Mấy năm trở lại đây, do nhu cầu sành chơi của người dân nên một số tiểu thương đã cất công tìm mua, vận chuyển những cành đào rừng ở các vùng núi Tây Bắc xuống Thủ đô để phục vụ thị yếu hoa ngày Tết.
Theo các tiểu thương buôn đào rừng, những cành đào rừng được vận chuyển xuống Hà Nội đều là giống đào tự nhiên ở các vùng núi cao hay trong cánh rừng sâu của Sa Pa, Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang…
Cũng chính vì là giống đào tự nhiên nên thân và cành thường có dương xỉ sống bám vào lớp vỏ cây, đây là đặc điểm ít gặp ở những cây đào trồng.
Khác với giống đào Nhật Tân, đào rừng có tán cây rộng và hoàn toàn phát triển tự nhiên.
Nụ hoa của đào rừng rất to, thường mọc ở đầu cành hay đầu các búp tay.
Hoa đào rừng có 5 cánh, xếp xung quanh đài hoa theo 5 hướng khác nhau; cánh hoa có màu hồng trắng tươi và thời gian hoa tàn cũng lâu hơn rất nhiều so với giống đào trồng.
Chị Ngân – một tiểu thương bán đào rừng cho biết: “Với những đặc điểm nổi bật hơn đào trồng như: hoa đẹp, nụ to, thời gian chơi lâu (chừng 1 – 2 tháng), thân cây có rêu phong… tất cả mang dáng dấp của rừng núi tự nhiên nên được nhiều người ưa chuộng”.
Những năm trước đây, đào rừng chưa được đưa xuống các thành phố lớn như Hà Nội, nhiều người có thú vui chơi đào rừng ở miền xuôi thường phải cất công lên tận vùng miền núi để tìm mua loại đào này mang về chưng Tết.
Trò chuyện với chú Ngọ - người chơi đào rừng lâu năm ở Hà Nội chia sẻ: “Thực sự, những cành đào rừng là rất đẹp! Khác với các loại hoa đào khác, đào rừng phải là người có am hiểu, yêu thích giống hoa mới sẵn sàng bỏ tiền triệu, thậm chí cả chục triệu, trăm triệu để mua 1 cành đào về nhà chơi Tết. Tuy giá bán đào rừng cành cao gấp nhiều lần so với giá bán đào cành của Nhật Tân nhưng đào rừng cũng không hiếm người ở Hà Nội chơi như chú”.
Sự xuất hiện những cành đào rừng của vùng núi rừng Tây Bắc ở Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán đã góp thêm phần tô thắm sắc xuân trên mảnh đất Thủ đô cùng với hoa đào của làng đào Nhật Tân nổi tiếng.
Vũ Cừ