Dân Thủ đô dậy từ 5 giờ sáng, bắt tàu hỏa đi Hải Phòng mua bánh trung thu

28/09/2020 15:28

Kinhte&Xahoi Để thưởng thức vị bánh truyền thống, nhiều người dân Hà Nội không quản ngại đường sá xa xôi, dậy từ 5 giờ sáng để bắt tàu hỏa đi Hải Phòng, xếp hàng chờ mua bánh trung thu.

Đến hẹn lại lên, cô Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) lại thức giấc từ 5 giờ sáng, chuẩn bị đồ đoàn, hành lý ra ga đi Hải Phòng mua bánh trung thu. Năm nay, cô mua được 6 hộp, 2 hộp để nhà, 4 hộp gửi cho các con. 

"Thông thường, tôi sẽ đi chuyến tàu 6 giờ từ Hà Nội tới Hải Phòng, khoảng 8h30 là cập bến. Sau đó, tôi sẽ xếp hàng 3 tiếng tại cửa hàng chờ mua bánh trung thu" - cô cho biết.

Trước cửa tiệm bánh trung thu nức tiếng ở Hải Phòng lúc nào cũng đông nghẹt khách

Theo cô Hiền, tiệm bánh ở Hải Phòng lúc nào cũng đông khách nên xếp hàng là chuyện thường tình. Đặc biệt, trước ngày rằm tháng 8, lượng người đứng chờ trước cửa tiệm có thể lên tới vài trăm người.

"Có người đứng đợi cả ngày vẫn ra về tay không vì hết bánh. Bởi khách đến đây thường mua với số lượng lớn, ai nấy cũng xách cả chục hộp mỗi lần. Nên đôi khi chỉ nhanh chậm vài phút là đã chẳng có hàng" - cô kể.

Tương tự, nhóm bạn 5 người của chị Thủy An (Hà Nội) cũng lên chuyến tàu sớm để đi mua bánh. Nhóm của chị dự định ở lại Hải Phòng 2 ngày, 1 ngày chơi quanh thành phố, ngày còn lại đi xếp hàng mua bánh trung thu. 

"Thực ra là chúng tôi cũng muốn thử cảm giác đứng xếp hàng chờ đợi, mong ngóng chiếc bánh ra lò xem sao. Vì tiệm này thường chỉ bán ở một nơi duy nhất và không có đại lý phân phối hay ủy quyền".

Chị An cho biết, năm nay, nhóm chị mua 20 bánh nướng thập cẩm với giá 50.000 đồng/chiếc, 10 bánh dẻo sen giá 70.000 đồng/chiếc, 15 thập cẩm gà quay giá 80.000 đồng/chiếc và 5 hộp rồng tròn loại 3kg với giá 1,8 triệu đồng/hộp.

Ngoài ra, nếu khách không muốn xếp hàng lâu hay chờ đợi có thể mua qua đường "xách tay" từ dân buôn với giá chênh lệch từ 30.000 - 40.000 đồng/bánh. 

Nhiều người sẵn sàng xếp hàng, đứng đợi 2 - 3 tiếng đồng hồ để mua bánh trung thu

Đơn cử như nhà chị Ngân Hà (Hà Nội) mỗi ngày nhập hơn 500 chiếc bánh trung thu ở Hải Phòng về bán cho khách, hôm nào nhiều có thể lên tới 800 chiếc.

Chị cho biết, nhà chị đã làm nghề "xách tay" bánh trung thu tròn 3 năm. Đều đặn, cứ trước rằm tháng tám từ 15 - 20 ngày, vợ chồng chị lại cắt cử, luân phiên nhau đi lấy hàng. Công việc khá đơn giản là xếp hàng tại tiệm, mua bánh và về bán lại cho khách.

"Tuy là công việc thời vụ nhưng nguồn thu mang lại khá tốt, thường mỗi chuyến hàng, chúng tôi lãi khoảng 1 - 1,2 triệu đồng. Do đa phần là bánh truyền thống, thời gian sử dụng ngắn nên nhà tôi thường lấy và giao trong ngày" - chị kể.

Dịch vụ "xách tay" bánh trung thu sôi động trên chợ mạng

Theo chị Hà, dù trên thị trường hiện có khá nhiều dòng bánh hiện đại nhưng khách hàng vẫn có xu hướng tìm về bánh truyền thống. Đơn cử như 2 cửa hàng bán bánh trung thu ở Hà Nội và Hải Phòng lúc nào cũng đông nghẹt, khách muốn mua đa phần đều phải xếp hàng chờ.

"Nhờ thế mà dân buôn như bọn tôi mới có cơ hội ăn lên làm ra. Bởi nhiều người ngại xếp hàng, ngại chờ đợi mà muốn ăn ngon nên sẽ tìm đến các tiểu thương. Một phần là các cửa hàng này không có đại lý nhượng quyền, chỉ có 1 cơ sở nên khách ở các tỉnh chỉ có cách mua xách tay" - chị tiết lộ.

Chiếc bánh nướng thập cẩm Hải Phòng khiến người tiêu dùng phát sốt

Như nhà chị Hà, ngoài phục vụ khách lẻ ở Hà Nội còn bán buôn cho các đầu mối ở các tỉnh như Thái Nguyên, Hưng Yên, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Bánh sẽ được đóng theo thùng từ 50 chiếc và vận chuyển theo đường xe khách.

"Nếu lấy bánh từ Hải Phòng thì chiều tối tôi gửi xe khách, còn ở Hà Nội thì có hàng lúc nào tôi sẽ chuyển luôn. Do đi lại, vận chuyển khá tốn công nên khách phải lấy từ 50 chiếc trở lên tôi mới gửi" - chị nói.

 An Chi - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại

Chiều 24-9, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại” nhằm nhìn lại những kết quả của Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đối với sự phát triển của Thủ đô; rút ra những bài học kinh nghiệm, những mô hình hay; đồng thời kiến nghị, đề xuất những giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả mục tiêu này trong thời gian tới.

Tháo gỡ khó khăn, hút nhà đầu tư phát triển nguồn điện theo IPP

Sáng ngày 18/09, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực, Tạp chí Năng lượng Việt nam đã tổ chức Hội thảo khoa học ”Cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư phát triển nguồn điện tại Việt Nam – những vấn đề đối với nhà Đầu tư”. Mục tiêu của Hội thảo là để các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện khí, nhiệt điện than, thủy điện…trình bày những vấn đề còn bị mắc kẹt trong phát triển các dự án theo hình thức ‘nguồn phát triển độc lập” và bàn giải pháp thúc đẩy các dự án nguồn điện của Việt Nam trong thời gian tới.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dan-thu-do-day-tu-5-gio-sang-bat-tau-hoa-di-hai-phong-mua-banh-trung-thu-20200928083312231.htm