“Chảy máu lao động” là áp lực lớn nhất với doanh nghiệp dệt may

22/08/2021 15:03

Kinhte&Xahoi Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, nhân lực vẫn sẽ là khâu có áp lực lớn nhất vì kế hoạch sản xuất không ổn định do tác động của dịch Covid-19.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kể từ tháng 6/2021, khi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các tỉnh, thành phố phía Nam, những diễn biến bất lợi tăng nhanh ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh ngành dệt may, trong đó đặc biệt là vấn đề nhân lực.

Chỉ trong vòng một tháng, số lượng lao động tạm thời không thể đi làm của Vinatex đã lên tới trên 40.000 người, chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Công nhân Tổng công ty May 10 vừa phòng dịch, vừa sản xuất. (Ảnh: Vinatex)

Mặt khác, ngoài việc phải đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, doanh nghiệp dệt may còn đối mặt với rủi ro liên quan đến các hợp đồng kinh tế và quan hệ với khách hàng.

Tính đến ngày 30/6/2021, 100% các đơn vị của Vinatex đã có đủ đơn hàng đến hết quý III, lượng đơn hàng cho quý IV cũng đã đạt trên 75%. Vì vậy, việc không thể tổ chức sản xuất sẽ gây ảnh hưởng liên hoàn từ giao hàng trễ, khách hàng không tiếp tục đặt hàng, dẫn đến rủi ro mất đơn hàng khiến người lao động tiếp tục phải nghỉ sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Kỳ vọng về việc sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex đã đưa ra một số dự báo một số đặc điểm của trạng thái “bình thường mới” trong ngành dệt may.

Theo ông Trường, xu thế làm việc trực tuyến tại nhà (online) vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí ngay cả khi hết dịch thì không phải 100% các công việc offline (nhà máy, cơ quan) trước đây sẽ quay trở lại mà sẽ có một tỷ lệ nhất định quyết định chuyển sang làm trực tuyến. Do đó, nhu cầu các sản phẩm chuẩn tắc (formal, dress code) cho công sở sẽ có nguy cơ khó phục hồi lại mức cũ.

Đồng thời, ông Trường cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh chưa ổn định, chưa có giải pháp triệt để kết thúc dịch hoặc trở thành một bệnh thông thường có thuốc đặc trị. Do vậy, khả năng tới 2022 vẫn xuất hiện trạng thái sản xuất bình thường và có thể lại có giai đoạn bị giãn cách, thậm chí cách ly ảnh hưởng tới sản xuất.

Bên cạnh đó, logistic toàn cầu tiếp tục mất cân đối, đơn giá vận tải tăng, thời gian kéo dài, ảnh hưởng lớn tới thời gian giao hàng và chi phí đến tay người tiêu dùng.

Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường

Ngoài ra, việc kinh doanh trực tuyến, cắt khâu trung gian, kéo dài thời gian thanh toán, cá thể hoá nhu cầu ngày càng cao. Đơn hàng xu thế bị nhỏ đi, thời gian giao hàng lại cần nhanh hơn trong khi mọi yếu tố về sản xuất, giao hàng lại có nhiều bất định, dễ bị thay đổi.

Với những đặc điểm trên, Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cũng đưa ra một số giải pháp để ngành dệt may tiếp tục hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả trong trạng thái “bình thường mới”.

Về sản xuất, ông Trường cho rằng, tình hình mới sẽ cho sản xuất ở trạng thái sản lượng đầu ra không đều, không đo lường được năng suất theo tháng. Thời điểm giãn cách chắc chắn sản lượng suy giảm, con đường duy nhất duy trì được tăng trưởng là thời gian không giãn cách phải có sản lượng cao hơn để bù lại.

Khái niệm năng suất bình quân đã bị lỗi thời trong giai đoạn “bình thường mới”. Cách tổ chức sản xuất này chắc chắn sẽ rất áp lực, thậm chí chi phí cao. Nhưng so với giảm tổng sản lượng cả năm thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Bài học doanh nghiệp sợi khi kinh doanh dưới giá thành vẫn tốt hơn đóng máy.

Về thị trường và khách hàng, ông Trường cho biết, kế hoạch thị trường luôn ở trạng thái bị động vào năng lực sản xuất có thể lên xuống bất ngờ vì rủi ro ngoại vi dịch bệnh. Một cách tiếp cận hợp lý lúc này có lẽ lại là không đàm phán đơn hàng quá xa; chấp nhận khó khăn về lập kế hoạch sản xuất, đổi lại có thể thực hiện được tốt hơn cam kết giao hàng với khách hàng.

Về tài chính, theo lãnh đạo Vinatex, sản xuất không đều đặt hệ thống tài chính vào chu kỳ rất ngắn trong xử lý vòng quay, từ đó sẽ xuất hiện nhu cầu vốn lưu động tăng vọt khi sản xuất vượt cả công suất đỉnh, đồng thời lại xuất hiện thiếu hụt dòng tiền ở các giai đoạn đứt quãng sản xuất vì dịch bệnh. Nếu tiếp cận phân tích tài chính theo quý cũng có lẽ lại là chậm so với tình hình mới.

Về nhân lực, theo ông Trường đây là khâu sẽ có áp lực lớn nhất vì kế hoạch sản xuất không ổn định; lúc thiếu lao động, lúc lao động lại nghỉ cần trả lương. Vì thế, một hệ thống quản trị nhân sự điện tử về di biến động là cần thiết cho các phòng nhân sự.

Theo Chủ tịch Vinatex, trong điều kiện mới nên tiếp cận suy nghĩ về tiền lương theo giờ, thu nhập theo năm, tháng giãn ngừng việc trả theo lương tối thiểu, tháng cao điểm làm nhiều hơn thu nhập cao hơn. Đặc biệt, công tác truyền thông và thuyết phục lao động theo hệ thống mới sẽ là yếu tố quan trọng cho đảm bảo nhân lực trong điều kiện kế hoạch sản xuất biến thiên và khó dự báo được sớm.

 Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chay-mau-lao-dong-la-ap-luc-lon-nhat-voi-doanh-nghiep-det-may-174606.html