Chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử Việt Nam: Vũ khí chấm dứt đại dịch Covid-19

17/06/2021 09:43

Kinhte&Xahoi Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vaccine phòng Covid-19 từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều như Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19. Tới đây, toàn quốc sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước ta.

Phấn đấu đạt mục tiêu 150 triệu liều trong năm 2021

Theo GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cuối tháng 6, đầu tháng 7, Việt Nam sẽ nhận khoảng 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX. Toàn bộ số vaccine này được phân bổ cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và những địa phương có khu công nghiệp. Ngoài ra, từ nay đến hết quý III, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vaccine của AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua công ty VNVC. Bên cạnh đó, theo thông báo của Pfizer, trong quý III, hãng dược này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vaccine, số còn lại sẽ tập trung trong quý IV. Tuy nhiên, thời gian và số lượng cụ thể có thể thay đổi do phụ thuộc tình hình thế giới.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vaccine phòng Covid-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vaccine từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều trong năm 2021.

 Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện E, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cả nước sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với 75% dân số được tiêm trong năm nay. Để thực hiện điều này, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng. Ngành y tế sẽ đẩy nhanh áp dụng sổ sức khỏe điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và qua tin nhắn.

“Điều này có nghĩa là mọi thông tin về tiêm chủng phải thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng online. Người dân sẽ biết mình đến điểm tiêm chủng nào tiêm. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo cho người đăng ký thời gian tiêm và điểm tiêm. Khi đến tiêm, sẽ check mã QR code và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khỏe thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vaccine” dễ dàng” – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ TT&TT cùng các DN công nghệ thông tin thiết lập nên hệ thống điều hành tiêm chủng online. Một điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là việc tổ chức tiêm tại các điểm sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online thay vì trước đây giao cho các đơn vị quản lý. Khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có nhân lực, tài khoản sẽ cập nhật và đưa lên bản đồ tiêm chủng, công khai với toàn dân về quy trình tiêm chủng, số liều vaccine đã sử dụng, số người được tiêm.

Bảo đảm cấp độ an toàn cao nhất

GS.TS Đặng Đức Anh cho biết thêm, với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới. Theo đó, các cơ sở tiêm chủng phải đạt tiêu chuẩn theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, thực hiện khám sàng lọc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm để theo dõi phản ứng và được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm. Công tác cấp cứu đề phòng trường hợp có phản ứng nặng trong và sau tiêm chủng cũng luôn sẵn sàng nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, hiện tại, Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ những hướng dẫn cần thiết và đã tập huấn cho các địa phương về cách xử trí các biến chứng sau tiêm.

Đặc biệt, để phòng phản ứng phản vệ có thể xảy ra ngay trong lúc tiêm chủng, yêu cầu mỗi bàn tiêm phải chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin (thuốc chống sốc phản vệ). Khi thấy một trong các dấu hiệu của phản vệ (khó thở, vật vã, phù nhanh, mạch nhanh nhỏ, đau quặn bụng…) thì tiêm ngay Adrenalin, sau đó theo dõi và xử trí các bước tiếp theo.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, đối với những biến chứng nặng như đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng (mặc dù các biến chứng này rất hiếm gặp), hệ thống y tế trên cả nước hoàn toàn xử trí tốt. Vì vậy, người dân có thể yên tâm đi tiêm chủng vaccine Covid-19. Rối loạn đông máu sau tiêm chủng cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Và với hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được Bộ Y tế triển khai tới 1.500 điểm tại 63 tỉnh, thành trên cả nước thời gian qua, các chuyên gia đầu ngành có thể hướng dẫn tuyến dưới xử lý nhanh chóng và hiệu quả hiện tượng này.

Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, quy trình tiêm đã được rà soát lại nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, kể cả hệ thống công lập và tư nhân, đặc biệt là y tế cơ sở.

Không gì có thể thay thế được vaccine

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vaccine vẫn là vũ khí được toàn nhân loại trông chờ. Hiện toàn bộ 11 nước ở khu vực Đông Nam Á đã triển khai tiêm vaccine Covid-19. So với mặt bằng chung những quốc gia trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp với hơn 1 triệu liều, đạt 1,3% tỷ lệ dân số được tiêm. “Không quốc gia nào thật sự an toàn trước đại dịch cho đến khi mọi quốc gia đều an toàn. Chỉ khi khoảng 60 - 75% người có miễn dịch với Covid-19 trong cộng đồng, chúng ta mới có thể đẩy lùi và kiểm soát được đại dịch. Chỉ có vaccine mới cho phép chúng ta nới lỏng 5K và trở lại cuộc sống bình thường” - bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không có một loại vaccine có hiệu lực bảo vệ 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vaccine vẫn còn một tỷ lệ nhất định người đã được tiêm có thể vẫn bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu bị mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều có hiệu lực bảo vệ từ 60 - 95%. Để đảm bảo hiệu quả tối đa của vaccine, mỗi người cần được tiêm đủ 2 mũi và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70 - 85% để có miễn dịch cộng đồng. “Tiêm vaccine Covid-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt, mỗi người hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine và theo dõi sức khỏe” - GS.TS Đặng Đức Anh khuyến cáo.

"Kết quả một khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc UNICEF cùng đối tác thực hiện cho thấy, 67% người dân Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng tiêm vaccine phòng Covid-19, đây là tỷ lệ khá cao." - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers

Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch tiếp nhận, sử dụng vaccine cho nhóm đối tượng ưu tiên trên địa bàn Hà Nội đợt 3, 4 năm 2021. Theo đó, Hà Nội sẽ tiêm tổng số 91.000 liều vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 do Bộ Y tế cấp. Các đối tượng được tiêm trong 2 đợt này gồm có 4 nhóm đối tượng, dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2021. Còn với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất toàn quốc tới đây, ngành y tế Hà Nội sẵn sàng đáp ứng về cơ sở vật chất, nhân lực, tuân thủ tuyệt đối quy trình tiêm chủng mà Bộ Y tế ban hành. 

 Nhật Nguyên - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/chien-dich-tiem-vaccine-lon-nhat-lich-su-viet-nam-vu-khi-cham-dut-dai-dich-covid-19-423878.html