Cử tri và nhân dân đánh giá cao việc ứng phó, ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19

13/05/2020 15:33

Kinhte&Xahoi Cử tri và nhân dân tin tưởng, đồng tình, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã ứng phó, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Cử tri và nhân dân mong muốn thực hiện tốt phương án phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với phòng, chống dịch.

Đây là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chuẩn bị khai mạc vào ngày 20-5 sắp tới.

Cử tri và nhân dân đánh giá Chính phủ đã có giải pháp nhằm ổn định thị trường, kịp thời ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ đến DN và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, cử tri và nhân dân tin tưởng và phấn khởi khi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được triển khai kịp thời, góp phần ổn định đời sống người dân.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình hình suy giảm của nền kinh tế, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã dẫn đến nhiều DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, lao động mất việc làm, thiếu việc làm tăng. Giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường có nhiều biến động, một số đối tượng lợi dụng gom hàng, đẩy giá lên cao.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22,7 nghìn DN, tăng 33,6%; gần 14 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I-2020 ước tính là 2,02%.

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cử tri và nhân dân bày tỏ băn khoăn trước những thay đổi và điều chỉnh về phương án thi tốt nghiệp THPT và phương thức tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm học 2020 - 2021. Còn trong lĩnh vực y tế, cử tri và nhân dân đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, với nhiều tấm gương tận tâm hết mình, xông pha trên tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, với một số cán bộ lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, cần được khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm.

Cũng theo ý kiến cử tri, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và môi trường, các địa phương đã quan tâm kiểm soát và xử lý các hành vi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, tình trạng xả thải chưa qua xử lý vẫn diễn ra ở nhiều đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; lượng rác thải sinh hoạt, nhất là rác thải nhựa trong các khu dân cư còn nhiều; công tác thu gom, xử lý rác, chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Cử tri và nhân dân cũng lo lắng trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép và chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi; tình trạng sạt, lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giông lốc, mưa đá ở một số tỉnh miền núi phía Bắc diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được triển khai khá đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Theo Bộ Nội vụ, có 45 tỉnh, TP thực hiện sáp nhập cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, qua đó giảm được 6 huyện, 560 xã. Đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được hồ sơ đề án sắp xếp huyện, xã của 42/45 địa phương, tổ chức thẩm định đề án và trình Chính phủ thống nhất hồ sơ sắp xếp cấp huyện, cấp xã của 40 địa phương. Tuy nhiên, cử tri mong muốn trong quá trình thực hiện sắp xếp cần có lộ trình, giải pháp phù hợp hơn, vừa đảm bảo mục tiêu giảm đầu mối, giảm biên chế, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời giải quyết hài hòa, hợp lý đối với một số cán bộ, công chức dôi dư ở cơ sở…

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN kiến nghị 5 vấn đề. Trong đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 phù hợp với tình hình chung và từng địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt phương án phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với phòng, chống dịch; triển khai nhanh và kiểm soát chặt chẽ các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội, bảo đảm phát huy hiệu quả, tránh tiêu cực, lãng phí…


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công an Hà Nội đấu tranh quyết liệt với tội phạm, tệ nạn xã hội trong mùa dịch Covid 19

Trong thời điểm cả nước đang tập trung, nỗ lực phòng chống dịch bệnh, Công an Hà Nội cùng với nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch bệnh đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội có liên quan đến dịch bệnh Covid 19. Đợt cao điểm này được triển khai thực hiện từ 15.4 đến 14.6.2020. Sau hơn 20 ngày mở đợt cao điểm, Công an thuộc các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã liên tiếp đấu tranh, khám phá nhiều vụ án về hình sự, kinh tế, ma túy.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/cu-tri-va-nhan-dan-danh-gia-cao-viec-ung-pho-ngan-chan-hieu-qua-dich-covid-19-192658.html