Cảnh báo tình trạng "trẻ hóa" đối tượng sử dụng rượu bia

22/11/2021 09:32

Kinhte&Xahoi Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng rượu bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14 - 17 tuổi) được đánh giá là cao, với 47,5%.

Đối tượng sử dụng rượu bia ngày càng trẻ

Trong khi hầu hết các bạn trẻ hướng tới cuộc sống tích cực, rời xa các chất kích thích, thì một bộ phận không nhỏ lại coi việc sử dụng rượu bia như cách để thể hiện "cái tôi". Thậm chí, họ còn coi việc nhậu nhẹt là một hành động đánh dấu sự trưởng thành của bản thân.

Bạn T (học sinh lớp 11 tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thừa nhận: "Bản thân tôi đã chứng kiến các thành viên trong gia đình như ông, bố, các chú bác ... uống rượu rất nhiều. Chính vì thế, từ lúc bé, tôi đã nghĩ việc uống rượu là rất oách, thể hiện bản lĩnh đàn ông. Khi nào bố và các chú nhậu, tôi cũng lân la đến gần để xin thử một tý. Dần dần, thích rượu từ lúc nào cũng không hay. Trong lớp của có mấy bạn thích nhậu như tôi nên thường tụ tập để uống rượu - ít nhất tuần nào cũng phải "chiến đấu" một lần".

Một bộ phận người trẻ sa đà vào nhậu nhẹt

Tình trạng như của bạn T nói trên hiện nay không hiếm. Các nhà nghiên cứu xã hội học đã và đang cảnh báo về nạn "trẻ hóa" trong nhóm đối tượng sử dụng bia rượu. Khảo sát của phóng viên tại một số quán bia, quán rượu trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho thấy tỷ lệ người trẻ tụ tập nhậu nhẹt khá lớn.

Đa số học sinh, sinh viên đều cho rằng nhậu là chuyện bình thường, khi vào quán là phải nhậu. Bạn Minh Anh (21 tuổi, sinh viên) cho biết: “Mình hay nhậu mỗi khi có dịp sinh nhật, liên hoan lớp hay đi chơi cùng bạn bè. Thay vì dùng nước ngọt, mình hay uống một vài chai bia, đơn giản chỉ để vui. Có tí men vào dễ nói chuyện hơn”.

Nghiên cứu của Bộ Y tế cho biết năm 2010 có 70% nam và 6% nữ trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày. Đến năm 2015 tỉ lệ này tăng tương ứng là 80,3% ở nam và 11,6% ở nữ. Tỉ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ.

Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần. Tình trạng uống rượu, bia phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn.

Uống rượu bia làm tăng nguy cơ gây TNGT gấp 6 lần

Việc sử dụng rượu bia từ sớm gây ra những hệ lụy rất lớn đối với các bạn trẻ. Chuyên gia y tế cho hay, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng có các hành vi bạo lực sau khi uống cao gấp 6 lần.

Uống rượu bia làm tăng nguy cơ gây TNGT gấp 6 lần

Đáng quan ngại hơn nữa, khả năng bị/gây tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần, đồng thời, khả năng bị chấn thương do uống rượu bia gấp gần 5 lần. Theo thạc sĩ Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở nam giới độ tuổi 15 - 49; Chiếm 36,2% ở nam giới, 0,7% ở nữ giới (WHO-2014); Gây ra khoảng 800 ca tử vong do bạo lực; 30% số vụ gây rối trật tự xã hội mỗi năm. Rượu, bia là nguyên nhân gây ra của 30 mã bệnh tật, nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh (sử dụng rượu bia kết hợp với một số nguyên nhân khác) thuộc ICD10.

Chính vì thế Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 có những quy định quan trọng liên quan đến rượu, bia và thanh thiếu niên, đó là: Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi cũng như sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

Ngoài việc nghiêm cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 cũng có các quy định nghiêm ngặt tại khoản 3 Điều 12 đối với việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ nhằm hạn chế trẻ em, thanh thiếu niên tiếp cận với thông tin về rượu, bia, cụ thể: Không có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; Hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; Không sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia; Không quảng cáo trên báo nói, truyền hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài…; Không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em.

 Lưu Thủy - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-bao-tinh-trang-tre-hoa-doi-tuong-su-dung-ruou-bia-183623.html