Công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ khâu lập dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

10/01/2022 21:24

Kinhte&Xahoi Chiều 10/1, tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã làm rõ một số nội dung về dự án.

Trong đó, về tổng mức đầu tư của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đã tính toán suất đầu tư của từng cây cầu, từng ki lô mét hầm, cống... và việc tính toán của tư vấn là có căn cứ cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Tuy nhiên, để tiến tới đấu thầu hoặc chỉ định thầu, còn phải thuê tư vấn lập dự án, khi đó sẽ xác định cụ thể hướng tuyến, các công trình, sau đó là bước thiết kế kỹ thuật và dự toán, cuối cùng mới là chỉ định thầu hoặc đấu thầu.

“Trong quá trình làm chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất”, Bộ trưởng nêu rõ.

Liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai dự án, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đã nằm trong quy hoạch giao thông đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt tháng 9, theo đó sẽ tiến hành thu hồi một lần, làm hàng rào bảo vệ đối với toàn bộ phần đất thu hồi; Do đó không phải giải phóng nhiều lần và cũng không sợ lấn chiếm phần đất đã thực hiện thu hồi.

Đặc biệt trong công tác tái định cư, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến tính toán để phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng xây dựng những khu tái định cư rộng hoặc nhiều dẫn đến lãng phí mà lại làm tăng suất đầu tư.

Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng đề nghị chính quyền các địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh hỗ trợ chỉ đạo đôn đốc, để tới tháng 6/2022 sau khi phê duyệt dự án sẽ bàn giao mặt bằng cho địa phương, việc giải phóng mặt bằng tập trung làm trong 1 năm rưỡi, đến cuối năm 2023 phải xong toàn bộ. Chính phủ sẽ có cuộc họp giao ban để kiểm tra, chỉ đạo việc này.

Nhấn mạnh các cơ chế đặc thù đối với dự án này là rất cần thiết, bởi nếu không, việc chỉ định thầu tư vấn, chỉ định thầu xây lắp sẽ mất rất nhiều thời gian, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nếu Quốc hội ủng hộ thì có thể rút ngắn thời gian, mỗi bước đấu thầu mất khoảng 2 tháng, như vậy sẽ tiết kiệm được ít nhất 6-9 tháng, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ.

Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ lưu tâm đặc biệt vấn đề đường công vụ, đường gom, đường dân sinh để làm sao đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân, kể cả những hầm chui.

Riêng đường công vụ, Bộ Giao thông vận tải sắp tới sẽ đề xuất cho đơn vị thi công ký quỹ để đảm bảo khi công trình kết thúc mà không sửa chữa đầy đủ thì sử dụng quỹ này để khắc phục.

“Rút bài học kinh nghiệm của giai đoạn I, các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ đầu. Ở giai đoạn I, C01, C03 đã tham gia rất tích cực ngay từ khâu lập dự án tổ chức đấu thầu, sắp tới có thêm kiểm toán nữa thì rất tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo sẽ ban hành một quy chế quy định trách nhiệm của địa phương, của Bộ Giao thông vận tải và của các Bộ, ngành, đặc biệt liên quan tới từng hạng mục công việc, trong đó có giải phóng mặt bằng, thời điểm nào làm xong dự án, thời điểm nào xong thiết kế, thời điểm nào là phải có nhà thầu, thời điểm nào khởi công…

“Chính phủ chỉ đạo dành 3 năm để tập trung thi công để cuối năm 2025 phải xong, nghĩa là cuối năm 2022 phải khởi công đồng loạt các gói thầu”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Về vấn đề chỉ định thầu, Bộ trưởng khẳng định sẽ được thực hiện đúng luật, nhà thầu phải có hồ sơ yêu cầu năng lực và có đầy đủ các tiêu chí. Việc chỉ định thầu được công bố công khai, rộng rãi, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp đăng ký thực hiện tham gia sẽ được xét tuyển đàng hoàng. Chính phủ dự kiến sẽ thành lập một Hội đồng liên Bộ để làm sao đảm bảo tính công khai, minh bạch trong vấn đề này.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cong-an-thanh-tra-kiem-toan-se-tham-gia-tu-khau-lap-du-an-cao-toc-bac-nam-phia-dong-187702.html