Đạo đức Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng ngời cho mỗi chúng ta

14/05/2020 09:12

Kinhte&Xahoi Hồ Chí Minh là một nhà đạo đức, có cống hiến lớn về đạo đức học, đồng thời nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Đạo đức Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho mỗi chúng ta trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục đạo đức mà còn là hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân. Nhận thức căn cốt của Hồ Chí Minh là cách mạng cần đạo đức, con người cần đạo đức, nhất là cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo.

Theo Người, đạo đức là thước đo “chất người”, “trình độ người” của con người. Nó giống như bốn mùa của trời, bốn phương của đất. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người. Có tài mà không có đức là hỏng. Chính trị, đạo đức là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị, đạo đức thì chỉ còn cái xác không hồn. Đạo đức càng cần thiết đối với người có quyền, vì có quyền mà không có đức, thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.

Đạo đức giúp con người khi gặp khó khăn thì không bi quan, chán nản, sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đạo đức là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Đạo đức cách mạng là một chỉnh thể, bao gồm nhiều tính tốt xuất phát từ lòng mỗi con người mà ra. Lòng mình biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Người cán bộ phải “minh minh đức, thân dân”, tức chính tâm và phục vụ nhân dân. Thực hành được bốn chữ “chí công vô tư” với ý nghĩa là cốt lõi của đạo đức cách mạng thì đầu óc mới trong sáng, tỉnh táo để làm những việc ích nước, lợi dân; khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít và những tính tốt như cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, trí, dũng ngày càng thêm. Chí công vô tư là nêu cao chủ nghĩa tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân.

Những quan điểm cơ bản nêu trên tỏ rõ rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà đạo đức học thực thụ, đồng thời là biểu tượng toàn vẹn của đạo đức cách mạng. Người nói là làm, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, thông qua việc làm để giáo dục đạo đức. Quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh có một bảo chứng mang giá trị thuyết phục, đó là việc nêu gương.

Người sống như những điều Người nói. Nói về phận sự của Đảng, Người chỉ rõ ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác. Lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Cả đời Người từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến tận cuối đời là như vậy, thể hiện tấm gương sáng về chí công vô tư, đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc làm đầu. Cho đến lúc qua đời, trên ngực áo Người vẫn không có một tấm huân chương. Người không có gì riêng cho mình. Cái riêng lớn nhất lại hòa vào cái chung của dân tộc, đó là suốt đời Người hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người đứng ở đỉnh cao của quyền lực, nhưng không bao giờ hành xử như một người có quyền. Người nói và nêu gương trong công việc như một người chiến sĩ vâng lệnh của quốc dân ra mặt trận. Người không tham quyền cố vị, không mong được thăng quan phát tài. Người là hình ảnh sống của một lãnh tụ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, sống giữa lòng dân, vì nhân dân phục vụ.

Với nhân dân, Người quan niệm và thực hành việc gì dù nhỏ mấy mà có lợi cho dân thì cũng gắng sức làm; việc gì dù nhỏ mà có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Cả đời tiết kiệm vật chất, tiền bạc, thời gian vì nhân dân, vì đất nước, trước lúc vĩnh biệt chúng ta, viết những lời dặn dò để lại (năm 1969), Người vẫn dùng giấy một mặt trên tờ Tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam. Và Người dặn: “Khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Nhằm phát huy giá trị quý báu của di sản tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TƯ, ngày 7-11-2006 về Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ đó đến nay, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo sát sao, nâng cấp quy mô, mức độ và tính chất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 03-CT/TƯ về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 5 năm đi vào đời sống, Chỉ thị đã góp phần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể thiết thân của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) tiếp tục ban hành Chỉ thị số 05-CT/TƯ về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Từ đó đến nay, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ đã giúp đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là giải pháp thiết thực ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa", đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Hàng vạn tấm gương cán bộ, đảng viên và nhân dân được vinh danh hằng năm là những “bông hoa đẹp”, góp phần lan tỏa tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh vào đời sống…

Có nhà nghiên cứu viết rằng: Khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh mang theo chiếc gậy thần là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng đất nước, mỗi chúng ta phải có chiếc gậy thần là đạo đức Hồ Chí Minh.

Cách tiếp cận đó hoàn toàn có lý. Bởi xét cho cùng, một người có lý tưởng cách mạng, có tài mà không có đức là hỏng. Đức phải có trước tài. Có đạo đức thì có thể học tập để dần nâng cao trí tuệ và tài năng. Có tài năng mà không có đức thì tài năng dễ mai một; nguy hiểm hơn nữa là dễ bị dùng vào những việc xấu xa, gây tác hại không thể lường trước cho cho cách mạng. Có tài và cơ chế, bộ máy tốt mà con người không có lương tâm, phá hoại thì cái tài và bộ máy, cơ chế đó không những không phát huy nổi hiệu lực, thậm chí thành công cụ của cái bậy, cái ác.

Gần đây, khi bàn về lựa chọn cán bộ trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là cán bộ cấp chiến lược, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời đại thi hào Nguyễn Du: Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài đi với chữ tai một vần.

Noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, “xây” phải đi đôi với “chống”. Đề cao và thực hành chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, thì phải tuyệt đối chống chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện như tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tuyệt đối không dính líu gì với vòng danh lợi. Mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày, suốt đời phải tu thân, chính tâm và vun bồi tính liêm sỉ thì mới có thể chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, cám dỗ của vinh quang và quyền lực.

Hiện nay, để làm cho đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt, phải noi theo đạo đức Hồ Chí Minh, hiểu thấu và làm đúng những lời dạy của Người về đạo đức và lấy tấm gương của Người rọi chiếu cho suy nghĩ, hành động hằng ngày. Điều chủ chốt của người lãnh đạo là phải xứng đáng là người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công an Hà Nội đấu tranh quyết liệt với tội phạm, tệ nạn xã hội trong mùa dịch Covid 19

Trong thời điểm cả nước đang tập trung, nỗ lực phòng chống dịch bệnh, Công an Hà Nội cùng với nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch bệnh đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội có liên quan đến dịch bệnh Covid 19. Đợt cao điểm này được triển khai thực hiện từ 15.4 đến 14.6.2020. Sau hơn 20 ngày mở đợt cao điểm, Công an thuộc các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã liên tiếp đấu tranh, khám phá nhiều vụ án về hình sự, kinh tế, ma túy.

Theo Hà Nội mới/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dao-duc-ho-chi-minh--tam-guong-sang-ngoi-cho-moi-chung-ta-d124408.html