Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Đã đến lúc bỏ kỳ thi THPT quốc gia?

11/11/2021 16:29

Kinhte&Xahoi Trước ý kiến đại biểu cho rằng, đã tới lúc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, kỳ thi đã được luật hóa. Kỳ thi có tác dụng đánh giá kết quả học tập của học sinh và đây vẫn là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh.

Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Chiều 11/11, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, hiện nay, nhiều trường đại học đào tạo tràn lan, tranh thủ thu hút sinh viên để có chi phí. Sinh viên ra trường phải giấu bằng cấp để tìm việc hoặc việc làm trái với ngành học. Đại biểu đặt câu hỏi: "Có nên yêu cầu cam kết của đại học về vấn đề việc làm cho sinh viên không?”.

Cũng theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, tình hình dịch bệnh kéo dài, gây bất ổn tâm lý xã hội và ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. "Có thể đã đến lúc bỏ kỳ thi THPT quốc gia, vì cùng một đất nước mà nơi thi, nơi không như vừa qua thì không có sự công bằng?".

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng khó để các trường đại học cam kết việc làm cho sinh viên.

Theo ông, các trường đại học đã phối hợp doanh nghiệp để dự báo nhân lực, cùng đào tạo nhưng quyền tuyển dụng là trong tay doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không dám đặt bút ký cam kết sử dụng bao nhiêu sinh viên của một trường. Do đó, việc này rất khó.

Về việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết kỳ thi đã được luật hóa. Kỳ thi có tác dụng đánh giá kết quả học tập của học sinh và đây vẫn là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh.

"Về kỳ thi năm 2022, chúng tôi đang lên kế hoạch để tổ chức linh hoạt hơn, căn cứ tình hình dịch bệnh. Bộ đang xây dựng ngân hàng đề lớn hơn, đáp ứng việc tổ chức thi linh hoạt, nhiều đợt, thậm chí có thể mỗi địa phương một kế hoạch thi. Như thế công tác tổ chức thi sẽ có nhiều khó khăn, tốt nhất vẫn là tổ chức một đợt thi hoặc một nhóm địa phương trong một đợt", người đầu ngành Giáo dục thông tin thêm.

Trước chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng việc dạy học trực tuyến chưa hiệu quả, có nên lùi lại một năm học, coi như năm nay là dự bị, kết quả đánh giá để năm học sau, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc học trực tuyến là phi truyền thống.

Hoạt động chuyển đổi số của thế giới và Việt Nam trên quy mô bổ trợ đã có từ lâu nhưng học trực tuyến chưa có tiền lệ nếu thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, trong quá trình thực hiện cần điều chỉnh và hoàn thiện là điều khó tránh khỏi.

"Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà không triển khai đánh giá. Học đến đâu cần kiểm tra đánh giá đến đó", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-chat-van-bo-truong-bo-gddt-da-den-luc-bo-ky-thi-thpt-quoc-gia-182726.html