Đại biểu Quốc hội mong giá điện giảm, Bộ trưởng Công Thương nói đợi 2024!

07/09/2020 16:21

Kinhte&Xahoi 9 lần điều chỉnh, giá điện chỉ tăng. Khi nào có thể bàn chuyện giảm giá điện? Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh quả quyết, đến 2024, giá điện sẽ có tăng, có giảm, do thị trường quyết định…

Nhà nước sẽ “thả” giá điện!

Phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030, Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - ngân sách Hoàng Quang Hàm chất vấn, từ năm 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh giá điện bán lẻ, trong đó cả 9 lần đều điều chỉnh tăng chứ không điều chỉnh giảm. Có ý kiến cho rằng lý do là biểu giá bán lẻ điện lỗi thời... Ông Hàm băn khoăn, đến bao giờ chúng ta có thể bàn chuyện giảm giá điện?

Đại biểu cũng nêu quan điểm phải thật sự công khai, minh bạch và bình đẳng trong phát triển điện lực theo cơ chế thị trường.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm hiện là Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để từng bước hoàn thiện môi trường điện cạnh tranh. Đến nay môi trường phát điện cạnh tranh đã hoàn chỉnh, 94 nhà máy điện đã tham gia thị trường này. Môi trường bán buôn điện cạnh tranh từng bước được hoàn thiện.

Khâu cuối cùng là bán lẻ điện cạnh tranh, hiện nay đang tiến hành thí điểm để đến năm 2024 thực sự có môi trường điện cạnh tranh hoàn toàn. Theo đó, Bộ trưởng Công Thương khẳng định, giá điện có tăng, có giảm sẽ theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất sẽ quyết định giá điện trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích, thực tế là từ năm 2011 đến nay, Việt Nam chưa đảm bảo được cân đối giá thành sản xuất điện của EVN và các nhà sản xuất khác. Các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất điện luôn tăng chứ chưa giảm.

Hơn nữa, luật Giá quy định, biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng phê duyệt để đảm bảo điều tiết kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Vừa qua, do tác động của dịch Covid-19, giá dầu và giá gas trên thế giới có giảm, Bộ cũng đã chủ động cùng với EVN đề xuất phương án giảm khoảng 10% giá điện (khiến EVN giảm doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng), góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Tư lệnh ngành công thương cũng khẳng định, đang tích cực nghiên cứu, hoàn thiện các phương án về biểu giá bán lẻ điện. Vừa qua, sau khi lấy ý kiến nhân dân, trong đó dư luận phản ánh những điểm chưa phù hợp, Bộ đã chỉ đạo tiếp thu tối đa để nghiên cứu, tiếp tục điều chỉnh các phương án cho thật sự phù hợp thì mới áp dụng.

“Chủ trương của Đảng vận hành kinh tế thị trường, kể cả điện đầu vào, và giá bán nhưng thực tế hiện nay giá điện chưa bám sát kinh tế thị trường, giảm động lực phát triển của điện năng?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chất vấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định “giá điện đang hướng tới các cấp độ triển khai hướng tới thị trường”.

Phiên giải trình, ngoài Bộ trưởng Công Thương còn có lãnh đạo Bộ Tài Nguyên - Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tham gia giải đáp, làm rõ các vấn đề.

Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Làm rõ thêm, ông Trần Tuấn Anh cho biết khi đó, thị trường điện khi đó sẽ có tăng, có giảm. Theo đó, nhà nước sẽ chỉ quản lý phí truyền tải điện, không can thiệp vào giá điện.

“Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện. Đến 2024, khi đủ điều kiện để thị trường hoá hoàn toàn trong lĩnh vực điện năng thì Nhà nước sẽ không can thiệp giá, giá điện tăng, giảm sẽ do thị trường quyết định” - Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

Không “trút gánh nặng” cho nền kinh tế

Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần làm rõ hàng loạt vấn đề liên quan đến việc phát triển điện lực của quốc gia trong thời gian tới.

