạo trong trường đại học, viện nghiên cứu. Trong đó đề cập đến tầm quan trọng và lợi ích của mô hình spin-off tạm gọi là mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ.

Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ là doanh nghiệp được hình thành trong trường đại học để thương mại hóa những kết quả nghiên cứu do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế. Mô hình này đã rất thành công ở nhiều nước trên thế giới và đã tạo ra doanh thu khá lớn, nhiều việc làm cho xã hội, đồng thời lan tỏa tinh thần, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, trong thời gian chờ sửa đổi luật, đề nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách thuận lợi cho mô hình spin-off, trong đó cho phép các nhà khoa học được tham gia vào Ban quản lý điều hành doanh nghiệp spin-off để làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo sản phẩm mới, chất lượng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị giao quyền cho các cơ sở nghiên cứu, trường đại học quyết định khai thác, sử dụng các sản phẩm đề tài nghiên cứu từ nguồn ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư để nghiên cứu.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/can-co-che-chinh-sach-thuan-loi-cho-mo-hinh-doanh-nghiep-khoi-nguon-cong-nghe-182437.html