Cư dân Carina có thể ra tòa đòi tiền bảo hiểm vụ cháy thảm khốc

21/03/2019 10:21

Kinhte&Xahoi Sau vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TPHCM) gây thiệt hại lớn về người và tài sản, vẫn còn cư dân chưa nhận được tiền bảo hiểm. UBND TPHCM yêu cầu UBND quận 8 phối hợp với chủ đầu tư hướng dẫn, hỗ trợ các bên giải quyết thông qua tòa án.

Liên quan đến việc khắc phục vụ cháy thảm khốc làm 13 người chết tại chung cư Carina, UBND TPHCM giao UBND quận 8 phối hợp với chủ đầu tư (Công ty Hùng Thanh) tập hợp thông tin của người dân liên quan đến khó khăn về tiền bảo hiểm, bồi thường trong vụ cháy chung cư.

Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ thỏa thuận giải quyết chi phí bảo hiểm, bồi thường cho người dân. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận, UBND quận 8 hướng dẫn các bên giải quyết thông qua tòa án.

Vụ cháy chung cư Carina vào năm 2018 khiến 13 người tử vong (ảnh: Đình Thảo)

UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương giải quyết các vướng mắc liên quan đến vụ cháy Carina theo quy định của pháp luật; đề xuất UBND TP xem xét, giải quyết nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền.

Trước đó, Sở Xây dựng TP có báo cáo về việc chủ đầu tư cơ bản hoàn thành khắc phục, sửa chữa sau vụ cháy chung cư Carina, ngoại trừ công tác kiểm nghiệm nước uống. Chủ đầu tư đang thay mới 6 thang máy cho block A và B, sửa chữa những nơi bong tróc gạch sàn nhà.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đã có 473/736 hộ dân trở về chung cư. Tính đến cuối tháng 11/2018, chủ đầu tư đã chi tạm ứng cho sự cố cháy nổ với tổng số tiền hơn 102 tỷ đồng gồm: bồi thường xe máy, ô tô, thuê nhà ở cho hộ dân, sửa chữa công trình… Tuy nhiên các chi phí này chưa được đơn vị bảo hiểm đền bù.

 Vụ cháy khiến hàng trăm xe máy, ô tô bị cháy hoàn toàn hoặc một phần (ảnh: Đình Thảo)

Chung cư Carina Plaza nằm trên khu đất rộng gần 20.000 m2 ở đường Võ Văn Kiệt, với hơn 700 hộ dân. Rạng sáng ngày 23/3/2018, lửa xuất phát từ xe máy trong hầm chung cư, sau đó lan rộng thiêu rụi hoàn toàn hoặc một phần hơn 300 xe máy, gần 20 ô tô.

Vụ cháy khiến 13 người tử vong, gần 100 người nhập viện. Hậu quả vụ cháy này được xem là nặng nề nhất trong hơn chục năm qua tại thành phố, chỉ sau thảm họa cháy Trung tâm thương mại (ITC) năm 2002 làm 60 người tử vong.

Theo Dân trí/Phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận 9 (TP. HCM): Quản lí đô thị kiểu "ba rọi"

Thị trường đất quận 9 nóng sốt là nhờ vào đẩt nền phân lô. Tuy nhiên, nhiều khu vực dù không thuộc đất được cấp phép phân lô, nhưng nhờ những "phép màu" nó vẫn được san lấp và rao bán như các sản phẩm chính thống. Thậm chí còn được bao xây dựng thành nhà. Những căn nhà không phép, san lấp vô tội vạ đang diễn ra rầm rộ là nhờ "phép màu" trong công tác quản lý đô thị của UBND quận 9 và dưới dự giám sát "tích cực" của lực lượng Thanh tra Xây dựng địa bàn thuộc Sở Xây dựng TP.HCM