Đảm bảo an toàn giao thông, không để người dân thiếu xe về quê dịp Tết

15/12/2021 09:09

Kinhte&Xahoi Cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhất là các phương tiện cá nhân, để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, các đơn vị vận tải hành khách, bến xe đã chuẩn bị sẵn các phương án, đáp ứng được nhu cầu đi lại của Nhân dân, đảm bảo đủ phương tiện không để người dân nào không kịp về Tết sum vầy theo phong tục truyền thống do thiếu tàu, lỡ xe.

Sẵn sàng các phương án

 Thời điểm hiện tại, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng dự báo số lượng phương tiện vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch, lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022 tới đây sẽ giảm đi. Tuy nhiên, lượng phương tiện cá nhân sẽ tăng mạnh. Trước tình hình này, lực lượng chức năng cho rằng, cần chuẩn bị sẵn các phương án đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý bến xe Hà Nội cho biết: Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khách vắng nên dù còn ít ngày nữa là đến kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cận kề, đơn vị vẫn chưa có kế hoạch tăng chuyến chạy Tết.

Các đơn vị vận tải hành khách đã chuẩn bị các phương án, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, không để người dân thiếu xe về quê dịp Tết

Ông Toàn chia sẻ thêm, trước khi dịch xảy ra, 3 bến xe trên địa bàn thành phố Hà nội có khoảng 2.000 đến gần 3.000 lượt xe/ngày. Như vậy, trong trường hợp khách đông lên dịp cuối năm, các nhà xe chạy hết công suất hiện có thì chắc cũng không phải xin tăng thêm chuyến.

Đối với các doanh nghiệp vận tải có xe khách chạy đường dài cũng bày tỏ quan điểm, tuỳ vào tình hình của dịch bệnh, khách đến đâu chạy đến đó, giờ "chưa vội" lên kế hoạch chạy Tết.

Ông Đỗ Công Bằng, Giám đốc Hãng xe Sao Việt cho hay: "Bình thường hãng Sao Việt chạy 100 xe/ngày, giờ mỗi ngày được 5 xe, thậm chí có chuyến xe chỉ vài khách. Dịch bệnh thế này, người dân đều ngại đi lại. Cứ đà này, doanh nghiệp vận tải khách năm nay chắc không có Tết".

Tương tự, anh Vũ Huy Hoàng, lái xe tuyến Hà Nội - Vinh (Nghệ An) cho biết: “Năm nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm lý của người dân cũng ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Hiện tại, các đầu xe của hãng chỉ chạy cầm chừng để giữ khách vì nhu cầu đi lại của người dân rất ít. Do đó chúng tôi chưa có phương án tăng chuyến trong dịp Tết”.

Đảm bảo giá cước vận tải công khai, minh bạch

 Nhằm đảm bảo vận tải đường bộ an toàn dịp Tết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.

Tổng cục đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cần có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện. Niêm yết các thông tin theo quy định.

Đặc biệt, yêu cầu nhà xe phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng.

Tổng cục đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cần có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép

Bên cạnh đó, các Sở Giao thông Vận tải cũng được chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động vận tải thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các địa phương có nhiều hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Riêng với các Cục Quản lý đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị này kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông; Tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng hợp lý, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, bảo đảm an ninh, trật tự tại các trạm thu phí, nhất là trên các trục đường chính ra vào Hà Nội và TP.HCM, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm… để có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự báo số lượng phương tiện vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch, Lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022 tới đây sẽ giảm đi, lượng phương tiện cá nhân sẽ tăng mạnh so với mọi năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải lên sẵn phương án cụ thể để đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo đủ phương tiện không để người dân nào không kịp về Tết sum vầy theo phong tục truyền thống do thiếu tàu, lỡ xe.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng quán tràn ra vỉa hè

Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Cảm xúc tháng Mười - Khúc khải hoàn của niềm vui chiến thắng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết và đến ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong niềm vui hân hoan sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân ta, đây là một trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dam-bao-an-toan-giao-thong-khong-de-nguoi-dan-thieu-xe-ve-que-dip-tet-185540.html