Chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung gỡ vướng cho bất động sản du lịch Việt Nam

16/11/2021 14:46

Kinhte&Xahoi Sáng 16/11, tại trường ĐH Luật Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức

Hội thảo "Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” do Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) - đơn vị bảo trợ truyền thông. Tập đoàn CEO là nhà tài trợ của Hội thảo.

Tới dự Hội thảo khoa học quốc tế "Chính sách, pháp luật về Bất động sản du lịch - những vấn đề đặt ra cho Việt Nam" có sự tham dự của: Về phía Bộ Tư pháp có: TS. Phan Chí Hiếu, Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Thường trực, Bí thư đảng uỷ Bộ Tư pháp.TS. Phan Thị Hồng Hà, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp.

Toàn cảnh hội thảo.

PGS.TS. Lê Văn Chiến, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Tào Thị Quyên; Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; KTS. Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Phía Tập đoàn CEO có ông Đoàn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CEO

Phía Đại học Luật Hà Nội có: TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường;

TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng , cung các hiệu phó, thầy cô giáo trong Trường Đại học Luật Hà Nội...

Hội thảo cũng có sự góp mặt của hơn 30 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, luật học và đặc biệt lĩnh vực kinh doanh bất động sản với đại diện Hiệp hội Bất động sản đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Thái Lan, Indonesia và nhiều quốc gia khác và 40 đơn vị báo chí, truyền thông đến đưa tin.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nói:

"Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” diễn ra trong bối cảnh cả nước đang chung sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống đại dịch COVID-19, vừa bảo đảm phát triển sản xuất và ổn định các mặt đời sống xã hội.

Tôi vui mừng nhận thấy Hội thảo nhận được sự quan tâm của các Bộ, Ban, Ngành trung ương và địa phương, các đại biểu Quốc hội, đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội kinh doanh bất động sản của nhiều quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các vị khách quý và các nhà khoa học. Điều đó chứng tỏ sức hút từ chủ đề Hội thảo và cũng là minh chứng cho những nỗ lực và thành công trong công tác tổ chức của Hiệp hội bất động sản Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội.

TS. Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Thứ trưởng tin tưởng Hội thảo sẽ tập trung phân tích một cách toàn diện, sâu sắc, luận giải kỹ và rõ về chủ trương, đường lối của Đảng đối với việc phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản, chỉ ra những điểm nghẽn trong thể chế và quy định về bất động sản du lịch hiện nay, đóng góp các quan điểm khoa học, các luận cứ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch tại Việt Nam.

"Tôi đề nghị, trên cơ sở các tham luận của hội thảo, những ý kiến trao đổi tại hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp ý kiến, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những bất cập của thị trường bất động sản du lịch từ đó báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để có những biện pháp phù hợp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế." - ông nói.

Thay mặt tập thể lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội và Ban tổ chức Hội thảo, Tiến sỹ Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội - đã cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện và trực tiếp tham dự của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, các vị đại biểu quốc hội, lãnh đạo một số ban, ngành ở trung ương và một số địa phương của Hà Nội; sự hiện diện của các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong và ngoài nước, nhà quản lý, các luật sư, chuyên gia về kinh tế, tài chính, bất động sản, các nghiên cứu sinh, các thầy cô giáo và các cơ quan thông tấn, báo chí v.v. đã tham dự hội thảo.

TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội.

Theo ông, điều này cho thấy được sức hút, sự lan tỏa và giá trị thiết thực của hội thảo. Bởi nó kết tinh tiếng nói, sự phản biện chính sách của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp luật trong và ngoài nước về thực trạng chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch; kinh nghiệm quốc tế và những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đây là những thông tin rất bổ ích, có giá trị tham khảo không chỉ đối với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội mà còn cho các cơ quan soạn thảo trong việc sửa đổi, bổ sung ba đạo Luật nói trên.

Theo nhận định của TS Đoàn Trung Kiên, trong những năm qua, phân khúc thị trường bất động sản du lịch phát triển vô cùng sôi động và ngoạn mục với nhiều sản phẩm bất động sản cao cấp ra đời như: Condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay… ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư thứ cấp và người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nói chung.

Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc bất động sản này.

Để giúp các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản “gượng dậy”, phát triển sau đại dịch COVID -19; để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường bất động sản thì việc bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch là rất cần thiết.

"Hội thảo này là một trong những hoạt động thiết thực góp phần vào quá trình đó. Tôi hy vọng, tại hội thảo chúng ta sẽ có cơ hội trao đổi ý tưởng, quan điểm khoa học giữa giới nghiên cứu trong nước với nước ngoài; giữa các cán bộ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học pháp lý; nghiên cứu kinh tế với các nhà quản lý, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản… để chia sẻ các luận cứ khoa học góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch trong thời gian tới." - ông nói.

Chia sẻ về công tác tổ chức Hội thảo, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết: Ban Tổ chức mong muốn tạo lập diễn đàn khoa học để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí - truyền thông, các nhà tư vấn quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch…, trao đổi, phân tích, bình luận, đánh giá về cơ hội, tiềm năng và khung chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam;

Đây cũng là diễn đàn để chúng ta lắng nghe những chia sẻ của các chuyên gia về kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách; đưa ra sáng kiến lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trước thềm sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19.

Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO

Theo ông Đoàn Văn Bình, điểm nhấn quan trọng của Hội thảo là các diễn giả sẽ tập trung chia sẻ và cùng bàn thảo về kinh nghiệm quốc tế cho việc phát triển thị trường bất động sản du lịch, với thảo luận mở trọng tâm như: Tầm quan trọng của việc phát triển thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế nói chung và chiến lược phát triển ngành du lịch tầm nhìn đến năm 2030; Kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật của một số nước có thị trường bất động sản du lịch phát triển trên thế giới và một số nước có điều kiện, trình độ phát triển tương đồng như Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề mới, phát sinh, các xu hướng mới trên thị trường bất động sản du lịch; Mức độ tác động, điều chỉnh thị trường bất động sản du lịch thông qua các công cụ pháp luật của các nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam.

Hội thảo sẽ nhận diện những xu hướng phát triển và nút thắt pháp lý của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; Vai trò quản lý và điều tiết thị trường bất động sản du lịch của Nhà nước; sự tham gia, vận động và phát triển thị trường của các chủ thể quốc tế và trong nước; Những cơ hội và thách thức về chính sách, pháp luật đối với các chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản du lịch ở Việt Nam và cùng các chuyên gia đề xuất những giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

 Vân Tùng - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chuyen-gia-trong-nuoc-va-quoc-te-tap-trung-go-vuong-cho-bat-dong-san-du-lich-viet-nam-d170780.html