Chuyển đổi số - “vaccine” giúp doanh nghiệp vận tải phát triển bền vững

13/07/2021 14:53

Kinhte&Xahoi Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư như cú “đánh bồi” khiến hầu hết doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách kiệt sức, khó gượng dậy. Hoạt động cầm chừng, ngưng trệ, doanh thu giảm mạnh, nợ ngân hàng, gánh nặng trả lương nhân viên khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Điêu đứng trước dịch bệnh

Bức tranh kinh doanh của ngành vận tải từ đầu năm đến nay lại nhuốm một màu xám. Trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đưa ra thống kê hết sức ảm đạm về tình hình kinh doanh vận tải 6 tháng đầu năm của thành viên hiệp hội.

Tình hình kinh doanh vận tải 6 tháng đầu năm hết sức ảm đạm.

Cụ thể, tổng hợp chung cả 5 loại hình hoạt động vận chuyển hành khách, sản lượng chỉ đạt 20-30% so với trước giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trong đó vấn đề chi phí cho xe hoạt động không giảm theo doanh thu mà còn có chiều hướng tăng theo giá nhiên liệu. Xe taxi có từ 70-80% phương tiện bỏ không vì thiếu khách, dịch vụ chở khách du lịch chỉ đạt 10-15% sản lượng, xe buýt giảm sâu tới 41,5% lượng khách, tương ứng giảm 51,2% doanh thu, xe khách tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% sản lượng, 50% phương tiện nằm bãi.

Thông tin từ ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay, khoảng 30% phương tiện phải dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp vận tải đang điêu đứng, nhất là một số địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng phải giãn cách xã hội. Doanh thu sụt giảm trên 50%, có thời điểm giảm sâu đến 70 - 80%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh tâm lý ngại di chuyển của người dân khiến lượng hành khách sụt giảm thì chính “sức khỏe” của doanh nghiệp khiến họ gục ngã trước dịch bệnh.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, có đến 70% doanh nghiệp vận tải đường bộ Việt Nam quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tiềm lực tài chính yếu. Đa số họ phải đi vay ngân hàng để đầu tư phương tiện.

“Hầu hết DN đang quản lý thủ công, lực lượng lao động cố định với cách làm cũ, chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ khiến họ dễ bị “xô đổ”, không còn sức chịu đựng trước những yếu tố tác động khách quan từ bên ngoài”, ông Thanh đánh giá.

Phát triển bền vững bằng chuyển đổi số

Thời gian qua, Bộ GTVT đã đề xuất nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: Giảm các khoản thuế; khoanh nợ, giãn nợ, lệ phí đăng ký xe mới, giảm phí bảo trì đường bộ; điều chỉnh chu kỳ kiểm định ôtô, lùi thời gian xử phạt lắp đặt camera trên phương tiện vận tải; rà soát giá cước, giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển.

Các giải pháp này ví như “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp vận tải trong thời điểm dịch bệnh khó lường. Cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để cứu doanh nghiệp vận tải không bị phá sản hay chết lâm sàng. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp vận tải đang gặp khó trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ do điều kiện, thủ tục đặt ra quá phức tạp và khó đáp ứng được.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để trụ vững trước tác động của dịch Covid-19, bản thân các doanh nghiệp vận tải phải nỗ lực và có những bước “chuyển mình” về chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển.

Theo GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, trong bối cảnh dịch bệnh, nền kinh tế phải chuyển sang trạng thái mới, chuyển đổi từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch online, hàng hóa, kho vận theo hướng tập trung, chuyên sâu. Hợp tác, liên doanh liên kết để hình thành nên các chuỗi cung ứng đủ mạnh, bền vững để không bị đứt gãy lúc khó khăn.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc để nâng cao năng suất lao động, hướng vào chuyên nghiệp, hiệu quả hơn; phát huy nội lực để duy trì và thực hiện các giải pháp dài hơi “vượt bão” Covid-19. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển.  

“Chuyển đổi số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp giảm thấp nhất tác động của đại dịch Covid-19, tránh chuỗi cung ứng vận tải bị đứt gãy. Bộ GTVT sẽ phát triển đội ngũ tư vấn chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số, chuyển đổi số cho sản phẩm, dịch vụ và phương thức quản trị số cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh vận tải truyền thống sang phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số”, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT (Bộ GTVT) trao đổi.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, về dài hạn, các doanh nghiệp vận tải cần áp dụng công nghệ trong kinh doanh nhiều hơn như việc số hóa, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) hay tự động hóa trong các quy trình hoạt động; tổ chức tái cấu trúc, định vị hình ảnh của doanh nghiệp. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ sẽ giúp tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí, cải thiện chiến lược kinh doanh và củng cố hệ thống vận hành.

“Chuyển đổi số được coi là “vaccine” giúp các doanh nghiệp vận tải phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử, chuỗi cung ứng, tự động hóa trong quản trị, đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong sản xuất kinh doanh, giảm các chi phí vận hành, tăng cường tương tác với khách hàng online”, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui chia sẻ.  

 Vương Liễu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội chốt phương án thi vào lớp 10

Lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021-2022 đã được công bố. Các thí sinh gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi diễn ra vào ngày 12-13/6/2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/tieu-diem-giao-thong/chuyen-doi-so--vaccine-giup-doanh-nghiep-van-tai-phat-trien-ben-vung-d160480.html