Bộ Công Thương cần phân tích rõ các nguyên nhân dẫn tới hàng loạt dự án điện chậm tiến độ, các bất cập về thu hút vốn đầu tư cũng như các giải pháp giải liên quan đến nhập khẩu năng lượng thời gian tới. Thực tế, các dự án điện vừa qua chậm chủ yếu do giải phóng mặt bằng. Hay nhiệt điện than không được nhiều địa phương đề nghị không đầu tư.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, cần xác định rõ vai trò của nhiệt điện than cũng như xử lý vấn đề môi trường như xỉ than của nhiệt điện, pin mặt trời của năng lượng tái tạo trong thời gian.

Tương tự, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh nêu thực tế, làm điện than vẫn là thực tế để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tốc độ phát triển các dự án điện vừa qua không đạt yêu cầu bởi hầu hết các dự án điện than bị chậm tiến độ. Rất nhiều địa phương trước đó đăng ký dự án nhiệt điện “chùn tay”, quay lưng vì lo ngại ô nhiễm. Vậy, Bộ Công Thương có định hướng công nghệ thế nào để các dự án nhiệt điện triển khai an toàn, đảm bảo khả năng cung ứng điện?

“Nhiều ý kiến cho rằng Quy hoạch điện còn “sơ cứng”, chậm điều chỉnh, chưa linh hoạt dẫn đến mất cơ hội thu hút đầu tư. Vấn đề nhiệt điện than cũng có ý kiến trái chiều. Vậy quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề này như thế nào?” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp câu hỏi.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh: "Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện".

Đáp lại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xác nhận những tồn tại trong lĩnh vực điện lực hiện nay, trong đó có quy hoạch điện VII. Cụ thể, sơ đồ điện VII có dự báo về điện năng lượng tái tạo như điện gió không đúng thực tế. Trong khi Việt Nam có tiềm năng về điện năng lượng tái tạo. Hay trữ lượng dầu khí ngày càng suy giảm, thì nguồn khí bổ sung cho nhà máy điện bị thiếu, nguy cơ dẫn đến thiếu điện. Đây chính là vấn đề “sơ cứng” của sơ đồ điện này.

Bên cạnh đó, nhiệt điện than cũng bị bó cứng trong tổng sơ đồ điện 7 về tỷ lệ nhiệt điện than, trong khi nguồn cung loại nhà máy điện này tăng.

“Việc quy hoạch “sơ cứng” đã ảnh hưởng thu hút nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực doanh nghiệp tư nhân. Chúng tôi thừa nhận hạn chế của quy hoạch điện VII và quy hoạch điện 7 điều chỉnh chỉnh”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong quy hoạch điện VIII, việc triển khai các dự án điện than sẽ được quản lý chặt chẽ. Nền kinh tế sẽ không đưa thêm nhiều dự án điện than vào quy hoạch. Các dự án sẽ được đánh giá đầy đủ về yếu tố môi trường. Cùng đó, sẽ có sự điều chỉnh về cơ cấu các nguồn điện trong thời gian tới.

“Đặc biệt, không thể “trút gánh nặng” cho nền kinh tế khi các nguồn năng lượng giá thành cao ồ ạt đi vào hoạt động. Điện than sẽ được tính toán cùng các dự án điện khí để điều chỉnh cho phù hợp”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

 Phương Thảo -Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trường trung cấp nghề số 1 Hà Nội – Nơi học sinh gửi gắm niềm tin vào tương lai

Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội không chỉ cung cấp nguồn lao động có trình độ kỹ năng nghề cho các đơn vị, xí nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn trên địa bàn các tỉnh lân cận và cung cấp lao động có tay nghề cao ra thị trường nước ngoài. Đây là địa chỉ tin cậy cho các bậc phụ huynh và học sinh gửi gắm niềm tin vào tương lai của mình.

Vu Lan trực tuyến giữa đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì các chùa và nhiều gia đình đã lựa chọn hình thức tổ chức lễ Vu Lan trực tuyến để đảm bảo an toàn và hạn chế đi lại.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-mong-gia-dien-giam-bo-truong-cong-thuong-noi-doi-2024-20200907141604208.htm