Dân Hà thành lùng mua hải sản "khuyết tật"

12/10/2020 10:05

Kinhte&Xahoi Được các bà nội trợ ở Hà thành ráo riết lùng mua nên các loại hải sản bị thương, “khuyết tật” như cua gạch, ghẹ, thậm chí là cua Alaska còn đắt khách hơn cả hàng tươi sống.

Sau khi thưởng thức được một bữa cua gạch với giá siêu rẻ, những ngày gần đây, chị Hoàng Thị Nguyên ở Trịnh Đình Cửu (Hoàng Mai, Hà Nội) rất chăm chỉ vào những khu “chợ hải sản online” hay những cửa hàng hải sản online để săn mua các loại cua, ghẹ bị thương, “khuyết tật”.

Chị Nguyên chia sẻ, tôm, cua, ghẹ là những loại hải sản mà gia đình chị yêu thích. Song, chị giá những loại hải sản này tương đối đắt đỏ, một tháng chị chỉ mua 2-3 lần về ăn, mua nhiều hơn sợ hụt chi.

So với hải sản nguyên con hàng thường thì hàng  “khuyết tật” có giá rẻ chỉ bằng 1/3-1/2 nên các bà nội trợ thường lùng mua về ăn

Thế nhưng, gần đây chị phát hiện ra nhiều cửa hàng hải sản online bán các loại cua gạch, ghẹ là hàng “khuyết tật”, tức thiếu càng hoặc thiếu chân với giá rẻ chỉ bằng nửa giá, thậm chí rẻ bằng 1/3 hàng nguyên đang bơi.

Như hôm trước, chị săn được lô cua gạch bị thương, “khuyết tật”mất chân loại 350gram/con mà giá chỉ 50.000 đồng/con. Mua 5 con hết 250.000 đồng, bằng một nửa so với giá hàng thường. Còn loại ghẹ  “khuyết tật” mất 1 chân hoặc càng giá chỉ khoảng 130.000 đồng/kg, trong khi hàng đầy đủ chân lúc nào cũng phải tầm 250.000-300.000 đồng/kg.

Đợt đầu mua về ăn thử, chị sợ chất lượng kém nhưng gạch cua rất nhiều, ghẹ mua ăn thử cũng rất chắc thịt. Thế nên chị nhập hội những bà nội chợ cuồng mua hải sản “khuyết tật”.

“Hàng thường thì mua lúc nào cũng có, còn hàng này hiếm nên phải săn lùng, may thì gặp mua được chứ các cửa hàng hải sản không có thường xuyên. Mình đặt hàng trước họ cũng không nhận”, chị nói. Để mua được các loại hải sản “khuyết tật”, chị ngày cũng lướt facebook, vào các “chợ online” để lùng mua.

Chị Lê Vũ Ngọc Dung ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) khoe, cuối tuần trước chị săn mua được một con cua Alaska bị thương giá chỉ 530.000 đồng/kg. Con cua nặng gần 3kg, tính ra hết 1,5 triệu đồng.

Nó vẫn là hàng tươi sống đang bơi, chỉ là bị mất một chân nên cửa hàng bán rẻ. Chứ nếu vẫn còn đầy đủ chân thì giá loại cua này lên tới 1,3-1,7 triệu đồng/kg. “Về tôi làm món hấp bia đơn giản để chấm muối ớt chanh. Cả nhà ăn một bữa thoải mái mà tính ra lại rất rẻ”, chị nói.

Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Trần Minh Trung - chủ một cửa hàng hải sản ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - thừa nhận, vì hải sản “khuyết tật” có giá rẻ nên khách tranh nhau đặt mua.

“Hôm trước tôi đăng bán hơn chục con cua gạch bị thương. Trong vòng 30 phút, có tới mấy chục khách hàng vào hỏi mua. Cộng nhẩm qua khách hỏi mua chắc phải đến gần tạ, nhưng lượng cua có bán thì chỉ có hai khách đặt là hết rồi. Thế nên, các khách khác tôi đành phải từ chối”, anh cho hay.

Theo anh Trung, thật ra thì loại hàng này không nhiều. Bởi, cua, ghẹ trong quá trình vận chuyển không cẩn thận bị gãy chân, càng mới bị loại ra bán giá rẻ. Một ngày cũng chỉ có vài cân. Khách nào nhanh tay thì mua được, còn không đành chờ tới hôm sau.

Song, cũng có dịp anh nhận tiêu thụ hộ nhà thuyền lô ghẹ “khuyết tật”. Những lần như vậy cũng chỉ vài chục cân chứ không nhiều. Giá thì tùy thuộc vào hàng bị thương nặng hay nhẹ, chân gãy càng nhiều thì giá càng rẻ. Nhưng đa phần đã là hàng loại này thì giá chỉ bằng 1/3-1/2 so với hàng thương đầy đủ chân càng.

Chị Bùi Thị Kim Phượng, chủ một cửa hàng hải sản ở Đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), nhận xét, dù là hàng  “khuyết tật” nhưng các loại cua, ghẹ, đặc biệt là cua Alaska hay tôm Alaska lại là hàng cực kỳ đắt khách. Rao bán trên fanpage của cửa hàng mà khách tranh nhau hỏi mua, hàng hết veo trong vòng một nốt nhạc.

Theo chị Phượng, vì có giá rất rẻ so với hàng nguyên con tươi sống nên các bà nội trợ rất chuộng mua. Tuy nhiên, mặt hàng này thì cửa hàng không thể nhận đặt hàng trước vì không biết lúc nào mới có hàng loại, số lượng loại ra mỗi ngày cũng khác nhau.

Thêm nữa, thời gian cũng không cố định, thấy con cua, ghẹ nào bị thương thì rao bán luôn để hàng đảm bảo tươi ngon. Do đó, nhiều bà nội trợ quen mua ăn mặt hàng này gần như này nào cũng vào hỏi nhân viên, lướt fanpage của cửa hàng để săn lùng.

Theo C.Giang - VietnamNet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trở về tuổi thơ với chiếc đèn ông sao năm cánh

Từ lâu, chiếc đèn ông sao luôn được xem là món đồ chơi không thể thiếu dành cho trẻ em trong dịp Tết trung thu. Ngày nay, tuy xuất hiện không ít loại đồ chơi hiện đại, hấp dẫn khác, nhưng đèn ông sao vẫn có một ý nghĩa đặc biệt với các bạn nhỏ. Tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cô Nguyễn Thị Tuyến là nghệ nhân duy nhất đến nay vẫn còn giữ nghề làm đồ chơi dân gian này.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dan-ha-thanh-lung-mua-hai-san-khuyet-tat-20201012085248849.htm