Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng kinh phí hỗ trợ tiền thuê trọ, xây dựng nhà ở công nhân

07/01/2022 15:53

Kinhte&Xahoi Sáng 7/1/2022, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại Quốc hội

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, việc Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất kịp thời và cần thiết.

Gói tài khóa tiền tệ nhằm mục đích kích thích và tạo sự đột phá, giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn cũng như không để lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế của thế giới.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng góp ý nhiều vấn đề xoay quanh nội dung này. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, mục tiêu cốt yếu của chương trình là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời gian nhất định sẽ thu được chi phí lớn hơn. “Vấn đề hiệu quả thực tế chương trình phải đạt được là trả lời câu hỏi: Với mức chi lớn, chúng ta sẽ thu lại kết quả gì? Với mục tiêu như vậy, chương trình cần quy định rõ hiệu quả nguồn lực, hiệu quả đầu ra. Tuy nhiên, đối chiếu với nội dung nghị quyết, vấn đề này chưa được cụ thể hóa. Nếu không có cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Đại biểu Mai cũng kiến nghị cần bổ sung căn cứ nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để phân bổ đầu tư nguồn lực tương ứng với từng gói chính sách. Về danh mục dự án, đại biểu đề nghị tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể, gồm những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. “Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cũng cần có những bước đi thực sự vững chắc, cốt lõi chúng ta cần đạt được là hiệu quả thực chất”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nêu 5 vấn đề cụ thể về thị trường lao động, trong đó tình trạng mất việc, giảm, giãn việc làm trong 4 đợt dịch vừa qua đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới người lao động. Chỉ tính riêng quý III/2021, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Trong đó, hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giảm, giãn giờ làm việc.

Đại biểu cũng nhận định, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động bị thu hẹp; Xuất hiện những nhóm lao động bị tổn thương; tính bền vững của quan hệ lao động đang có nguy cơ bị xâm phạm và qua đại dịch đã bộc lộ những hạn chế trong quản lý thị trường lao động thời công nghệ.

Do đó, theo đại biểu, đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề lao động. “Nghị quyết này cần tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng cả với lao động chính thức, lao động khu vực phi chính thức. Hiện nay, dự thảo đã dành khoảng 6.600 tỷ đồng cho chính sách này và chỉ dành cho người lao động chính thức là chưa phù hợp”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị.

Đại biểu Thủy cũng cho rằng, cần dành khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân, đồng thời dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-tang-kinh-phi-ho-tro-tien-thue-tro-xay-dung-nha-o-cong-nhan-187499.html