“Cát tặc” xuyên đêm “rút ruột” sông Hương

18/03/2019 10:07

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm việc khai thác cát trái phép trên sông Hương, cũng như xử lý các bãi tập kết cát sai pháp pháp luật. Thế nhưng, hiện nay tình trạng “cát tặc” lộng hành trên con sông thơ mộng, biểu tượng cho xứ Huế vẫn diễn ra rầm rộ.

 Cát được khai thác trái phép, sau đó lại được đưa lên bãi tập kết trái phép (Ảnh chụp 5h30’ sáng ngày 15/3)

“Đại công trường” xuyên đêm

Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hương lại diễn ra rầm rộ khiến người dân địa phương rất lo lắng, bức xúc. Trước phản ánh trên, 0h30’ sáng ngày 15/3, PLVN đã tới một trong những “điểm nóng” để ghi nhận sự việc. Đây là khúc sông tại đoạn một bên bờ là địa phận phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà) bờ bên kia thuộc địa phận phường Thủy Biều (thị xã Hương Thủy).

Tại đây, PV tận mắt chứng kiến nhiều tàu thuyền tấp nập “dàn trận”. Những “cát tặc” này đưa vòi rồng xuống đáy sông, cho máy chạy rồi hút những khối cát đưa lên khoang. Sau khi “no” cát, những chiếc tàu này nhanh chóng rời khỏi “mỏ” để theo dòng về xuôi, nhường chỗ cho tàu khác. Đoạn sông này nằm xa khu dân cư nên các đối tượng đã “vô tư” khai thác cát trái phép.

Cứ như vậy, “đại công trường” ở thượng nguồn sông Hương này diễn ra xuyên đêm khiến cả khúc sông đục ngầu, ô nhiễm.

Trước đó, vào chiều 13/3, một người dân cho biết: “Tình trạng khai thác cát trái phép nơi đây đã diễn ra trong thời gian dài, các tàu ngang nhiên hút cát đưa về bãi tiêu thụ. Không biết lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT đường thủy hay Công an môi trường ở đâu? Việc khai thác cát bừa bãi không những làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm sông nước mà còn dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, đe dọa vườn tược, nhà cửa khiến bà con chúng tôi bất an, lo lắng vô cùng”.

Việc khai thác cát trái phép vẫn không ngừng hoạt động khiến dư luận hoài nghi, phải chăng “cát tặc” đã được “bật đèn xanh” cho lộng hành? Hay có sự “chống lưng” nào đó khiến họ ngang nhiên vi phạm pháp luật?

Xe tải “lấy hàng” (chạy vào đường chỉ cho phép trọng tải dưới 2,5 tấn) khiến dân thôn Cư Chánh 2 bức xúc

Nhiều bãi cát chui vẫn hoạt động

PLVN theo chân những con thuyền “no cát” này về tới Bến Than (đối diện Điện Hòn Chén, thuộc thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Tại đây, thuyền cập bến, những “cát tặc” ngang nhiên đưa cát lên bãi trong đêm tối. Trong đoạn chừng 500m có tới 5 bãi tập kết cát, máy móc hoạt động inh ỏi. Đến 4h30’ sáng, xe tải nối đuôi nhau vào “ăn hàng” đi tiêu thụ. Khoảng 6h30 sáng, thuyền không còn chở cát về những bãi tập kết này nữa.

Theo tìm hiểu, những bãi cát được tập kết này đều không có giấy phép kinh doanh bến bãi, không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, không có bản cam kết bảo vệ môi trường, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm qua. Những bãi này để ngổn ngang, bừa bãi, không có tường rào bao quanh. Mỗi bãi được trang bị một máy xúc cỡ trung và những chiếc cẩu điện dài gần chục mét với hệ thống dây cáp và gàu múc vươn xuống những chiếc tàu. Trong khuôn viên bãi có thể tập kết từ vài chục đến hàng nghìn mét khối cát.

“Đường từ bãi cát ra đường chính có ghi cấm xe trọng tải trên 2,5 tấn, thế nhưng hàng ngày xe tải ra vào lấy cát có trọng tải đều hơn 5 tấn vẫn chạy ầm ầm, bụi bay mịt mù. Con đường liên thôn này mới làm nhưng giờ đã bắt đầu hỏng, mà có ai xử lý đâu? Những bãi cát kia cũng tồn tại nhiều năm nay nhưng không thấy dẹp bỏ, nhiều lần dân chúng tôi cũng thấy đoàn này, đoàn nọ về kiểm tra nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Việc đơn giản như thế mà làm dẹp mãi không được, khiến dân chúng tôi hoài nghi?”. Một người ở thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng nói.

Bãi tập kết trái phép dọc sông Hương.

Chính quyền xã nói gì?

Theo ông Nguyễn Thanh Nguyên  (Phó chủ tịch UBND xã Thủy Bằng), 5 bãi tập kết cát mà PV cung cấp đều không được cấp phép.

“Những bãi tập kết cạnh Bến Than này hoạt động từ rất lâu, trong đó riêng bà Nguyễn Thị Thúy Hằng đã có ba bãi. Lãnh đạo xã đã nhiều lần chỉ đạo cán bộ địa chính, Công an vào cuộc xử lý. Từ năm 2015 đến 2017, năm nào chúng tôi cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mỗi lần 2 triệu đồng/trường hợp, vì tập kết cát sỏi trái phép. Từ năm 2018 đến nay chúng tôi không phạt. Dù xã đã lập biên bản, các hộ cam kết không tái phạm nhưng sau đó chủ bãi lại không tuân thủ, xã đành chịu vì vượt quá thẩm quyền”.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND xã này, xã xử phạt hành chính nhưng không ngăn chặn được nên đã nhiều lần có công văn kiến nghị gửi lên cấp trên. “Nhiều lần, UBND xã cũng đã gửi công văn lên Sở TN&MT để giải quyết vấn đề này, sở cũng đã cử đoàn thanh tra về đình chỉ, lập biên bản vụ việc nhưng đến nay vẫn không xử lý dứt điểm được. Địa phương đã làm hết mình, mong các cấp có thẩm quyền vào cuộc quyết liệt hơn để lấy lại lòng tin của người dân nơi đây”, ông Nguyên cho hay.

Như vậy, hoạt động khai thác cát cũng như lập bãi tập kết trái phép đã rõ. Câu hỏi đặt ra liệu chính quyền địa phương có thực hiện các biện pháp cứng rắn, mạnh tay để chấm dứt những hoạt động vi phạm pháp luật này hay không? Đồng thời, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phải có hình thức xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra tình trạng này suốt thời gian dài.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Baophapluat.vn/Phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận 9 (TP. HCM): Quản lí đô thị kiểu "ba rọi"

Thị trường đất quận 9 nóng sốt là nhờ vào đẩt nền phân lô. Tuy nhiên, nhiều khu vực dù không thuộc đất được cấp phép phân lô, nhưng nhờ những "phép màu" nó vẫn được san lấp và rao bán như các sản phẩm chính thống. Thậm chí còn được bao xây dựng thành nhà. Những căn nhà không phép, san lấp vô tội vạ đang diễn ra rầm rộ là nhờ "phép màu" trong công tác quản lý đô thị của UBND quận 9 và dưới dự giám sát "tích cực" của lực lượng Thanh tra Xây dựng địa bàn thuộc Sở Xây dựng TP.HCM