Cựu đại úy từng náo loạn sân bay và 17 đồng phạm bị xử phạt tù về tội cướp tài sản

24/09/2022 17:00

Kinhte&Xahoi Với hành vi bắt nhân viên nữ lên mạng xã hội tìm khách đến quán rồi "dí bill" ép khách phải thanh toán tiền, cựu đại úy Lê Thị Hiền từng gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất, cùng đồng phạm bị tuyên phạt tù về tội "Cướp tài sản".

Sau hai ngày xét xử và nghị án, ngày 24/9, TAND quận Đống Đa (Hà Nội) đã tuyên phạt 18 bị cáo trong vụ án "Cướp tài sản", tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hiền (SN 1983, cựu đại úy, từng công tác tại Công an quận Đống Đa) mức án 7 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 năm 6 tháng đến 8 năm tù.

Hội đồng xét xử xác định, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần xử lý nghiêm.

Lê Thị Hiền từng được biết đến là đại úy trong ngành Công an. Sau vụ gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất hơn 3 năm trước, Lê Thị Hiền đã ra khỏi ngành.

Lê Thị Hiền gây náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất hơn 3 năm trước (Ảnh cắt từ clip)

Theo cáo trạng, năm 2019, Vũ Anh Hoàng (sinh năm 1991, ở Quảng Ninh), Nguyễn Đức Thăng (sinh năm 1992, ở Hà Nội) và Lê Thị Hiền cùng góp vốn ban đầu khoảng hơn 2 tỷ đồng để mở quán Magic Lounge (trong đó bị cáo Hiền góp 20%) ở phố Tôn Đức Thắng, kinh doanh đồ uống, bóng cười.

Theo phân công, Hoàng có nhiệm vụ thu thập cách thức hoạt động hiệu quả của các quán khác để áp dụng cho quán Magic. Thăng phụ trách chạy quảng cáo để tìm kiếm khách, còn Hiền quản lý hậu cần, thu chi, giám sát hoạt động và lo đối ngoại. Lợi nhuận của quán sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp của mỗi người.

Tháng 3/2020, Hoàng, Thăng, Hiền ký hợp đồng thuê Nguyễn Thị Minh Trang (sinh năm 1993, ở quận Hà Đông, Hà Nội) lên chương trình hoạt động cho quán Magic.

Sau đó, Trang tuyển nhân sự và lên quy trình hoạt động của quán Magic qua Facebook cho nhóm cổ đông, trong đó có cách thức tìm kiếm khách qua mạng xã hội Tinder. Nếu thấy khách có tiền, họ sẽ tìm cách đẩy thêm đồ ăn (hoa quả, đồ uống, rượu, bia), bóng cười… để buộc khách thanh toán hoặc để lại tài sản có giá trị.

Do dịch bệnh COVID-19, quán Magic không có khách. Để hoàn thành hợp đồng, Trang áp dụng cách cho nữ nhân viên của quán lên các trang mạng xã hội như Tinder, Badoo… để hẹn hò, làm quen, lôi kéo khách đến quán rồi đưa đồ ăn, đồ uống, bóng cười... lên. Sau đó, nhân viên bỏ trốn, để khách ở lại thanh toán tiền.

Trang cũng cho lập "đội bảo an" gồm các nhân viên nam có nhiệm vụ đánh, ép khách nếu không chịu trả tiền. Cách thức này trong quán gọi là “dí bill”. Trong tháng 3/2021, Trang hoàn thành tất cả các mục tiêu ký hợp đồng nên nhóm cổ đông muốn ký hợp đồng mới để cô này tiếp tục đem lại lợi nhuận.

Hoàng và Thăng thống nhất Trang sẽ nhận khoán chạy doanh thu trong 3 tháng và được hưởng phần trăm theo doanh số. Trang nói với Hoàng và Thăng, nếu chỉ tiêu doanh số cao như vậy thì phải đẩy mạnh hình thức “dí bill” nhưng sợ rằng nếu làm mạnh sẽ dễ liên quan đến pháp luật.

Hoàng và Thăng hứa, nếu liên quan đến pháp luật thì ban cổ đông đứng ra giải quyết. Sau khi thỏa thuận với Trang, Hoàng và Thăng trao đổi lại với Hiền về việc mỗi tháng sẽ trích từ doanh thu 31 triệu đồng để Hiền chi cho các quan hệ đối ngoại, để vi phạm của quán không bị cơ quan chức năng xử lý.

Về phần mình, để đảm bảo doanh số như thỏa thuận, Trang yêu cầu các nhân viên nữ dùng các ứng dụng hẹn hò trên mạng xã hội làm quen với khách nam rồi lôi kéo đến quán. Trước khi khách đến, nhân viên sẽ gọi đồ, bày sẵn ra bàn. Sau khi khách đến chơi một lúc, các nhân viên sẽ bỏ trốn, khách bị quán bắt trả số tiền này, nếu không có tiền thì phải để lại tài sản. Khách nào không chịu trả tiền sẽ có các nam nhân viên ra nói chuyện, đe dọa.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, từ tháng 1/2021, quán Magic Lounge áp dụng "dí bill". Hiền cùng các cổ đông đều biết việc này nhưng vẫn đồng ý để thu lời bất chính.

Cơ quan tố tụng làm rõ các bị cáo đã gây ra 4 vụ cướp tài sản. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của 4 người là hơn 84 triệu đồng. Điển hình là đêm 31/3/2021, anh Đ (ở Hà Nội) đến quán Magic để gặp một cô gái quen qua mạng xã hội tên Trang (nhân viên do quản lý của quán điều hành).

Sau khi vào bàn A9 ngồi cùng Trang, anh Đ ra về thì bị Nguyễn Thị Minh Trang và 2 bảo vệ chặn lại, ép thanh toán hơn 35 triệu đồng phí đồ ăn, thức uống. Khi khách hàng từ chối, nhóm nhân viên bảo an của quán đánh đập, nhốt anh Đ trong phòng tầng 3 rồi tiếp tục hành hung. Bị đánh nhiều lần nên sáng 1/4/2021, anh Đ đã chuyển khoản số tiền trên cho Đinh Quốc Dũng. Sau đó, Dũng chuyển tiếp tiền cho Lê Thị Hiền.

Cơ quan tố tụng cho rằng, đây là vụ án đồng phạm, trong đó, Lê Thị Hiền là một trong 4 người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy thực hiện việc phạm tội. Lê Thị Hiền và 3 người khác phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cướp tài sản, tổng cộng hơn 84 triệu đồng.

 Thành Lộc- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốchttps://tuoitrethudo.com.vn/cuu-dai-uy-tung-nao-loan-san-bay-va-17-dong-pham-bi-xu-phat-tu-ve-toi-cuop-tai-san-206512.html