Cục trưởng Cục quản lý Y dược cổ truyền nói gì về tình trạng dược liệu không rõ nguồn gốc trôi nổi ngoài thị trường?

14/10/2020 07:56

Kinhte&Xahoi Một số doanh nghiệp đề nghị Bộ Y tế cần làm rõ việc, vì sao hiện nay nguồn dược liệu không rõ nguồn gốc vẫn trôi nổi ngoài thị trường.

Có hay không doanh nghiệp độc quyền dược liệu?

Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp cho rằng, Cục quản lý Y dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế đã buông lỏng quản lý trong việc kiểm soát nguồn dược liệu được nhập khẩu vào Việt Nam.

Cụ thể một số doanh nghiệp cho biết: Trong thời gian qua, để thực hiện Luật dược 105 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54 và 155, trong đó quy định điều kiện nhập khẩu dược liệu và giao Cục quản lý Y dược cổ truyển cấp phép nhập khẩu.

Trong quá trình thực hiện việc cấp phép cho các doanh nghiệp, Công ty CP dược Nam Yên đã nhập hàng trăm tấn dược liệu kém chất lượng về Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục quản lý Y dược cổ truyền.

Lãnh đạo Cục đã không xử lý các lô kém chất lượng và chỉ thu hồi đơn hàng nhập khẩu nên dẫn đến hàng trăm tấn dược liệu kém chất lượng vẫn lưu hành công khai trên thị trường hoặc đưa vào nhà máy sản xuất và các bệnh viện để sử dụng điều trị cho người bệnh.

Việc xét duyệt các đơn hàng nhập khẩu không minh bạch, Cục quản lý Y dược cổ truyền tự động không cho nhập một số mặt hàng dược liệu mà các doanh nghiệp đang có được sản xuất lưu hành trong nước dẫn tới ảnh hưởng đến việc sản xuất theo quy định trong Nghị định 54 về việc ban hành quy định danh mục dược liệu đáp ứng nhu cầu, khả năng trồng trọt giá hợp lý, vậy mà 4 năm nay Cục không ban hành được văn bản nêu trên.

Trong khi lại tự động không cho các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phải có cơ chế xin cho mới cho nhập dẫn đến một số doanh nghiệp được độc quyền một số dược liệu, còn lại không có dược liệu để dùng hoặc phải mua lại với giá cao, hoặc mua của những nơi trồng trọt trogn nước không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn dược điển hoặc từ các nguồn hàng nhập lậu trôi nổi trên thị trường.

Theo Thông tư 13 của Bộ Y tế quy định, việc các đơn vị sản xuất, kinh doanh vi phạm chất lượng thuốc phải được xử lý và đăng tải vi phạm trên cổng thông tin của Cục quản lý Y dược cổ truyền, rất nhiều trung tâm kiểm nghiệm gửi kết quả vi phạm chất lượng thuốc của doanh nghiệp về Cục nhưng Cục không đăng tải.

Việc đấu thầu đưa dược liệu vào bệnh viện. Theo quy định phải nhập hết dược liệu nhưng chỉ nhập khẩu với số lượng rất ít để đi đấu thầu, khi trúng thầu thì các Công ty này hầu hết lấy hàng trôi nổi và hàng lậu để đưa cho các bệnh viện dẫn đến con số lợi nhuận khủng khiếp trong việc rút ruột bảo hiểm y tế.

Việc tiến hành hậu kiểm, kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh và hoạt động khám chữa bệnh là công việc rất quan trọng của cơ quan quản lý.

Việc kiểm tra chất lượng dược liệu, kiểm tra việc sử dụng dược liệu và thuốc có nguồn gốc xuất xứ theo quy định, trên thị trường và trong các cơ sở khám chữa bệnh dẫn đến các dược liệu bị trà trộn giữa nhập lậu và nhập chính ngạch lưu hành cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh bị đội giá thành và chất lượng rất kém.

Cục quản lý Y dược cổ truyền- Bộ Y tế.

“Không có việc buông lỏng quản lý”?

Để làm rõ những nội dung phản ánh của một số doanh nghiệp liên quan đến việc, các sản phẩm dược liệu không rõ nguồn gốc vẫn trôi nổi ngoài thị trường, PV báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục quản lý Y dược cổ truyền, tại buổi làm việc, ông Thịnh cho biết: “Thực tế hiện nay, vẫn còn tình trạng các dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn trôi nổi ngoài thị trường. Tuy nhiên trách nhiệm này không thuộc về Cục, mà thuộc về Quản lý thị trường, Sở Y tế các địa phương”.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Thịnh: “Cục không buông lỏng quản lý, đối với Công ty CP dược Nam Yên, khi doanh nghiệp này vi phạm, Cục đã yêu cầu dừng việc nhập khẩu các dược liệu và đến nay, Cục chưa cho phép hoạt động trở lại”.

“Thực tế hiện nay, hầu hết các nguồn dược liệu đều phải nhập khẩu từ Trung quốc, vì Trung Quốc rất đa dạng và nhiều cây dược liệu”, ông Thịnh cho hay.

Về một nội dung phản ánh liên quan đến Website của Cục thường xuyên không truy cập được, ông Nguyễn Thế Thịnh lý giải, đấy là do đơn vị vận hành Website chứ không phải lỗi của Cục, hiện nay lỗi này đã được khắc phục.

Về nội dung một số doanh nghiệp cho rằng, Cục thường xuyên tổ chức hội họp nhưng không hiệu quả? Ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết: “Việc hiệu quả hay không thì do từng doanh nghiệp đánh giá, nhưng theo tôi khẳng định, Cục tổ chức các cuộc họp với các doanh nghiệp đều phát huy hiệu quả”.

"Hiện nay, Cục quản lý Y dược cổ truyền đã gửi văn bản đên nhiều Sở Y tế các địa phương yêu cầu kiểm soát các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu, ngăn chặn tình trạng dược liệu không rõ nguồn gốc trôi nổi ngoài thị trường", ông Thịnh thông tin.

Bộ Y tế nói gì xung quanh vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

 Nhật Minh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội thành công tốt đẹp

Ngày 13-10, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội bước sang ngày làm việc cuối cùng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII được tiến hành vào chiều 12-10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã bầu Ban Thường vụ Thành ủy gồm 16 đồng chí; bầu Bí thư Thành ủy, các Phó Bí thư Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/cuc-truong-cuc-quan-ly-y-duoc-co-truyen-noi-gi-ve-tinh-trang-duoc-lieu-khong-ro-nguon-goc-troi-noi-ngoai-thi-truong-d137636.html