Đại biểu Quốc hội: Cần một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa

22/10/2022 16:05

Kinhte&Xahoi Ngày 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và thực hiện ngân sách Nhà nước.

3 quan ngại trước thực tại

 Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ về kết quả kinh tế-xã hội năm 2022, tuy nhiên, đại biểu bày tỏ lo ngại 3 điều.

Cụ thể: Y tế cả nước đang chao đảo, nhiều lãnh đạo, cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, thiếu kháng sinh phẩm - vật tư y tế... Dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Đại biểu nhấn mạnh, y tế là trụ đỡ quan trọng cho an sinh xã hội, nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng, vì vậy mong Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí thảo luận tại tổ

Lo ngại thứ 2, theo đại biểu Trí là có quá nhiều cán bộ, công chức viên chức vi phạm kỷ luật bị xử lý. “Chưa có thời điểm nào tình trạng vi phạm lại nhiều như hiện nay, tháng nào Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng thông báo kỷ luật. Đây là nỗi buồn rất lớn mặc dù chúng ta luôn ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng”- ông nói.

Lo ngại thứ 3 đại biểu Trí nêu ra là “giải ngần đầu tư công như căn bệnh trầm kha”, 9 tháng mới đạt 46,7% kế hoạch. Việc này ảnh hưởng tới công ăn việc làm, thu nhập, an sinh xã hội của người lao động…Do đó, cần có biện pháp hữu hiệu hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, khi tiếp xúc cử tri, bà đã nhận được nhiều ý kiến của người dân với mong muốn phát triển nông nghiệp, băn khoăn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao khi tại các khu vực nông thôn chỉ còn người già, thanh niên không mặn mà với lĩnh vực này. Vì thế, Chính phủ cần sớm có các giải pháp để tháo gỡ tình trạng này, cần có chính sách đặc thù cho Hà Nội để tạo nên nền nông nghiệp đặc trưng của Thủ đô.

Còn theo đại biểu Lê Quân, hầu hết các chỉ số kinh tế-xã hội đều đạt ngoài mong đợi sau thời kỳ COVID-19, tuy nhiên ông cho rằng “chúng ta hơi lạc quan”, đặc biệt trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động.

Vì thế, với các các chỉ số năm 2023, đặc biệt là các chính sách tài khóa, tiền tệ đại biểu cho rằng phải điều chỉnh linh hoạt; Dự báo cần nhấn mạnh hơn đến các nguy cơ của thế giới sẽ tác động đến tình hình kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền cho tiêu dùng có thể gián đoạn, rồi vấn đề du lịch, dịch vụ thời kỳ hậu COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng. Ngoài ra là vấn đề nợ xấu, đặc biệt là dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Cùng với đó, cần chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo, khoa học công nghệ trong năm 2023.

Quang cảnh thảo luận tại tổ của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Cần sự chung tay trong giải quyết vấn đề đạo đức xuống cấp

 Quan tâm tới nội dung phát triển văn hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn đánh giá cao việc báo cáo của Chính phủ đã nhấn mạnh nội dung về văn hoá (có tới 27 dòng dành cho văn hoá), thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt đối với văn hoá như là hệ điều tiết đối với phát triển đất nước hiện nay.

“Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện, từ chuyện chúng ta cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn về phát triển văn hoá. Chúng ta đã có thành công nhờ đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế, giờ đây là lúc chúng ta thực sự rất cần một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hoá. Ở đó, văn hoá là sức mạnh nội sinh của dân tộc, là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước”- đại biểu nói.

Đại biểu cũng lưu ý, những vấn đề nhức nhối về văn hoá đôi khi lại không hoàn toàn từ chính văn hoá, mà bắt nguồn từ chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ hay hội nhập quốc tế. Vì vậy, giải quyết vấn đề về văn hoá, đạo đức xã hội cần giải pháp tổng thể, cần sự chung tay chung sức của các cấp, các ngành, các địa phương, không để ngành văn hoá đơn phương, độc mã trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

“Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn, giờ là lúc chúng ta bắt tay hành động nhiều hơn”- ông Sơn nói.

Cũng theo đại biều, ngôn ngữ tiếng Việt đang trải qua một giai đoạn biến đổi hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến sự trong sáng của tiếng Việt và bầu không khí trong lành của văn hoá. Cách đây 56 năm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát động phong trào giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Giờ đây sự trong sáng ấy không những không được cải thiện mà còn có nguy cơ bị vẩn đục nhiều hơn. Sự lai căng, lệch chuẩn, sính ngoại, tuỳ tiện trong việc sử dụng ngôn ngữ, trong đó có cả ở các phương tiện truyền thông, vừa là biểu hiện vừa là nguyên nhân của sự xuống cấp văn hoá và đạo đức xã hội.

“Chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn để trả lại sự trong sáng của tiếng Việt, cho văn hóa”- đại biểu nêu quan điểm.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sinh viên thuê trọ thời “bão giá”

Càng gần thời điểm bắt đầu năm học mới của các trường đại học cũng là lúc nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao. Cùng với những tác động của vật giá leo thang, giá thuê phòng trọ cũng tăng chóng mặt trong thời điểm này. Dù vậy, nhiều bạn vẫn tìm được những cách riêng để đối mặt với câu chuyện tìm nhà thời “bão giá”.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-mot-cuoc-doi-moi-trong-linh-vuc-van-hoa-208617.html