Chính phủ hành động biến khát vọng thành sự thật

01/01/2020 09:52

Kinhte&Xahoi Không thể có một quốc gia phát triển khi dân tộc đó không có đủ khát vọng và ý chí vươn lên. Nhưng ước mơ và khát vọng đó không phải nằm trong phòng họp mà phải bằng những hành động trong cuộc sống.

Khơi thông thể chế, giải phóng nguồn lực

Trong một sự kiện mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, một quốc gia muốn trở nên thịnh vượng thì nguồn lực không thể chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng, mà phải biến thành động năng, cần được vốn hóa. Ông yêu cầu phải khắc phục cho được tình trạng sử dụng kém hiệu quả nguồn lực, bởi nguồn lực luôn có giới hạn.

Với yêu cầu “năm tới phải đổi mới mạnh mẽ hơn”, trong các sự kiện gần đây, người đứng đầu Chính phủ nhiều lần đề nghị phải giải phóng tối đa mọi nguồn lực. Và một trong những nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng năm 2020 là tập trung tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể về thể chế để khai thông, tạo đột phá trong mọi ngành, lĩnh vực. 

Tiếp xúc cử tri Hải Phòng mới đây, Thủ tướng nêu rõ, nhân dân sẽ không chấp nhận nếu chúng ta không tiến bước, cuộc sống phải phát triển hơn, đất nước phải giàu mạnh hơn. Có lẽ đây chính là những đòi hỏi của một Nhà nước tư duy, kiến tạo và hành động, đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng đất nước ấm no, thịnh vượng.

Thủ tướng cho rằng, đất nước hưng thịnh, xã hội phồn vinh thì thể chế, chính sách phải tạo thuận lợi cho sự phát triển, phải hạn chế “xin - cho”. Nhưng công tác xây dựng thể chế, pháp luật hiện vẫn còn vướng mắc và đã đến lúc cần chỉ ra cụ thể nằm ở luật nào, nghị định, thông tư nào, điều khoản nào, không nói chung chung.

Năm qua, đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019, nhờ đó mức sống của nhân dân đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công trong thời gian dài vừa qua đã trở thành một “cục máu đông” của nền kinh tế. 

Giải quyết bất cập này, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa IV diễn ra vào tháng 6/2019 đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Để văn bản pháp luật đi vào cuộc sống, 3 tháng sau đó, khi chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước nhằm đề ra biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách đến hết năm 2019 và trong năm 2020, năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020.

Ông yêu cầu không để tái diễn tình trạng “quyền anh, quyền tôi” như trong thời gian vừa qua mà cần tăng cường hợp tác để giải quyết các vướng mắc trong tiến trình triển khai các dự án.

Nhấn mạnh các giải pháp đột phá, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng chúng ta phải có khát vọng vươn lên. Nhưng khát vọng này phải ở các cấp, các ngành, lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và từng người dân. Khát vọng đó không nằm trong phòng họp mà chính là hành động trong cuộc sống.

Bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ

Khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp hơn cũng có nghĩa là phải đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen lạc hậu để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, hạn chế thấp nhất những tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Với những nỗ lực trong quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử đã đem đến những thành quả bước đầu khá ấn tượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trải nghiệm cổng dịch vụ công quốc gia

Tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được khai trương. Đây là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử. 

Việc kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa cơ quan nhà nước các cấp đã giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc trên hệ thống, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Đến nay đã có gần 1 triệu văn bản, gồm gần 300 ngàn văn bản gửi và 700 ngàn văn bản nhận trên Trục liên thông. 

Chỉ hơn 3 tháng kể từ ngày khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, ngày 24/6/2019, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) chính thức được khai trương và đưa vào hoạt động, khẳng định việc xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu.  

Cùng với những việc làm trên, xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) cũng là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ngay sau khi khai trương (9/12), CDVCQG đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp.
 
Theo tính toán sơ bộ, nếu việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính...) thì khi chuyển đổi phương thức từ thực hiện trực tiếp sang trực tuyến tại CDVCQG sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, CDVCQG với các nền tảng, dữ liệu dùng chung còn thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. 

Với những nỗ lực không ngừng trong năm 2019, thứ hạng và chất lượng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã và đang có những cải thiện rõ rệt, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Tại Kỳ họp thứ 8 khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong một năm đầy khó khăn, thể hiện qua việc đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, nhiều mục tiêu cán đích sớm, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Điều đó chứng tỏ rằng, để tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển bền vững, rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới thì không chỉ là khát vọng, ước mơ, mà Việt Nam đã biết cách biến ước mơ đó thành hiện thực thông qua các hành động cụ thể. 

Không chỉ mơ ước, phải hành động

Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam cũng luôn chăm lo công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần để “không ai bị bỏ lại phía sau”. 

Bằng chứng là mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam ban hành một Nghị quyết tổng thể về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn. 

Việc ban hành Nghị quyết này là một quyết định đúng chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục thực hiện lời dặn của Bác Hồ đối với công tác dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số, khu căn cứ cách mạng.., để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp... việc giảm nghèo cả nước nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được quốc tế ghi nhận.

Bên cạnh những thành tựu trên thì khả năng chống chịu, thích ứng với những tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế... Nhưng “những hạn chế, yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, không chỉ ước mơ mà phải hành động”, Thủ tướng bày tỏ với các chuyên gia, các học giả quốc tế tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 mới đây. 

Thủ tướng cho biết “không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên”.  Bằng những hành động cụ thể, Việt Nam sẽ làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 mà dự kiến sẽ tổ chức hơn 300 hội nghị, cuộc họp khác nhau. Năm 2020, Việt Nam còn đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Đó chính là sự nhìn nhận và tôn trọng của thế giới đối với những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới. Cùng với ước mơ và hành động, “Chính phủ sẽ nỗ lực nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế một cách trách nhiệm nhất, chủ động nhất”, Thủ tướng khẳng định. 

“Xóa đói giảm nghèo đã khó, làm cho đất nước cường thịnh, bền vững, thu hẹp và tiến kịp các nước phát triển, sẽ càng khó khăn hơn nhiều. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường với tất cả lòng tự hào, tự tôn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia...

Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Mà thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Từ rác thải nhựa hoá thân thành ROBOT

Để làm được một chú robot hoàn chỉnh cần rất nhiều nguyên vật liệu với những tiêu chuẩn chọn lọc khác nhau. Đặc biệt hơn những nguyên liệu ấy lại là những phế phẩm như: vỏ chiếc xe máy, ô tô cũ, hay những con ốc và vi mạch. Những thứ tưởng chừng như bỏ đi ấy bỏ đi ấy lại được các thành viên trong xưởng sáng chế tận dụng một cách tối đa.

Khách sạn cho những vị khách bốn chân

Nếu bạn cùng người thân đang sắp có một chuyến đi xa, không biết phải gửi những thú cưng của bạn ở đâu cho những ngày đi du lịch sắp tới thì hãy tới khách sạn dành cho những vị khách nhỏ này, tại đây thú cưng của bạn sẽ được chăm sóc và vui chơi như ở nhà đến khi bạn trở về.

Nguồn: Pháp luật Plus