Đại bản doanh trận thủy chiến Bạch Đằng ở Hải Phòng hay Quảng Ninh?

10/01/2020 09:36

Kinhte&Xahoi Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng khẳng định, mảnh đất Thủy Nguyên (Hải Phòng) là trận địa cơ bản trong chiến dịch Bạch Đằng, nhưng nhân dân ở cả Thủy Nguyên và Quảng Yên (Quảng Ninh) đều tham gia đánh địch.

Quảng trường Chiến Thắng Khu di tích Bạch Đằng Giang tại Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Những ngày qua, sau khi 27 cọc gỗ, 21 hố đen được phát hiện ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) liên quan đến trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288, có nhiều ý kiến tranh luận về đại bản doanh của trận thủy chiến này.

PV VTC News có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Đoàn Trường Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Hải Phòng để tìm hiểu thêm về đóng góp của bãi cọc gần nghìn năm tuổi vừa được phát lộ ở cánh đồng Cao Quỳ trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 và những nhận định về đại bản doanh của trận thủy chiến lẫy lừng trong lịch sử này.

- Dựa trên các tư liệu cùng những chứng tích lịch sử được khai quật, ông nhận định thế nào về các căn cứ địa được chọn khi diễn ra trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần?

Ngoài các cọc gỗ vừa được khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) còn tồn tại bãi cọc được tìm thấy trước đó ở khu vực Trại giam Xuân Nguyên (xã Lại Xuân).

Hai bãi cọc này có vị trí ngăn chặn quân địch không vào sông Giá nhằm phân tán lực lượng, đẩy địch về sông Bạch Đằng, dồn vào khu phục binh của ta.

Đền thờ Trần Hưng Đạo tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Bãi cọc gỗ ở sông Chanh (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) là chốt chặn cuối cùng. Sau khi quân địch dồn tới đây bị quân dân ta chặn đánh, tiêu diệt làm nên chiến thắng lịch sử Bạch Đằng Giang tháng 4/1288.

Theo các tư liệu, xã Liên Khê có 5 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia. Trên cả nước, chỉ xã Liên Khê mới có điều này. Trong đó, ít nhất 3 di tích liên quan tới thời Trần Hưng Đạo, như vậy phải liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Mảnh đất Thủy Nguyên dày đặc các di tích lịch sử và dấu ấn ghi nhận chiến thắng năm 1288. Các trận địa phục kích, tổ chức đánh địch chủ yếu trên vùng đất này.

Lực lượng bộ binh, thủy binh… đều có thể tập luyện và chiến đấu ở địa hình của Thủy Nguyên. Theo tôi, nơi đây là đại bản doanh của vua Trần và Trần Hưng Đạo đóng quân, chỉ huy trận đánh.

- Những địa danh nào của Thủy Nguyên liên quan tới chiến dịch Bạch Đằng Giang để minh chứng nơi đây là trung tâm chỉ huy trận đánh, thưa ông?

Trong huyện Thủy Nguyên có khoảng 15 đền thờ các tướng tham gia đánh trận năm 1288. Tiêu biểu như di tích đền Thụ Khê, đền thờ Trần Quốc Bảo, Vũ Nguyên, Lý Hồng, Trần Độ, Trần Hộ, Lại Văn Thanh, Trần Quốc Nghiễn, Vũ Đại…

Bên cạnh đó còn có hai địa danh Lưu Kỳ, Lưu Kiếm. Đây là hai đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Thủy Nguyên, có vị trí gần bãi cọc được khai quật, trước đều thuộc tổng Trúc Động.

Trần Hưng Đạo khi về đóng quân ở đây, tổ chức trận đánh, dân trong làng có nhiều đóng góp trong việc nuôi quân, dựng bãi cọc. Sau chiến thắng, trước khi rút quân, Trần Hưng Đạo truyền lại cho dân làng một thanh kiếm báu và một lá cờ. Từ đó, có tên hai xã Lưu Kỳ, Lưu Kiếm.

Điều này chứng minh trận địa cơ bản nằm trên đất Thủy Nguyên nhưng nhân dân ở cả Thủy Nguyên và Quảng Yên (Quảng Ninh) đều tham gia đánh địch.

Diễn biến trận Bạch Đằng ngày 9/4/1288 được sử sách ghi chép lại.

Xét về kích thước, cọc gỗ có niên đại gần nghìn năm tuổi được tìm thấy ở cánh đồng Cao Quỳ lớn hơn so với cọc gỗ tại Quảng Yên, thưa ông?

Các cọc gỗ ở sông Chanh (Quảng Yên) là bãi cọc bí mật, vót nhọn, được đóng dày, đơn độc, ngụy trang bởi thủy triều với mục tiêu sau khi địch dồn vào đây, quân ta dùng hỏa công tiêu diệt. Hơn nữa, sóng ở đây rất lớn nên chúng ta không thể mang cọc to đóng xuống được.

Cọc gỗ ở cánh đồng Cao Quỳ không được vót nhọn, đóng theo hình zíc zắc, khoảng cách giữa 2 cọc gỗ rộng. Ở thân cọc gỗ có các nấc để néo các cọc với nhau tạo thành bức tường vững chắc.

Việc bố trí hai bãi cọc khác nhau trong chiến dịch Bạch Đằng Giang cũng quyết định tính chất các cọc gỗ.

Khu vực phát hiện ra bãi cọc đồi núi nhiều, cây rừng xanh tốt. Các nghiên cứu cho thấy trong trận chiến này, cây được lấy trên rừng ngay tại chỗ. Cứ có cây là chặt làm cọc để cắm, không kể loại nào.

Các cọc gỗ vừa được tìm thấy chủ yếu là các loại lim, sến, táu. Đây là các loại gỗ tốt và rắn nhất nên vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Một số loại gỗ khác bị hoai mục theo thời gian. Vì thế, khi khai quật, các nhà khảo cổ còn tìm được 21 hố đen. Đây có thể là vị trí cọc gỗ đã mục, hoặc những cọc gỗ được dân tìm thấy nhiều năm trước.

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy có những cọc gỗ nằm nghiêng, nằm thẳng. Điều này có thể được lý giải, nhằm để tạo bức tường chắc chắn. Hơn nữa, theo thời gian với các hiện tượng tự nhiên như sóng, đất bồi, mực nước lên xuống… các cọc gỗ cũng không còn đứng thẳng như trước.

Cọc gỗ vừa được khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ.

- Cần những điều kiện gì để khẳng định bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ là một nghệ thuật quân sự dưới thời nhà Trần, thưa ông?

Chúng ta có hai cơ sở khoa học có thể chứng minh bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ có liên quan trận đánh Bạch Đằng.

Thứ nhất, kết quả giám định C14 một cây cọc gỗ cho niên đại 1270-1430 AD. Đây là khoảng thời gian diễn ra trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Bên cạnh đó, bãi cọc nằm ở vị trí sông Giá. Theo sử sách, đây là nơi ta bố trí trận, chặn địch không vào sông Giá. Có chiến thắng Trúc Động mới có chiến thắng Bạch Đằng.

27 cọc gỗ vừa được khai quật cũng đủ một phần đánh giá sơ bộ ban đầu. Thời gian tới, các nhà khoa học có kế hoạch tiếp tục mở rộng khu vực khai quật ở cánh đồng Cao Quỳ để đủ tư liệu, cơ sở chứng minh bãi cọc này có liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo VTC News/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-ban-doanh-tran-thuy-chien-bach-dang-o-hai-phong-hay-quang-ninh-d114792.html