Đất công đang cho thuê giá... 0 đồng: Đề nghị Bộ Công an giám định hợp đồng

14/03/2019 15:29

Kinhte&Xahoi Gần 1.000m2 đất công sản đang được cho thuê với giá... 0 đồng nhưng vẫn không thu hồi mặt bằng được vì "vướng" bản chụp hợp đồng khác có thời hạn đến năm 2022. Do không có bản gốc, Bộ Nội vụ đã đề nghị Bộ Công an giám định hợp đồng bản chụp này để có cơ sở xử lý

Liên quan đến vụ: " Gần 1.000m2 đất công sản đang được cho thuê với giá... 0 đồng?! " mà Dân trí phản ánh, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị giám định hợp đồng.
Ngay mặt tiền đường 3-2, quận 10, TPHCM có 950m2 đất công sản được doanh nghiệp thuê sử dụng kinh doanh
Theo văn bản số 5576/BNV-KHTC, Bộ Nội vụ cho biết, năm 2001, Học viện Hành chính Quốc gia (thời điểm đó là cơ quan thuộc Chính phủ) đưa 950m2 đất công sản tại góc đường 3-2 giao với Cao Thắng (quận 10, TPHCM) vào liên kết với Công ty cổ phần Duy Tân để khai thác bổ sung nguồn thu phục vụ hoạt động sự nghiệp theo Hợp đồng Hợp tác đầu tư xây dựng, khai thác và chuyển giao số 01/HĐHT ngày 9/1/2001.

Quá trình thực hiện Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước vào năm 2012, trùng với thời điểm kết thúc thời hạn cho thuê 10 năm theo Hợp đồng 01/HĐHT, Bộ Tài chính và Tổ Công tác của Ban chỉ đạo 09 TPHCM đã yêu cầu Học viện Hành chính Quốc gia (lúc đó là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) thu hồi diện tích đất cho thuê, đảm bảo sử dụng đất trụ sở đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo 09 TPHCM và các cơ quan chức năng, từ năm 2012, Học viện Hành chính Quốc gia đã bằng nhiều biện pháp nhằm thu hồi diện tích đất cho thuê nói trên nhưng phía đối tác là Công ty cổ phần Duy Tân chưa trao trả.

Công ty Duy Tân đưa ra bản chụp Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng số 04/HVHCQG ngày 27/8/2002. Hợp đồng 04 có thời hạn thuê đất lên đến 20 năm (từ năm 2002 đến năm 2022), gấp đôi thời gian thuê so với Hợp đồng 01 (10 năm). Với hợp đồng 04, Công ty Duy Tân lấy làm lý do để không bàn giao diện tích đất đang thuê theo yêu cầu của Học viện.

Điều trớ trêu là đến thời điểm này, Học viện Hành chính Quốc gia và bộ Nội vụ đều không có bản gốc Hợp đồng số 04/HVHCQG. Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định Hợp đồng 04/HVHCQG không có trong hồ sơ lưu trữ của Học viện.

Do đó, Bộ Nội vụ đã đề nghị Bộ Công an hỗ trợ giám định Hợp đồng 04/HVHCQG để xem xét trách nhiệm các bên, đồng thời làm cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.

Trong vụ việc này, Hợp đồng 04/HVHCQG đang là "nút thắt" cần tháo gỡ.

Hợp đồng 04/HVHCQG ký vào năm 2002, chỉ 1 năm sau khi ký Hợp đồng 01/HĐHT, với các điều khoản tương tự, chỉ khác thời gian thực hiện hợp đồng thay đổi từ 10 năm lên 20 năm. Tuy nhiên, hợp đồng 04 lại không thể hiện là một phần không tách rời hay kế tục của hợp đồng 01. Thời điểm ký Hợp đồng 04 thì hợp đồng 01 vẫn còn hiệu lực đến 9 năm.

Để xác minh tính đúng đắn và hợp pháp của Hợp đồng 04, phía Học viện đề nghị công ty Duy Tân cung cấp lại cho Học viện bản chính hoặc bản sao có công chứng nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được.
Hình chụp lại bản photo của hợp đồng 01 và 04. Trong vụ việc này, Hợp đồng 04/HVHCQG đang là "nút thắt" cần tháo gỡ

Trao đổi với PV Dân trí về việc trên, đại diện phía công ty Duy Tân khẳng định hợp đồng 04/HVHCQG là có nhưng khi PV đề nghị được xem bản chính của hợp đồng này thì đại diện công ty cho biết hiện không giữ nên không thể cung cấp.

Một thành viên Hội đồng Quản trị công ty Duy Tân cho rằng, hợp đồng giả hay thật, lưu hồ sơ như thế nào thì cứ để cơ quan chức năng làm rõ trên cơ sở sai đến đâu, xử đến đó và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Theo Dân trí/ Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận 9 (TP. HCM): Quản lí đô thị kiểu "ba rọi"

Thị trường đất quận 9 nóng sốt là nhờ vào đẩt nền phân lô. Tuy nhiên, nhiều khu vực dù không thuộc đất được cấp phép phân lô, nhưng nhờ những "phép màu" nó vẫn được san lấp và rao bán như các sản phẩm chính thống. Thậm chí còn được bao xây dựng thành nhà. Những căn nhà không phép, san lấp vô tội vạ đang diễn ra rầm rộ là nhờ "phép màu" trong công tác quản lý đô thị của UBND quận 9 và dưới dự giám sát "tích cực" của lực lượng Thanh tra Xây dựng địa bàn thuộc Sở Xây dựng TP.HCM