“Cuộc cách mạng” trong quản lý dân cư

01/05/2020 07:02

Kinhte&Xahoi Một trong những nội dung thu hút sự chú ý nhất của dư luận tại phiên họp thứ 44 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, là cho ý kiến về dự án Luật Cư trú sửa đổi.

Thay đổi theo hướng hiện đại, nhanh gọn, thống nhất

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lần này có những nội dung mới làm thay đổi cơ bản cung cách quản lý cư trú hiện nay theo hướng hiện đại, nhanh gọn và thống nhất. 

Dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy; bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC).

Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.

Dự thảo luật bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung 2013)…

Với về điều kiện đăng ký thường trú vào TP trực thuộc TW, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng so với đăng ký thường trú vào tỉnh. Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các TP lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này. 

“Thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các TP lớn, trong đó có các TP trực thuộc TW vẫn rất cao. Nhiều người mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết.

Do vậy, Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc TW, việc đăng ký thường trú tại các tỉnh thành là như nhau, không có sự phân biệt; và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo luật quy định bãi bỏ Khoản 3, Khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định công dân được đăng ký lại nơi thường trú ban đầu khi trở về địa phương sinh sống.

Bốn lý do cấp bách

Một trong những nội dung được các Uỷ viên UBTVQH tán thành cao là “Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”.

Đại tướng Tô Lâm cho rằng, việc sửa đổi Luật Cư trú lần này được xây dựng với yêu cầu rất rõ ràng là “thực hiện yêu cầu về bảo đảm trật tự, an ninh trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước, phát triển KTXH, thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hoá TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về cư trú”.

Nói rõ hơn, ông Lâm nêu 4 lý do chính. 

Thứ nhất, bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân. Hiến pháp 2013 đã quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, quyền bầu cử, ứng cử, học tập, làm việc, sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở … là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Quản lý cư trú liên quan trực tiếp đến những quyền này. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Cư trú là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thứ hai, việc sửa đổi Luật Cư trú góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới. Tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người, gây lo lắng trong Nhân dân.

Nếu được Quốc hội thông qua, Sổ hộ khẩu giấy sẽ không còn giá trị từ 2021.

Thứ ba, thực hiện việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan công tác đăng ký, quản lý cư trú. Hiện trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC, nhất là đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân; nên việc thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký cư trú cho công dân cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với hình thức quản lý mới cũng như yêu cầu quản lý dân cư trong tình hình mới.  

Thứ tư, đáp ứng yêu cầu ứng dụng KHCN tiên tiến trong công tác quản lý cư trú. Trong điều kiện nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hóa công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu KHCN tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới; để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa TTHC, giấy tờ cho công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. 

“Người dân mất sổ hộ khẩu như mất sổ gạo trước đây” 

Trả lời một số băn khoăn của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc tổ chức triển khai dự án CSDLQGVDC đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP HCM; triển khai thu thập thông tin dân cư và tổ chức cấp hơn 16 triệu số định danh cá nhân cho công dân thông qua công tác cấp căn cước công dân.

“Trong thời gian tới sẽ phổ biến việc cấp căn cước công dân trên địa bàn toàn quốc”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và môi trường Phan Xuân Dũng nói “đây là cuộc cách mạng trong quản lý dân cư của chúng ta”. Theo ông Dũng, “sổ hộ khẩu” đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân nên mỗi khi người dân bị so sánh mất “sổ hộ khẩu” như mất “sổ gạo” thời bao cấp trước đây. Vì vậy, bỏ được “sổ hộ khẩu”, “sổ tạm trú” chính là bỏ tư duy quản lý kiểu quan liêu, bao cấp, mệnh lệnh, thủ công và dễ nảy sinh tiêu cực. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhất trí cao và chỉ đề nghị Bộ Công an sớm có Báo cáo đánh giá tác động và Báo cáo tổng kết thi hành Luật Cư trú đầy đủ, toàn diện để các đại biểu có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này khi thảo luận, cho ý kiến vào Kỳ họp tới đây.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ hoan nghênh với những sửa đổi tiến bộ của dự thảo Luật lần này. Bởi người dân đã “khổ sở về cái sổ hộ khẩu này lắm rồi. Đi đâu, làm gì cũng phải kè kè sổ hộ khẩu bên mình”.

“Người dân mất sổ hộ khẩu như mất sổ gạo trước đây, bản thân tôi cũng đã từng mất sổ hộ khẩu nên rất hiểu vấn đề này”, bà Ngân nói. Đây cũng chính là việc “cụ thể hoá” quy định tại Điều 23 Hiến pháp 2013 và nhấn mạnh việc quy định hạn chế các quyền của công dân phải được quy định trong luật, chứ không quy định tại các văn bản dưới luật.

Tại phiên họp, các Uỷ viên UBTVQH thống nhất việc cần thiết đưa dự án Luật này ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5/2020, dự kiến thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2020, có hiệu lực vào 2021.

Đại diện cho cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú chứ không chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều.

Ông Tùng cũng đề nghị, “cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo luật về điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, xoá đăng ký thường trú, quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú… nhằm bảo đảm cho các quy định này không gián tiếp tạo thành rào cản đối với công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú”, tức là không "đẻ" ra các thủ tục nhiêu khê khác”. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xây dựng mô hình cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19

Với mục tiêu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã chủ động xây dựng mô hình “cụm dân cư an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19”, đáp ứng đầy đủ các nội dung trong phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cuoc-cach-mang-trong-quan-ly-dan-cu-d123394.html