Căng mình chống dịch, nhưng đừng hoang mang

06/02/2020 10:48

Kinhte&Xahoi Mấy ngày nay, tôi liên tục nhận được các tin nhắn e ngại và động viên của bạn bè về việc làm việc tuyến đầu nguy hiểm quá, vụ dịch virus Corona (nCoV) này nguy hiểm quá!

Các y bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời những trường hợp khẩn cấp

Tôi vẫn cười xòa bảo các bạn rằng, công việc vẫn thế chẳng có xáo trộn gì cả. Qua Tết, lượng bệnh nhân đến viện cấp cứu vẫn đông hơn thường ngày. Các bác sĩ và nhân viên trong khoa vẫn làm việc quần quật như thường nhật. Vẫn đeo khẩu trang, mũ và rửa tay liên tục như ngày thường. Chỉ khác là, có thêm 1 vị trí phân loại người bệnh có yếu tố nguy cơ để hướng dẫn họ vào đúng nơi để sàng lọc. Mọi người có ý thức hơn trong vệ sinh, bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Vậy thôi!

Các bạn lại hỏi: “Tưởng hỗn loạn lắm cơ mà?”

Để có được câu trả lời đơn giản ấy, ngành Y đã phải đương đầu không biết bao nhiêu đợt dịch bệnh nguy hiểm. Điểm danh khoảng 15 năm gần đây đã có dịch SARS năm 2003; dịch H1N1 năm 2009; dịch MERS năm 2012; dịch sởi năm 2014... Rồi các đợt dịch sốt xuất huyết liên tục xuất hiện từng vùng trong cả nước với những biến chứng khó lường. Và trước mỗi lần có dịch, nhân viên y tế chúng tôi lại lặng lẽ sẵn sàng đương đầu với chúng. Nhiều người hỏi cảm giác sau mỗi đợt dịch được ngăn chặn thành công các anh chị có vui không? Câu trả lời thực tế nhất là mệt, rất mệt!

Năm 2019 vừa qua đi với cúm A thì chúng ta lại hứng chịu 1 chủng virus Corona mới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ký hiệu là 2019-nCoV. Cùng họ với SARS và MERS.

“Là một bác sĩ, tôi luôn có con mắt nhìn tích cực trong mọi tình huống. Không phải để coi thường sự nguy hiểm của dịch bệnh, mà vốn dĩ sự chia sẻ quá nhiều hình ảnh u ám, các con số không thu được gì ngoài sự bất an và sợ hãi. Thay vì bấn loạn, hãy bình yên cùng chống dịch và làm theo các chỉ dẫn của cơ quan chức năng và các chuyên gia”.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) 

Tính đến ngày 5-2-2020 đã có tổng số 24.500 người dương tính với nCoV, trong đó 492 người đã tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 2%, tuy thấp hơn những đợt dịch trước đây nhưng mức độ lây lan dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều. Đã có hơn 20 quốc gia thông báo có người nhiễm “con nCoV” này, do vậy cũng không thể xem nhẹ.

Nếu chỉ nhìn vào các con số, thì thấy quả rất khủng khiếp, hàng nghìn người mắc mỗi ngày và thông báo hàng trăm người chết. Những ngày gần đây, tại tâm dịch ở Vũ Hán tuy con số thống kê tăng lên, nhưng tỷ lệ mắc mới đang có xu hướng chững lại, số người khỏi bệnh tăng lên, tỷ lệ tử vong giảm xuống. Đó là dấu hiệu tích cực đáng để hy vọng, có lý do gì khiến chúng ta phải hoang mang?

Các đồng nghiệp của tôi đang phải căng mình chống dịch, vừa theo dõi cách ly những người có yếu tố nguy cơ, vừa theo dõi sát tình hình phát triển dịch trên thế giới từng ngày để dự báo diễn biến phù hợp, từ đó đưa ra các ý kiến tham khảo cho các quyết định lớn hơn mang tầm quốc gia. Chỉ 1 dự báo sai lầm có thể làm hỏng 1 quyết định, ảnh hưởng đến cả hệ thống kinh tế và chính trị quốc gia. Vậy nên hết sức căng thẳng và mệt!

Bác sĩ Ngô Đức Hùng

Tỉnh táo trước những thông tin không được kiểm chứng

Trước đây, mạng xã hội chưa phát triển, các vụ dịch diễn ra ít ầm ĩ hơn, ít tin giả hơn và người dân bớt hoang mang hơn. Vài năm trở lại đây, hệ thống mạng xã hội phát triển và trở thành 1 hệ thống thông tin rộng lớn. Mặt tốt của nó là giúp mọi người chia sẻ thông tin nhanh chóng và minh bạch hơn. Trong số đó có mặt tối, nếu không tỉnh táo chúng ta rất dễ bị cuốn vào những luồng thông tin không được kiểm chứng. Chỉ 1 nút bấm, nguồn tin ấy được chia sẻ cho nhiều người đọc, cứ thế nó lan đi như vết dầu loang mà chẳng mấy ai để ý nó đến từ đâu. 

Với tư cách là 1 bác sĩ và là người tham gia mạng xã hội, chưa bao giờ tôi thấy tin giả xuất hiện rầm rộ và nhiều như lần này. Người ta đua theo “trend corona” để bán hàng, để “câu view”. Đến độ bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ rằng: Một đêm có hàng trăm cuộc gọi đường dây nóng nhưng chỉ có 3 cuộc gọi của tuyến dưới thật sự cần tư vấn phòng dịch, hầu hết là trêu chọc hoặc hỏi những điều không cần thiết. Khi anh chia sẻ câu chuyện này, vẫn có hàng loạt bình luận xấu xí chỉ để thỏa mãn “cơn khát” làm người phán xét của mình.

Rồi có người vào hẳn bệnh viện hoạnh họe nhân viên đeo khẩu trang để đăng clip lên mạng “lấy số”. Tôi gọi đó là tận cùng của sự vô văn hóa và thiếu hiểu biết.

Tại các quán nước, quán cà phê, tôi nhiều lần thấy mọi người mặc sức bàn tán các nguồn tin từ mạng xã hội Facebook, Zalo… không có kiểm chứng rồi mặc sức thêm thắt thông tin, để tăng độ tin cậy, họ lôi “có người nhà bác sĩ bảo thế”. Và tội lỗi lại đổ lên đầu các nhân viên y tế vô tội.

Sự hoang mang và sợ hãi bị đẩy lên đến mức chính một điều dưỡng tham gia chống dịch vừa phải làm khối lượng công việc lớn hơn thường ngày, tối mệt mỏi về nhà trọ thì suýt bị đuổi đi vì “nó làm ở viện có dịch nên sợ bị lây”. Rồi đi đâu cứ nghe đến chuyện mình làm việc ở nơi có dịch là mọi người lặng lẽ đi mất.

Khi lên tiếng phản bác những nguồn tin không chính xác, ngay lập tức tôi bị tấn công bằng những bình luận (comment) độc địa như: “Tao mang virus Corona cho mày hít xem có lây không”... Các đồng nghiệp tôi cũng bị tấn công tương tự. Dường như họ đang muốn nhìn một xã hội u ám hơn là tươi sáng chăng (?!). 

Cần chung sức với ngành Y chống lại tin giả

Đợt dịch này cũng giống như bao đợt dịch khác trong quá khứ, “con virus” này cũng vậy. Dù cho khả năng lây lan rất nhanh, nhưng cả hệ thống chính trị và y tế cùng vào cuộc, nâng mức cảnh báo cao hơn 1 bậc để khoanh vùng, cách ly và theo dõi các yếu tố và cá nhân nguy cơ phơi nhiễm với nguồn lây bệnh. Chưa kể, sự hợp tác quốc tế đang rất tốt, lần đầu tiên chỉ trong 1 tháng các nhà khoa học đã giải mã toàn bộ bộ gen của nCoV. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã được cung cấp đoạn gen mồi giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm còn 24 giờ. Đây là tín hiệu tốt. Vậy có lý do gì để hoảng loạn (?!). 

Khi mỗi đợt dịch bệnh qua đi, các “con virus” mới này sẽ lại gia nhập vào đội ngũ các virus gây bệnh khác, 2019-nCoV cũng không nằm ngoại lệ. Là một bác sĩ, tôi luôn có con mắt nhìn tích cực trong mọi tình huống. Không phải để coi thường sự nguy hiểm của dịch bệnh, mà vốn dĩ sự chia sẻ quá nhiều hình ảnh u ám, các con số không thu được gì ngoài sự bất an và sợ hãi. Thay vì bấn loạn, hãy bình yên cùng chống dịch và làm theo các chỉ dẫn của cơ quan chức năng và các chuyên gia.

Trong mỗi thảm họa, ngoài vấn đề chuyên môn, việc kiểm soát và minh bạch thông tin là điều hết sức quan trọng. Nó giúp trấn an người dân để họ không hoang mang và sẵn sàng làm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Lúc này, chúng tôi rất cần hệ thống truyền thông chung sức với ngành Y chống lại tin giả để mọi người bớt lo lắng, các bác sĩ mới yên tâm cống hiến hết mình vì người bệnh.

Các bạn đừng đẩy ngành Y phải đơn độc trong cuộc chiến này!

Bác sĩ Ngô Đức Hùng hiện đang công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai; giảng viên Bộ môn Hồi sức cấp cứu, trường Đại học Y Hà Nội; tác giả của cuốn sách được nhiều độc giả yêu thích “Để yên cho bác sĩ hiền” xuất bản năm 2019. Đầu tháng 1-2020, cuốn sách thứ 2 về cách xử lý ban đầu giúp kiểm soát các tai nạn thường gặp có tên gọi “3 phút sơ cứu” của bác sĩ Ngô Đức Hùng đã được ấn hành.  


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cao ốc Hà Nội đo thân nhiệt từng khách, phun khử trùng 2h/lần phòng nCoV

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm do virus corona gây ra, nhiều chung cư, tòa nhà tại thành phố Hà Nội ráo riết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Một số tòa nhà chi hàng trăm triệu mua máy quét thân nhiệt, thực hiện phun khử trùng 2 giờ/lần,...để đảm bảo an toàn cho nhân viên, cư dân và khách hàng.

Link https://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/cang-minh-chong-dich-nhung-dung-hoang-mang/841813.antd?fbclid=IwAR3iH6bQ_A4eTW-6_5dQ5v0Xt7f6Q9Buj7e87t5AHBHd3D0fDK4Mmx9NpSE#ref-https://l.facebook.com/